Muốn lấy lại ánh hào quang, Sony cần liều lĩnh

Sự kiện của Sony tại triển lãm CES đã quá nhàm chán với những mẫu TV, máy ảnh mới; và Sony cần sự đột phá, liều lĩnh nếu không muốn đi theo một lối mòn trong quá nhiều năm.
Liệu Sony có lấy lại được hào quang thủa trước!

Kết quả kinh doanh của Sony trong thời gian qua đủ để cho thấy, ngoại trừ mảng game, các mảng kinh doanh khác của hãng đều đang gặp khó khăn. Doanh số smartphone kém cỏi, không có sản phẩm nào mang tính đột phá... trong thời gian dài. Sony đang có dấu hiệu của một kẻ chậm chạp, đi theo lối mòn - để rồi mỗi khi triển lãm công nghệ CES diễn ra, lãnh đạo công ty lại lên sân khấu ra mắt những mẫu TV, camera, dàn âm thanh... mới có đôi chút cải tiến so với thế hệ cũ.

Nick Summers, cây viết của Engadget và là một fan hâm mộ của Sony, tỏ ra "đau lòng" khi chứng kiến thực tế đó. Anh đã có những "tâm sự" bày tỏ mong muốn của mình, rằng Sony cần có sự liều lĩnh nếu muốn cho ra mắt những thiết bị mang tính đột phá - giống như cách Samsung làm được với dòng smartphone màn hình cong Edge. ICTnews xin lược dịch bài "tâm sự" này để độc giả có thể theo dõi. 

Tôi (Nick Summers) là người rất hâm mộ Sony. Tôi lớn lên với chiếc máy cassette Walkman và 1 chiếc TV Sony 13 inch kết nối với máy chơi game Sega Saturn trong phòng ngủ. Nhưng trong những năm gần đây, sự lo lắng của tôi cho tương lai Sony ngày càng lớn. Đúng là Sony đang sở hữu bộ phận game PlayStation "ăn nên làm ra". Mảng cảm biến hình ảnh của họ vẫn đang sinh lời lớn. Tuy nhiên, ở rất nhiều mảng khác, Sony đang gặp rắc rối. Smartphone là một ví dụ: Dòng smartphone X ra mắt năm ngoái không mang đến gì khác ngoài sự thất vọng, không thay đổi được doanh số kém cỏi của smartphone Z series mà nó kế nhiệm. 

CEO Sony trong một bài phát biểu.

Sony cần một sự hồi sinh, và thời điểm tốt nhất để làm điều này chính là tại CES. Thông thường, công ty trình diễn hàng loạt TV, máy chiếu, tai nghe và loa. Chiến lược đó không có gì sai, khi mà âm thanh và các thiết bị gia dụng cũng là những mảng kinh doanh lớn của hãng công nghệ Nhật Bản. Tuy nhiên, một điều dễ nhận ra là năm nào những sản phẩm kiểu này cũng được giới thiệu tại CES. Mọi thứ lặp đi lặp lại theo một chu kỳ quen thuộc. Model mới thường chỉ có những cải tiến nhỏ so với năm trước. Chúng có thể là sản phẩm tốt nhất trong thị trường đó nhưng Sony cần một chiến lược táo bạo hơn, một cái gì đó đột phá hơn tại CES để khiến khách tham quan cũng như người dùng trên thế giới phải trầm trồ. 

Sony từng ít lần làm được điều đó. Điển hình như chiếc mâm đĩa nhựa cao cấp PS-HX500 mà hãng giới thiệu năm ngoái. Sản phẩm gây được tiếng vang tốt, được đánh giá cao với thiết kế tối giản và khả năng chuyển đổi tín hiệu từ analog sang kỹ thuật số. Thế nhưng, dù sao đi nữa thị trường của một sản phẩm như PS-HX500 cũng chỉ là thị trường ngách. Ngay cả các mẫu camera compact của Sony như A7R và RX100, cũng không thể đạt tới tầm "đột phá". Chúng có thể chụp những bức ảnh tuyệt vời, là sản phẩm mà các nhiếp ảnh gia yêu thích. Thế nhưng, lại một lần nữa, máy ảnh đang là thị trường đi xuống.

"Nét như Sony " bây giờ là chưa đủ

Tôi đã hy vọng sẽ có một sự thay đổi từ Sony tại CES năm nay, thế nhưng cuối cùng hãng vẫn lặp lại chu kỳ cũ. CEO Kazuo Hirai của Sony ra mắt TV OLED 4K mới cho chất lượng hình ảnh ấn tượng trong một thiết kế cực mỏng. Tôi say mê với thiết kế của nó, dù cách Sony dùng chính bản thân màn hình để làm loa, không gây ấn tượng cho đồng nghiệp của tôi khi tác nghiệp tại triển lãm. Sony còn ra mắt chiếc máy chiếu có giá lên tới 25.000 USD với khả năng chiếu được hình ảnh kích thước 100 inch lên 1 bức tường từ khoảng cách 15 cm. Dù cho tính năng của nó có thế nào đi nữa, mức giá cao ngất ngưởng sẽ là quá tầm với của hầu hết người dùng, và rồi chẳng ai đủ tiền để mua nó cả.  

Máy chiếu của Sony rất hoàn hảo khi dùng trong các căn hộ nhỏ, nhưng cái giá cao ngất ngưởng 25.000 USD khiến nhiều người phải lắc đầu.

Phần còn lại của sự kiện riêng Sony tổ chức tại CES chủ yếu dành cho việc xào xáo lại các sản phẩm cũ. Đó là chiếc  RX100 V, máy ảnh point-and-shoot từng được công bố hồi tháng 10 năm ngoái. Hirai cũng nói tới cả kính thực tế ảo PlayStation VR, tuy nhiên, ông không tiết lộ doanh số bán mà cũng không nói tới một bản update phần mềm đủ hay để người dùng cảm thấy hào hứng và muốn mua nó ngay lập tức. Thay vào đó, khách mời chỉ được nghe Sony khoe cột mốc doanh số mới của PlayStation 4 với 53,4 triệu máy bán được. 

Tôi nghĩ công ty cần một chiến lược mới. Sự kiện tại CES nên được xem là 1 thông báo đầu tiên cho những sản phẩm mới trong 12 tháng của năm, 1 tuyên bố về các dự định của lãnh đạo, các nhà thiết kế sản phẩm của Sony. Với Sony, quanh quẩn với 1 vòng lặp cố định không phải là điều tốt. Hirai cùng công ty của ông cần chấm dứt những buổi công bố sản phẩm thông thường mà thay bằng các sản phẩm táo bạo, "hoang dại" hơn. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ Samsung đã tạo ra sự thay đổi ngoạn mục cho dòng smartphone Galaxy của hãng với những điện thoại Edge dùng màn hình cong? Sony cần một bước nhảy vọt tương tự như thế về thiết kế để tạo sự khác biệt với các đối thủ. Một vài ý tưởng có thể sẽ gặp thất bại, thế nhưng điều Sony cần đó là không sợ mạo hiểm. Đã đến lúc công ty bỏ lại ánh hào quang của quá khứ để bắt đầu mọi thứ mới mẻ trở lại. 

Có một sự trớ trêu đó là Hirai biết điều này. Khi bắt đầu bài phát biểu tại CES, CEO Sony nhắc lại ý tưởng về "kandou" (Tạm hiểu là ý tưởng về một sản phẩm gây ấn tượng, tạo sự háo hức mạnh mẽ). "Bất kỳ khi nào bạn thấy, chạm hay tương tác với sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi muốn kích thích một phản ứng cảm xúc. Kandou không chỉ xảy ra trong một vài không gian trừu tượng trong đám mây, nó xảy ra khi bạn tạo ra các sản phẩm mà người dùng mong muốn". 

Xperia Agent.

Chúng ta cũng từng được chứng kiến một Sony táo bạo trước đây. Xperia Agent là một ví dụ. Sản phẩm tích hợp một máy chiếu và một robot và có thiết kế giống loa thông minh Echo của Amazon. Xperia Agent thậm chí còn biết pha coffe. Tuy nhiên, gần 12 tháng kể từ ngày ra mắt, liệu đã ai có thể mua được thiết bị này? Tôi e rằng hầu như không ai. Sony cần chọn ra những dự án R&D tốt nhất và hỗ trợ thương mại hóa dự án đó - giống như cách Amazon thương mại hóa Echo để mọi người được tiếp cận và rồi yêu thích sản phẩm này. Những buổi họp báo của Sony cũng nên kết thúc trong 1 viễn cảnh khác, viễn cảnh mà các sản phẩm của hãng có ngày lên kệ rõ ràng, có mức giá hợp lý để nhận được những tiếng vỗ tay háo hức từ người tham gia. Tại CES 2017, Sony không làm được điều đó. Sản phẩm của họ có thể gây tò mò, ấn tượng, nhưng không đạt tới tầm mà ai cũng mong ước sở hữu. Và đó là vấn đề mà Hirai cùng các cộng sự của mình cần ngồi lại để tìm lời giải. 

Theo ICTNews (nguồn Engadget)