Mỹ: Biểu tình phản đối cảnh sát lan rộng tại các thành phố lớn

Làn sóng biểu tình phản đối cảnh sát tại thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng ra các thành phố lớn nằm ở bờ Đông nước này như thủ đô Washington, New York, Boston.
Biểu tình diễn ra tại Quảng trường Liên minh ở New York. (Nguồn: nydailynews)
Biểu tình diễn ra tại Quảng trường Liên minh ở New York. (Nguồn: nydailynews)

Tối 29/4, hàng nghìn người, chủ yếu là sinh viên tiếp tục tham gia biểu tình ở Baltimore nhằm phản đối vụ một thanh niên da màu Freddie Gray qua đời hồi đầu tháng 4 do bị chấn thương cột sống nặng sau khi cảnh sát bắt giữ. Với những khẩu hiệu kêu gọi công bằng, chống phân biệt đối xử, đoàn người tuần hành trong hòa bình bắt đầu từ ga tàu chính đi qua khu trung tâm tới tòa thị chính thành phố.

Hơn 2.000 binh sỹ thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia triển khai tại Baltimore vẫn kiểm soát tình hình dù giới chức cho biết sẽ sẵn sàng hành động nếu bạo lực nổ ra như hôm 27/4, sau đám tang của Gray. Cảnh sát cho biết lệnh giới nghiêm ban đêm toàn thành phố vẫn còn hiệu lực và họ đã bắt giữ thêm 18 người, trong đó có 2 thiếu niên.

Ở New York, cuộc biểu tình ở Quảng trường Liên minh (Union Square), khu Hạ Manhattan cũng diễn ra trong không khí ôn hòa. Tuy nhiên, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 60 người tìm cách vượt hàng rào quy định, gây ảnh hưởng đến giao thông. Máy bay trực thăng cũng đã được điều động để đề phòng bạo lực.

Nhiều người biểu tình cũng tụ tập ở Quảng trường Thời đại (Time Square) sau đó tuần hành về phía Bắc, gây ách tắc giao thông ở Đại lộ 7. Các cuộc tuần hành cũng diễn ra ở Washington, Boston, Houston, Ferguson, Missouri, Seattle, Denver, Minneapolis và Indianapolis song với quy mô nhỏ hơn.

Trong khi đó, cùng ngày, cảnh sát Baltimore thông báo sẽ không công bố báo cáo về cái chết của Freddie Gray vào ngày 1/5 như dự kiến. Theo người đứng đầu lực lượng cảnh sát Baltimore, kết quả điều tra của cơ quan này sẽ được gửi cho các công tố viên để quyết định liệu có khởi tố không.
 
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang tiến hành một cuộc điều tra toàn diện riêng rẽ về khả năng xảy ra các hành vi vi phạm nhân quyền trong vụ việc trên.

Tân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cho biết đã ra lệnh cơ quan này hỗ trợ thành phố Baltimore lập lại trật tự và giải quyết vụ bạo loạn nổ ra tại thành phố.

Trong bối cảnh trên, một điều tra dư luận công bố cùng ngày cho thấy 49% thanh niên Mỹ mất lòng tin vào hệ thống tư pháp của nước này do sự phân biệt đối xử và thành kiến sắc tộc. Tỷ lệ này trong nhóm người Mỹ gốc Phi lên tới 66% và 53% những người gốc Tây Ban Nha được hỏi có cùng quan điểm.

Căng thẳng gia tăng nhiều tháng qua tại Mỹ liên quan đến hành vi của giới chức thực thi pháp luật vốn đa phần là người da trắng phân biệt đối xử với các công dân da màu.

Vụ biểu tình bạo lực mới nhất bùng nổ ngày 27/4 tại Baltimore đã buộc chính quyền bang Maryland ban bố tình trạng khẩn cấp. Sự việc này được coi là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua khi buộc lực lượng vệ binh quốc gia lần đầu tiên kể từ vụ bạo loạn năm 1968 phải tuần tra các tuyến phố. Lệnh giới nghiêm đã được ban bố từ lúc 10h đêm đến 5 giờ sáng hôm sau dự kiến sẽ kéo dài hết tuần.

Theo thống kê, bạo lực ở Baltimore đã khiến 270 người biểu tình quá khích bị bắt giữ; 19 công trình xây dựng như nhà cửa và cửa hàng bị phóng hỏa; gần150 phương tiện giao thông bị đốt cháy và hơn 20 cảnh sát bị thương./.

Theo: Vietnam+