Cụ thể, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 72.275 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.413 tỷ đồng trong 10 tháng năm 2018, mức tăng trưởng lần lượt là 36% và 33% so với cùng kỳ năm 2017.
Với kết quả kinh doanh trên, MWG đã hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu và 93% kế hoạch lợi nhuận năm 2018.
Về cơ cấu tăng trưởng doanh thu theo ngành hàng, so với giai đoạn 10 tháng 2017, nhóm sản phẩm điện máy tăng trưởng 74% (so với tốc độ tăng trưởng của thị trường khoảng 20%); nhóm sản phẩm điện thoại, máy tính bản tăng trưởng 18%; nhóm thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng trưởng 224%.
Doanh thu online 10 tháng 2018 của MWG đạt 9.848 tỷ đồng (tăng trưởng 117% so với cùng kỳ), chiếm 13,5% tổng doanh thu của MWG. So với kế hoạch cả năm, doanh thu online của MWG đã hoàn thành 98%.
Báo cáo của MWG cho biết, với đà tăng trưởng này, doanh thu online của doanh nghiệp sẽ tăng gần như gấp đôi mỗi năm, liên tiếp kể từ năm 2015 đến nay. Kết quả tăng trưởng vượt trội này so với mức tăng trưởng chung của thị trường đến từ việc vận hành hiệu quả mô hình bán lẻ đa kênh (Omni-channel).
Trong đó, mạng lưới cửa hàng khắp cả nước là sức mạnh quan trọng của MWG để phân phối sản phẩm nhanh chóng với chi phí tối ưu và cung cấp dịch vụ thuận tiện cho khách hàng.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các giao dịch online là phù hợp với xu hướng phát triển của Thương Mại Điện Tử (TMĐT). Báo cáo của MWG cũng trích dẫn nguồn số liệu từ Sách trắng Thương Mại Điện Tử Việt Nam. Trong đó, doanh thu TMĐT năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dự kiến vào năm 2020, doanh số TMĐT sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng quy mô thị trường bán lẻ. Tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT (B2C) trung bình mỗi năm tại Việt Nam ước tính khoảng 28% cho giai đoạn 2014-2017 và được dự báo tiếp tục duy trì khoảng 20% cho giai đoạn 2018-2020.
Tổng quan kết quả kinh doanh giai đoạn 10 tháng 2018 của CTCP Thế Giới di động (Nguồn: MWG)
|
Trích dẫn nguồn dữ liệu thống kê của GFK, báo cáo của MWG cho biết, có khoảng 16% giá trị sản phẩm điện thoại và chỉ có khoảng 5% giá trị sản phẩm điện máy được bán thông qua các kênh online tại Việt Nam (50% giá trị sản phẩm bán online là qua các website của MWG), kể từ đầu năm tới nay.
Các sản phẩm được giao dịch online đa phần là hàng hóa nhỏ gọn như điện thoại hoặc có giá trị tương đối thấp như phụ kiện, gia dụng. Các mặt hàng điện tử, điện lạnh là sản phẩm có giá trị cao nên khách hàng vẫn muốn ra cửa hàng trải nghiệm và được tư vấn để chọn mua trực tiếp. Giao dịch mua bán hàng công nghệ điện máy qua kênh online diễn ra chủ yếu ở một số thành phố lớn do tính chất phức tạp trong hoạt động vận chuyển, giao nhận và lắp đặt.
“Phép thử” Bách Hóa Xanh vận hành ra sao?
Báo cáo tóm tắt của MWG cho biết, kể từ tháng 4/2018 đến nay, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) đã liên tục triển khai những thay đổi mang tính chiến lược, bao gồm:
(1) tạm hoãn việc mở mới và di dời các cửa hàng sâu trong khu dân cư, lựa chọn mặt bằng cho các cửa hàng mới khai trương nằm ở các trục đường phụ, trên đường đi làm về nhà của người nội trợ;
(2) Chuẩn hóa mô hình “thịt tươi-cá lội” với sự đầu tư đa dạng các chủng loại hàng tươi sống và FMCGs;
(3) Triển khai thử nghiệm mô hình cửa hàng quy mô lớn 300m2, được đầu tư với tổng số lượng hơn 3000 mặt hàng (hơn 300 mặt hàng tươi sống) đặt gần chợ truyền thống, khu vực đông dân cư;
(4) Mở rộng thử nghiệm mô hình chuẩn đi các tỉnh lân cận cách TPHCM 30-40km kể từ tháng 7/2018;
(5) Tập trung tối ưu doanh thu trên mỗi cửa hàng thông qua việc nâng cấp nâng cấp các cửa hàng từ mô hình cũ (không có “thịt tươi, cá lội”) lên mô hình chuẩn và cửa hàng từ quy mô chuẩn lên quy mô lớn;
(6) Chủ động rà soát để đóng các cửa hàng không đạt kết quả kinh doanh như kỳ vọng kể từ cuối tháng 8/2018.
MWG cho biết quyết định đóng cửa các cửa hàng tức thời làm tăng chi phí cho BHX và phần nào ảnh hưởng đến biên lợi nhuận ròng của cả tập đoàn (do bồi thường trả mặt bằng và khấu hao phân bổ của các cửa hàng đóng cửa sẽ ngay lập tức chuyển thành chi phí).
Nhưng nếu xét về dài hạn, hoạt động này sẽ tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của toàn chuỗi trong tương lai khi doanh thu trung bình tính trên số cửa hàng còn lại được cải thiện và các cửa hàng đang hoạt động hiệu quả không phải tiếp tục bù lỗ cho các cửa hàng đã đóng cửa.
Nhờ thực hiện các giải pháp này, doanh thu tính bình quân một tháng cho các cửa hàng BHX khai trương trước ngày 1/10/2018 đã vượt mức 1.05 tỷ đồng/cửa hàng, tăng 24% kể từ mức 850 triệu đồng /cửa hàng cuối tháng 6/2018 và tăng 62% kể từ mức 650 triệu đồng/cửa hàng cuối tháng 3/2018. Với 412 cửa hàng đang hoạt động tại ngày 31/10/2018, BHX ghi nhận doanh thu đạt 467 tỷ đồng (chỉ tính riêng cho tháng 10/2018).
Tính đến cuối tháng 10/2018, BHX đã có 270 cửa hàng chuẩn và cửa hàng quy mô lớn (tương đương với 65% số cửa hàng hiện hữu) tại Tp.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai; trong đó bao gồm 18 cửa hàng lớn và 15 cửa hàng tại các tỉnh lân cận.
Các cửa hàng chuẩn đã hoạt động ổn định tiếp tục tăng trưởng doanh thu bình quân, đạt khoảng 1.150.00 đồng/cửa hàng/tháng.
Gần đây, Hội đồng quản trị MWG đã thông qua nghị quyết tăng vốn điều lệ cho Công ty Cổ phần Thương Mại Bách Hóa Xanh (đơn vị thành viên sở hữu trực tiếp chuỗi cửa hàng BHX) thêm 1.250 tỷ đồng, nhằm phục vụ kế hoạch phát triển và mở rộng kinh doanh./.