Muốn đến Việt Nam tránh thương chiến, nhưng các ông lớn toàn cầu đang nấn ná gì?

VietTimes — Rất nhiều chuyên gia dự đoán thương chiến Mỹ Trung sẽ khiến Trung Quốc mất đi vị thế “công xưởng thế giới”. Trong bối cảnh đó, Việt Nam với những lợi thế về nhân công và vị trí địa lý, được kỳ vọng sẽ đón nhận làn sóng “di dời” khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp lớn.
Hội thảo Vietnam Economic Outlook 2020
Hội thảo Vietnam Economic Outlook 2020

Hạn chế từ thị trường

Trong hội thảo Vietnam Economic Outlook 2020 vừa tổ chức, giám đốc phát triển Ngành giày thể thao Khu vực châu Á New Balance khẳng định hãng đang đang tăng tốc dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, tuy nhiên có những khó khăn mà thực sự vẫn phải giải quyết: “Trung Quốc vẫn có nhiều sản phẩm, nhiều công nghệ tốt chưa thể tìm thấy ở Việt Nam.” Đối với ngành sản xuất giày của New Balance, những ưu điểm của Trung Quốc so với Việt Nam có thể kể đến công nghệ dệt, cắt tự động, hay đơn giản chất lượng sợi vải v.v.

Phía Samsung, nhà đầu tư FDI lớn thâm niên tại Việt Nam lại tỏ ra lo ngại vì chuỗi cung ứng. Ông Kim DongKyun – Giám đốc phát triển kinh doanh Samsung SDS cho biết từ cách đây 5 năm, rất nhiều nhà cung ứng linh kiện sản xuất cho Samsung đã manh nha rời Trung Quốc chuyển sang chuyện chuyển dịch sang Việt Nam. Và quả thật, trong những năm qua, Samsung đã có những định hướng trong việc mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên phía doanh nghiệp này vẫn gặp một số khúc mắc. Cụ thể ông Kim cho biết: “Chúng tôi không có các nhà cung ứng địa phương đủ lớn.”

Trong một bài báo mới đây, trang CNBC cũng đã chỉ ra 4 thách thức lớn của Việt Nam trong việc “thay thế” Trung Quốc, trong đó một vấn đề lớn cũng chính là độ lớn thị trường. Theo số lượng thống kê từ World Bank, Việt Nam chỉ chiếm 0,27% trong cơ cấu sản lượng công nghiệp toàn cầu. Trong khi đó Trung Quốc lại chiếm đến 28,22% cơ cấu sản lượng công nghiệp toàn cầu.

Cơ cấu sản lượng công nghiệp toàn cầu (Nguồn: CNBC)
Cơ cấu sản lượng công nghiệp toàn cầu (Nguồn: CNBC)

Phía CNBC cũng chỉ ra khó có nền kinh tế nào thực sự có thể thay thế được Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại.

Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực luôn là một trong những ưu điểm giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI. Tuy nhiên, dù nguồn nhân lực dồi dào nhưng Việt Nam lại đang thiếu hụt về chất lượng, trong đó bao gồm các yếu tố đánh giá điển hình như trình độ học vấn, kĩ năng và sức khỏe.

Đại diện của Samsung, ông Kim DongKyun cho rằng trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam không nên quá chú tâm vào số lượng mà phải chú tâm vào hiệu suất. Bài toán quy mô thị trường hạn chế có thể giải quyết bằng tự động hóa, công nghệ, robot. Tuy nhiên số lượng nguồn nhân lực có thể tham gia vào tiến trình thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp tự động hóa của Việt Nam chắc chắn còn hạn chế.

Xét theo các yếu tố về số lương, trình độ học vấn, kĩ năng và sức khỏe, sự so sánh giữa nguồn nhân lực của Việt Nam và Trung Quốc thực sự vẫn còn rất khập khiễng. Theo CNBC “Việt Nam có một lượng lớn nhân lực đang muốn tìm việc ở độ tuổi từ 15 trở lên. Nhưng con số này vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

Kenny Liew, nhà nghiên cứu tài Fitch Solution cho rằng: “Nếu chúng ta nhìn vào thị trường Việt Nam, sẽ thấy họ có số lượng dân nhỏ hơn Trung Quốc 14 lần. Nếu đem so sánh hai quốc gia, sẽ thấy sự rủi ro về số lượng nhân sự rất lớn.”

Biểu đồ so sánh lực lượng lao động Việt Nam và Trung Quốc (Nguồn: CNBC, Intenational Labour Organization, World Bank )
Biểu đồ so sánh lực lượng lao động Việt Nam và Trung Quốc (Nguồn: CNBC, Intenational Labour Organization, World Bank )

Những vấn đề về pháp lý

Ở một góc nhìn khác Giám đốc Tài chính công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam – ông Pawalit Ua-Amornwanit cho rằng Việt Nam con đang có rất nhiều vấn đề pháp lý cần giải quyết. Đối với C.P hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp này rất quan tâm đến truy suất nguồn gốc thực phẩm. Một vấn đề nổi cộm mà bản thân các nhà làm chính sách vẫn chưa tìm ra lời giải để quản lý.

Ông Pawalit còn chỉ ra những thiếu xót khi tại Việt Nam: “Không có hướng dẫn quy định cụ thể nào về sản phẩm Made in Vietnam”.  Ông Pawalit cho biết không chỉ doanh nghiệp của ông mà rất nhiều doanh nghiệp chuyển hướng từ Mỹ về Việt Nam đều đặt câu hỏi tiêu chuẩn để được công nhận là sản phẩm Made in Vietnam là gì?

Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, kinh tế Việt Nam đang có nhiều lợi thế từ thương chiến Mỹ Trung. Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng đến 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó,  nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore. Để nắm bắt cơ hội một cách tốt nhất, Việt Nam sẽ phải giải quyết những bài toán hiện hữu./.