Mỹ- Philippines hợp tác phá vỡ âm mưu bành trướng
Ngày 12/1, với 10 phiếu ủng hộ, 4 phiếu phản đối, Tòa án tối cao Philippines kết luận, Hiệp định tăng cường hợp tác phòng thủ (EDCA) mà Philippines ký kết với Mỹ năm 2014 không vi phạm hiến pháp Philippines.
Hiệp định này chưa có hiệu lực vì chờ phán quyết của tòa án, nay sẽ cho phép Mỹ xây dựng các thiết bị quân sự tại vùng đất đã từng là thuộc địa của Mỹ, tàu chiến, máy bay và lực lượng quân sự Mỹ sẽ đồn trú tại đây theo hình thức luân phiên. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá đây là “phán quyết hết sức quan trọng”.
Ngày 13/1, người phát ngôn Bộ quốc phòng Philippines Restituto Padilla cho biết, Philippines có kế hoạch cung cấp 8 căn cứ quân sự cho Mỹ để xây dựng thiết bị dự trữ quân bị, vũ khí và vật tư tiếp tế, trong đó có 2 căn cứ quân sự giáp với biển Đông.
Quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, ngoài 8 căn cứ quân sự, Mỹ còn có ý định sử dụng bến tàu dân dụng và sân bay trên đảo Luzon, bao gồm vịnh Subic năm ngoái có trên 100 tàu Mỹ neo đậu.
Ngày 12/1, tạp chí Chính sách ngoại giao của Mỹ đưa tin, tòa án tối cao Philippines thông qua hiệp định hợp tác quân sự với Mỹ, mở đường cho Mỹ bố trí binh lực tại quốc gia này. Đây cũng là thành công lớn của chính quyền tổng thống Obama trong chiến lược “trở lại châu Á”, phản ánh sự phản kháng của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trước sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.
Bài viết còn dẫn lời của ông Ernest Bower – cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), nhà lãnh đạo Philippines và Mỹ đều mong muốn hiệp định lần này có thể sử dụng để ngăn chặn Trung Quốc, để Trung Quốc từ bỏ những yêu sách về chủ quyền. Quyết định này sẽ khiến Mỹ có thể dành ngân sách giúp Philippines hiện đại hóa hải quân, còn Mỹ có thể dừng đậu các loại chiến đấu cơ và tàu chiến trên các căn cứ quân sự, cũng có thể đưa các thiết bị quân sự, vật tư vào Philippines trước thời điểm cần thiết.
Trung Quốc luôn lớn tiếng chỉ trích Mỹ can thiệp sâu vào các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên biển Đông, còn Mỹ mạnh mẽ khẳng định có quyền thực hiện hoạt động tự do hàng hảng trên biển. Hiện tại, hiệp định này giúp tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ được phép hoạt động tự do, rộng rãi hơn. Các nhà phân tích cho rằng, điều này sẽ giúp Mỹ có nhiều hoạt động “tự do hàng hải trên biển Đông” hơn, đồng thời giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của Trung Quốc.
Tháng 4/2014, Philippines và Mỹ ký kết hiệp định EDCA, cho phép quân đội Mỹ cử nhiều lực lượng sang đồn trú tại Philippines hơn, Mỹ được sử dụng căn cứ quân sự, xây dựng, lắp đặt thiết bị quân sự, khí tài, chiến cơ, tàu chiến, thời hạn 10 năm.
Bao giờ Trung Quốc xây dựng khu vực nhận diện phòng không trên biển Đông?
Tờ Thời báo New York cho biết, Philippines và Trung Quốc – ngày càng có những hành động mạo hiểm trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Mặc dù phía Mỹ phủ nhận ý đồ của hiệp định này là giúp ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc, nhưng chính phủ Philippines tuyên bố rằng, do những xung đột với Bắc Kinh ngày càng nhiều hơn, Manila cần tăng cường lực lượng quân sự.
Ngày 12/1, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng BBC, chuyên gia Bonnie Glaser – cố vấn dày dạn kinh nghiệm của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) chỉ ra rằng, vụ kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế của Philippines về vấn đề biển Đông sẽ gây ra những rắc rối thực sự cho Trung Quốc.
Tháng 6/2015, Philippines đã khởi kiện lên tòa án quốc tế chống lại Trung Quốc theo quy định của Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (“Công ước”), phản đối yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với UNCLOS và cần được tuyên bố là không có căn cứ.
Philippines cũng khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải. Trung Quốc vẫn ngoan cố không chấp nhận và cũng như không tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài này. Dư luận phổ biến dự đoán kết quả trọng tài sẽ được công bố vào tháng 6/2016.
Bà Glaser chỉ ra rằng: “Tôi không cho rằng tòa án trọng tài sẽ ủng hộ Philippines trong mọi vấn đề, nhưng họ sẽ ủng hộ Philippines một số vấn đề trong đó. Nếu tòa án quốc tế phán quyết ngư dân Philippines có quyền đánh bắt cả ở khu vực lân cận bãi cạn Scarborough, thì đó sẽ là một thách thức đích thực đối với đường lưỡi bò”.
Một vấn đề khác trong kết quả phán quyết là thuộc tính đặc trưng của các hòn đảo: “Nếu kết luận đá Vành Khăn chỉ là một bãi đất cao và thuộc một phần thềm lục địa của Philippines sẽ trở thành thách thức lớn đối với Trung Quốc, vì Bắc Kinh cho rằng có thể chiếm đóng Đá Vành Khăn trong phạm vi chủ quyền của họ và xây dựng cơ sở hạ tầng rất giống căn cứ quân sự”.
Theo bà Glaser, Trung Quốc và các nước đưa ra tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông có suy nghĩ khác nhau, điều mà Trung Quốc xem xét không phải là khu vực 12 hải lý quanh đảo có thuộc lãnh hải của nước này hay không, mà là một vẽ đường cơ sở ở xung quanh một quần đảo. Do đó họ ngang nhiên đưa ra tuyên bố về chủ quyền với tất cả các vùng biển trên biển Đông. Mặc dù Trung Quốc không xây dựng vùng nhận diện phòng không trong năm 2016, nhưng có thể Bắc Kinh sẽ làm công việc này trong năm 2017 hoặc 2018.
Hiện tại, khu vực nhận diện phòng không trên biển Đông đã được quân đội Trung Quốc đưa vào kế hoạch từ lâu, tuy nhiên nếu hiện tại Trung Quốc xây dựng khu vực này, sẽ dẫn đến sự hợp lực chống lại của các nước có liên quan. Trong 6 tháng sắp tới, Trung Quốc sẽ tập trung hoàn thành công trình xây đảo nhân tạo trái phép trên đá Vành Khăn và đá Xu Bi. “Trước khi nhìn thấy khu vực nhận diện phòng không, chúng ta sẽ thấy Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở lãnh hải trên biển Đông. Người Trung Quốc đang tranh luận đâu là thời cơ thích hợp để đưa ra tuyên bố này”, bà Glaser nhận định.
Trung Quốc cho rằng "đường lưỡi bò" ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế thuộc phạm vi lãnh hải được vẽ trên bản đồ của họ "có nguồn gốc lịch sử". Tuy nhiên các nước Đông Nam Á phản bác "đường lưỡi bò" không phù hợp với Công ước Luật biển Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
* Đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và phía ngoài của nội thủy, do quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo định ra phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 để làm cơ sở xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa).
H.L