Trữ lượng lithium được phát hiện chủ yếu trên toàn bộ lục địa châu Phi, Zimbabwe, Namibia, Ghana, Cộng hòa Dân chủ Congo và Mali đều có nguồn tài nguyên quan trọng này. Giá của lithium đang tăng tốc. Tháng 5/2022, giá cao gấp 7 lần so với đầu năm 2021. Các quốc gia giàu khoáng sản như Zimbabwe đang ở vị thế được quan tâm đặc biệt.
Zimbabwe đã khai thác lithium trong 60 năm, chính phủ quốc gia này ước tính, mỏ khoáng sản Bikita thuộc sở hữu của Trung Quốc, cách thủ đô Harare 300 km về phía nam, có khoảng 11 triệu tấn tài nguyên lithium. Zimbabwe là nhà sản xuất lithium lớn thứ 6 thế giới. Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế dự đoán, khi khai thác triệt để các nguồn tài nguyên đã biết, Zimbabwe có khả năng đáp ứng 20% nhu cầu của thế giới.
Prosper Chitambara, nhà kinh tế phát triển của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Lao động Zimbabwe cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ trong vài năm qua. Để chúng tôi nhận được toàn bộ tiềm năng từ lĩnh vực khai thác, quốc gia phải tiến lên trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.”
Tháng 12/2022, Zimbabwe thông qua Đạo luật kiểm soát xuất khẩu khoáng sản cơ bản cấm xuất khẩu lithium thô. Nhưng các công ty đang trong quá trình phát triển mỏ hoặc nhà máy chế biến ở Zimbabwe được miễn thực thi lệnh cấm này. Trong đó có các công ty Trung Quốc Chiết Giang Huayou Cobalt, Tập đoàn tài nguyên Sinomine và Tập đoàn Liti Chengxin, đã đầu tư 678 triệu USD vào những dự án khai thác lithium ở Zimbabwe.
Farai Maguwu, giám đốc Trung tâm quản lý tài nguyên thiên nhiên của Zimbabwe cho biết: “Bất kỳ chính phủ nào trên thế giới cũng nhất định phải có những phản ứng khi tài nguyên của quốc gia bay theo mọi hướng. Nhưng tinh quặng liti vẫn được xuất khẩu hợp pháp ra khỏi đất nước. Tôi nghĩ rằng chính phủ chỉ muốn kiểm soát liti, đang do những người khai thác thủ công đang khai thác, không nằm trong quyền kiểm soát của quốc gia và đang bị buôn lậu ra khỏi đất nước. ”
Khai thác thủ công, hoặc khai thác quy mô nhỏ là phương pháp khai thác phần lớn không chính thức. Các cá nhân sử dụng những công cụ lao động thông thường khai thác khoáng sản. Chính phủ Zimbabwe ước tính, khai thác thủ công đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của hơn 1 triệu người dân Zimbabwe.
Joseph Mujere, giảng viên Lịch sử châu Phi hiện đại tại Đại học York cho biết: “Những người khai thác thủ công bị ảnh hưởng nhiều nhất từ lệnh cấm. Người dân đã tích lũy được rất nhiều lithium thô và đang chuẩn bị bán lậu ra nước ngoài.
Trung tâm Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên ước tính chính phủ đã mất gần 2 tỉ USD khoáng sản, bị buôn lậu qua biên giới do rò rỉ từ khai thác thủ công của người dân và công ty nhỏ.
“Có hai vấn đề đang nổi lên,” ông Maguwu nói. “Vấn đề chính trị được cho rằng, khai thác mỏ là vị cứu tinh của nền kinh tế. Sau đó là vấn đề môi trường sống địa phương, được khẳng định rằng khai thác mỏ đang hủy hoại sinh kế của người dân. Người dân châu Phi muốn có vị thế trung gian. Chúng tôi muốn thấy việc khai thác mỏ đóng góp cho nền kinh tế, nhưng không gây thiệt hại cho người dân Zimbabwe.”
Trong khi những người khai thác thủ công bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu, thì doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng lợi từ việc miễn trừ. Các mỏ Bikita, mỏ lithium lớn nhất trong nước và mỏ Lithium Arcadia đều thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.
Năm 2022, các công ty khai thác khoáng sản Trung Quốc Tsingshan, China Nonferrous và Huayou cobalt đã đầu tư gần 1,5 tỉ USD vào Zimbabwe trong cùng năm. Tập đoàn tài nguyên Sinomine công bố kế hoạch mở rộng mô hình sản xuất hiện tại tại mỏ Bikita bằng giải pháp đầu tư 200 triệu USD xây dựng một nhà máy lithium mới.
Maguwu nói: “Khi chúng ta tin tưởng vào người Trung Quốc và cho phép các công ty Trung Quốc đến và thực hiện những gì mà người dân Zimbabwe có khả năng làm, chúng ta đang xây dựng Trung Quốc chứ không phải Zimbabwe”. “Người dân Zimbabwe đang kêu gọi, hãy trao trả lại những vị trí này cho người dân Zimbabwe.”
Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe từ chối bình luận về tuyên bố này.
Trung Quốc chiếm hơn 70% năng lực sản xuất pin EV toàn cầu và có hơn 20 năm cam kết nhất quán với các quốc gia châu Phi, Trung Quốc đặt ngành công nghiệp vào đúng vị trí quan trọng, tiếp cận các nguồn lực cần thiết để tiếp tục phát triển theo xu hướng này.
Mvemba Phezo Dizolele, giám đốc Chương trình Châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Trung Quốc đã hành động để chiến thắng. Với Mỹ, mối quan hệ của chúng ta không phải lúc nào cũng bền vững. Trung Quốc luôn nhất quán với quan điểm của mình.”
Tháng 12/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chào đón 49 nhà lãnh đạo châu Phi đến Washington, DC, tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-Phi lần thứ II và là hội nghị đầu tiên kể từ thời chính quyền Barack Obama.
Ông Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh: “Mỹ tập trung vào tương lai của châu Phi.
Hội nghị thượng đỉnh được coi là một bước quan trọng trong nỗ lực khôi phục những mối quan hệ, vốn đã rạn nứt dưới thời chính quyền tổng thống Donald Trump. Nhưng điều đáng chú ý trong sự kiện này là sự vắng mặt của Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, bị Mỹ cấm nhập cảnh từ năm 2002. Bộ trưởng Ngoại giao Frederick Shava đã thay mặt ông tham dự.
“Việc ông ấy đến là một tín hiệu cho thấy Mỹ quan tâm đến việc mở cửa trở lại với Zimbabwe,” ông Dizolele nói.
Mặc dù chính quyền Mỹ thể hiện rõ ý định của quốc gia này khi tham gia vào những hoạt động kinh doanh ở châu Phi, nhưng thực tế là Trung Quốc đã bắt rễ sâu ở lục địa này. Sẽ rất khó để Mỹ giành lại khoảng thời gian đã mất. Năm 2009, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất châu Phi. Quốc gia này đã tăng từ 121 triệu USD trong tổng giá trị hàng hóa giao dịch với châu Phi năm 1950 lên đến 254 tỉ USD vào năm 2021, vượt trội hơn 4 lần so với Mỹ, tổng mức giao dịch chỉ đạt 64 tỉ USD vào năm 2021.
Dizolele nói: “Mỹ đã không nhất quán trong phương pháp tương tác với châu Phi. “Nếu rời đi và quay lại 10 năm sau, khoảng trống kinh doanh, sản xuất để lại sẽ được lấp đầy bởi các doanh nghiệp khác, điều quan trọng là nước Mỹ phải nhất quán trong quan hệ.”
|
Mỹ đang tụt lại sau Trung Quốc trong công nghiệp khai thác Lithium ở châu Phi. Video CNBC. |
Theo CNBC