|
Một dự án điện mặt trời tại Việt Nam có công suất lắp đặt 50 MW mà SEC đã thâu tóm (Ảnh: Super Energy Corporation) |
Cách SEC thâu tóm cụm dự án “Lộc Ninh”
Tháng 3/2020, Hội đồng quản trị Super Energy Corporation (SEC) đã thông qua nghị quyết về việc mua 4 dự án điện mặt trời có tổng công suất lắp đặt khoảng 750 MW tại Việt Nam.
Cụ thể, công ty năng lượng Thái Lan muốn thâu tóm toàn bộ cổ phần tại CTCP SSE Việt Nam 1 (SSEVN1) - đơn vị nắm giữ 70% cổ phần của CTCP Năng Lượng Lộc Ninh (Loc Ninh Energy JSC - viết tắt: LN1) - doanh nghiệp sở hữu dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1 (200 MW). Số tiền chi cho thương vụ này không vượt quá 99,7 triệu USD.
SEC muốn sở hữu toàn bộ dự án Lộc Ninh 2 (200 MW) và Lộc Ninh 3 (150 MW) thông qua thâu tóm các công ty SSELN2 và SSEBP3, với tổng giá trị đầu tư (không vượt quá) lần lượt là 140 triệu USD và 112 triệu USD.
SEC cũng muốn sở hữu 80% dự án Lộc Ninh 4 (200 MW) thông qua thâu tóm New Hold Co 4 với tổng giá trị đầu tư không vượt quá 112 triệu USD.
Đặc điểm chung ở các thương vụ này, đó là việc SEC trước tiên sẽ mua đủ số cổ phần để sở hữu 49% vốn tại doanh nghiệp trung gian. Sau đó, SEC sẽ mua lại 51% vốn còn lại từ 2 cá nhân là ông Tạ Xuân Thắng (SN 1981) và bà Châu Mộng Như (SN 1988).
Tổng số tiền mà SEC dành cho việc thâu tóm cụm dự án điện mặt trời “Lộc Ninh” không vượt quá 456,7 triệu USD.
Trong đó, bên cạnh số tiền chi trả trực tiếp cho các cổ đông nêu trên, SEC còn dành một phần tiền đáng kể để chi trả giá trị hợp đồng xây dựng (EPC Contract) và chi phí phát triển dự án điện mặt trời.
Những SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 và New Hold Co 4 chỉ là các nhà đầu tư thứ cấp, đóng vai trò trung gian, ở các dự án điện mặt trời mà SEC muốn thâu tóm.
Còn các nhà đầu tư sơ cấp tại cụm dự án “Lộc Ninh”, theo dữ liệu của VietTimes, lại mang nhiều dấu ấn của vị doanh nhân đến từ Lai Châu - ông Trần Đình Hải.
Đơn cử như LN1 được thành lập vào tháng 10/2018, quy mô vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, bao gồm 4 cổ đông sáng lập là: CTCP Năng lượng Nậm Na 3 (20%), CTCP Tập đoàn Hưng Hải (65%), CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng (12%) và ông Trần Đình Hải (3%). Trong đó, ông Trần Đình Hải (SN 1964) chính là Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group).
Sau một thời gian hoạt động, một số cổ đông lớn của LN1 bắt đầu tiến hành triệt thoái vốn. Và theo công bố thông tin từ SEC, 70% cổ phần tại LN1 do SSEVN1 nắm giữ.
|
Thống kê các dự án điện mặt trời mà SEC đã thâu tóm (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: SEC, PV Tổng hợp)
|
Tham vọng của SEC...
Quay trở lại với SEC, thương vụ thâu tóm cụm dự án năng lượng mặt trời “Lộc Ninh” thực sự là cuộc “chơi lớn” của chính doanh nghiệp này.
Bởi lẽ, nếu dùng tối đa số tiền dự tính, tổng giá trị thương vụ chiếm tới 26,23% tổng tài sản tính đến cuối năm ngoái của SEC. Đổi lại, năng lực sản xuất điện mặt trời của SEC sẽ gia tăng đáng kể.
Trước khi thâu tóm 4 dự án “Lộc Ninh”, SEC đã sở hữu 6 dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Tính đến tháng 3/2020, chỉ riêng 6 dự án này đã có tổng công suất lên tới 286,72 MWp, bằng một nửa tổng công suất của 100 dự án điện mặt trời tại Thái Lan mà SEC đang sở hữu gộp lại.
Một chi tiết cũng đáng chú ý, 6 dự án điện tại Việt Nam mà SEC thâu tóm trước đó chỉ có tỷ suất sinh lời (the return on investment - EIRR) từ 12 - 13% thì các dự án điện “Lộc Ninh” có chỉ số EIRR cao hơn hẳn, từ 16,59% tới 17,4%.
Ngoài các dự án điện mặt trời, SEC còn sở hữu 4 dự án điện gió tại Việt Nam, tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Gia Lai. Các dự án này đều dự kiến sẽ đi vào hoạt động một phần hoặc toàn bộ từ Quý 4/2021.
|
Các dự án điện gió của SEC (Nguồn: SEC, PV Tổng hợp)
|
Trong đó, dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Công Lý tỉnh Sóc Trăng được xây dựng trên địa bàn xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu), với tổng công suất 98MW.
Dự án được đầu tư qua 3 giai đoạn, bao gồm: giai đoạn 1 có công suất 30MW, giai đoạn 2 có công suất 30MW và giai đoạn 3 có công suất 38MW. Tổng số vốn đầu tư 3 giai đoạn là 5.392 tỷ đồng.
Trong đó, riêng giai đoạn 1 có quy mô 15 trụ turbine gió, tổng công suất toàn dự án 30MW, công suất mỗi turbine là 2MW, điện năng sản xuất toàn dự án khoảng 84 triệu KWh/năm, tổng mức đầu tư là 1.684 tỷ đồng./.