Theo CNN, vào ngày 3/2 theo giờ địa phương, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ (Tổng chưởng lý) Merrick Garland đã gặp Viện trưởng Kiểm sát (Tổng công tố) Ukraine Andriy Kostin tại Washington. Trong thời gian gặp gỡ, ông Garland thông báo rằng Mỹ sẽ sử dụng tài sản của một nhà tài phiệt Nga bị tịch thu vào năm ngoái để viện trợ cho Ukraine, đây là lần đầu tiên diễn ra hành động kiểu này trong lịch sử nước Mỹ.
Cùng ngày 3/2 ông Garland đã phát biểu: "Hôm nay tôi thông báo đã phê chuẩn lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ chuyển giao tài sản bị tịch thu của Nga cho Ukraine. Đây là số tài sản bị tịch thu của nhà tài phiệt Nga Konstantin Malofeev trong vụ kiện mà ông ta bị cáo buộc trốn tránh các lệnh trừng phạt."
Nhà tài phiệt Nga Konstantin Malofeev, người bị Mỹ tịch thu 5,4 triệu USD để chuyển cho Ukraine (Ảnh: Forbes). |
Theo CNN, chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Malofeev vào tháng 4 năm ngoái vì ông ta "đã hành động, trực tiếp hoặc gián tiếp vì Chính phủ Nga, hoặc thay mặt cho chính phủ Nga hoặc tuyên bố hành động thay mặt cho chính phủ Nga". Vào tháng 6 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã tịch thu khoảng 5,4 triệu USD trong tài khoản ngân hàng của Malofeev tại Mỹ.
Sau đó, vào ngày 23/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua một tu chính án cho phép chuyển tài sản bị tịch thu của các doanh nhân Nga viện trợ cho Ukraine.
Ông Garland nói thêm: "Sau khi tôi phê chuẩn hôm nay, số tiền này sẽ được chuyển đến Bộ Ngoại giao (Mỹ) để giúp đỡ người dân Ukraine. "Những kẻ tội phạm chiến tranh Nga sẽ không tìm thấy bất kỳ nơi ẩn náu nào ở Mỹ".
Theo CNN, Tổng công tố Ukraine Kostin cùng ngày đã đáp lại lời Garland: "Hôm nay, chúng tôi đang chứng kiến việc ủy quyền chuyển 5,4 triệu USD tài sản bị tịch thu của Nga cho Bộ Ngoại giao (Mỹ) với mục đích tái thiết Ukraine bị chiến tranh tàn phá."
Ông Kostin nói thêm: "Chúng tôi cảm ơn hành động quyết đoán và sự hỗ trợ của nước Mỹ. Người dân Ukraine sẽ mãi mãi không quên điều này".
CNN đưa tin về vụ việc. |
Vào ngày 20/4/2022, Chính phủ Mỹ đã công bố đợt trừng phạt mới đối với Nga. Mục tiêu các biện pháp trừng phạt nhắm vào hơn 40 cá nhân và thực thể Nga, trong đó có một ngân hàng thương mại chủ yếu và nhà tài phiệt Nga Konstantin Malofeev.
Malofeev, năm nay 49 tuổi, khởi đầu sự nghiệp trong ngành đầu tư của Nga và sau đó thành lập công ty cổ phần tư nhân Marshall Capital của Nga. Tờ Financial Times của Anh cho biết doanh nhân thành đạt này có quan hệ mật thiết với Nhà thờ Chính thống Nga và Điện Kremlin. Ngoài lệnh trừng phạt vào năm 2022, Malofeev còn bị các nước phương Tây sớm trừng phạt ngay từ năm 2014 vì hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Ngoài ra, Mỹ, Italy và các nước khác cũng đã bắt giữ hoặc tịch thu tài sản ở nước ngoài của một số nhà giàu Nga, chẳng hạn như du thuyền và biệt thự sang trọng.
Đối với việc Mỹ và các nước phương Tây tịch thu tài sản ở nước ngoài của Nga như vậy, theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 23/1/2023 đã lên tiếng cho rằng kế hoạch của Mỹ chuyển giao tài sản tịch thu của Nga cho Ukraine là "hành vi trộm cắp".
Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cũng bình luận với Sputnik rằng Mỹ và châu Âu đã biển thủ những thứ không thuộc về mình và đang đánh mất lòng tin của những người sở hữu tài sản. Việc tịch thu tài sản, tịch thu máy bay, tiền gửi và các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nhân Nga cho thấy quyền sở hữu tư nhân thiêng liêng bất khả xâm phạm đã sụp đổ ở phương Tây; giờ đây kinh doanh ở đó rất nguy hiểm.
Ngay sau khi Nga mở “Chiến dịch Quân sự đặc biệt” chống Ukraine ngày 24/2/2022, Mỹ và các nước phương Tây đã đóng băng, tịch thu số tài sản lớn của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4/2022 nói rằng các tài sản bị tịch thu của Nga, bao gồm cả dự trữ ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng, “phải được sử dụng để tái thiết Ukraine sau chiến tranh và đền bù những tổn thất khác cho đất nước”.
Cho đến nay, các nước châu Âu đã đi đầu trong việc tịch thu tài sản. Nhiều nhà giàu Nga bị họ coi là “bạn thân giàu có của ông Putin” từ lâu đã sở hữu nhà và đầu tư ở châu Âu.
Du thuyền trị giá 90 triệu USD của nhà tài phiệt Nga Viktor Vekselberg bị Tây Ban Nha tịch thu (Ảnh: AP), |
Theo Nhà Trắng, các quốc gia thành viên EU đã thông báo về việc đóng băng hơn 30 tỉ USD tài sản của Nga, trong đó bao gồm du thuyền, máy bay trực thăng, bất động sản và tác phẩm nghệ thuật trị giá 7 tỉ USD.
Về phía Mỹ, Nhà Trắng cho biết, Bộ Tài chính đã trừng phạt và tịch thu các du thuyền và máy bay trị giá hơn 1 tỉ USD thuộc về giới tinh hoa của Nga.
Trong số những thứ bị tịch thu có một du thuyền thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Nga Viktor Vekselberg. Du thuyền trị giá 90 triệu USD đã bị tịch thu vào đầu tháng 4/2022.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã đóng băng các tài sản trị giá hàng trăm triệu USD trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ do giới tinh hoa Nga nắm giữ.
Các nhà lập pháp Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thực thi cứng rắn hơn các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và công ty Nga. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng một số thay đổi lập pháp được đề xuất đã đi quá xa và có nguy cơ cho phép chính phủ lạm dụng quyền tịch thu dân sự của mình.