Các loại máy làm kem gia đình hiện nay được chia làm 2 loại: máy làm kem có block làm lạnh tự động và loại máy làm kem làm lạnh trực tiếp (dùng bowl đông lạnh). Trong đó, loại máy làm kem dùng bowl (tô đựng) đông lạnh đang được rất nhiều bà nội trợ lựa chọn vì thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng và nhất là giá thành cũng phù hợp với đa số người dùng.
Giống như các thiết bị gia dụng khác, thị trường Việt Nam có hàng trăm mẫu máy làm kem gia đình từ các thương hiệu nhập khẩu, xách tay hay lắp ráp trong nước. Dù cùng sử dụng công nghệ làm lạnh từ lớp dung dịch được đặt dưới bowl đông lạnh, nhưng các loại máy làm kem gia đình cũng có mức giá bán đa dạng từ đắt đến rẻ tùy rất nhiều thương hiệu. Các thương hiệu quen thuộc với người dùng Việt Nam là: Phillips, Cusinart, Delongi có giá từ 2,5 đến 10 triệu đồng. Máy làm kem của các nhãn hàng Caple, Sinbo, Myota, Life code, Eurohome, Yonanas Komasu…thường có mức giá rẻ hơn, khoảng 500 nghìn đến 2 triệu đồng nên cũng được nhiều bà nội trợ lựa chọn.
Ở nhiều cửa hàng đồ gia dụng hay trên các trang bán hàng trực tuyến như Lazada, Vatgia…người mua có thể chọn cho mình rất nhiều máy làm kem gia đình có mức giá rất rẻ, chỉ khoảng 450 nghìn đến chưa đầy 1 triệu đồng cho một máy làm kem có dung tích từ 0,8 đến 1,5l. Không chỉ hấp dẫn bởi mức giá rẻ, các mẫu máy làm kem này có kích thước rất nhỏ gọn, thiết kế và màu sắc bắt mắt. Nhiều loại máy còn tích hợp thêm các tính năng như xay, nghiền trái cây rất hấp dẫn. Các nhà sản xuất và người bán hàng cũng dành cho những loại máy này những lời quảng cáo “mỹ miều”: thời gian làm kem nhanh, dung tích bowl đựng lớn và máy hoạt động rất bền. Thế nhưng khi mua các loại máy làm kem giá rẻ này, chị em thực sự nên cân nhắc bởi những chiếc máy làm kem này không hấp dẫn như quảng cáo và vẻ ngoài ngọt ngào của chúng.
Trên thực tế, ở các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, rất nhiều chị em than phiền về việc các máy làm kem mình mới mua và sử dụng làm đông kem rất lâu và thành quả làm ra cũng không đạt được chất lượng như mong đợi. Ngoài ra, những sản phẩm này còn dễ hỏng hóc phụ kiện, đặc biệt là các bowl làm lạnh, nắp đậy và trục quay mà vì mức giá quá rẻ nên thiếu giấy tờ bảo hành hoặc phải bảo hành quá nhiều lần khiến người dùng “nản chí”.
Dung tích bowl quá nhỏ
Để làm cho thiết kế chung của máy được gọn gàng hơn và tiết kiệm không gian trong ngăn đông lạnh, bowl của các dòng máy làm kem gia đình giá rẻ thường được thiế kế nhỏ xuống. Dung tích thường thấy của các máy này là 0,8 – 1l; một vài máy có dung tích 1,5l.
Dù đa số các máy làm kem trên được nhà sản xuất ghi thông số bowl làm lạnh có dung tích từ 0,8 – 1,5l nhưng trên thực tế dung tích chất lỏng (hỗn hợp kem máy sẽ quay) không được như mong đợi. Đó là vì khi sử dụng, hỗn hợp làm kem phải có thêm “không gian” để được thanh trục quay nhào trộn và làm lạnh mà không bị trào ra ngoài.
Với dung tích này, các máy làm kem chỉ phù hợp với các gia đình ít người. Nếu đông hơn hoặc nhu cầu dùng kem lạnh trong những ngày hè này của gia đình lớn, thì dung tích bowl làm lạnh này sẽ vô cùng bất tiện. Bạn không thể làm 2 mẻ kem liền một lúc vì thông thường bowl này phải để trong ngăn đông lạnh khoảng 24h.
Bowl xả lạnh nhanh
Nhưng các loại máy làm kem này lại không tốt như mong đợi. Ảnh: Internet |
Hỗn hợp chất lỏng sẽ trở thành kem sau quá trình quay và làm lạnh. Một loại dung dịch đặc biệt được thêm vào đáy bowl, lớp dung dịch này, qua quá trình để ngăn đông sẽ biến hỗn hợp chất lỏng thành kem mà bạn thường dùng. Nhưng với giá thành chỉ chưa đến 500 nghìn đồng, các máy làm kem lại không giúp bạn có được thành quả như mong đợi.
Nguyên nhân là vì các bowl đông này xả lạnh quá nhanh khiến hỗn hợp không đủ độ lạnh để có thể làm đặc kem. Hoặc sau vài lần sử dụng, bowl cũng không giữ được độ lạnh như ban đầu. Điều này khiến cho thời gian làm kem bị kéo dài, hỗn hợp kem bị lỏng và không thể đông đặc lại như mong muốn.
Trục trặc từ thanh quấy
Thanh quấy của máy làm kem có thể trục trặc. Ảnh: Internet |
Thanh quấy được gắn vào một trục quay trên thân máy là chi tiết quan trọng của máy làm kem. Thông thường thanh quấy này được làm từ nhựa (kể cả ở các máy làm kem đắt tiền) để bảo vệ cho lớp chống dính của bowl lạnh.
Nhiều chị em cho biết các trục quay ở các máy làm kem hoạt động không tốt dẫn đến tình trạng hỗn hợp kem không đều nhau. Thêm đó, sử dụng chất nhựa quá kém cũng dẫn đến việc các thanh quấy này dễ hỏng hóc, gẫy trong quá trình sử dụng vì khi được làm lạnh, hỗn hợp kem sẽ rất nặng.
Hỏng hóc các chi tiết
Máy làm kem gia đình sử dụng bowl lạnh có cấu tạo gồm: bộ nguồn, nắp, khay đông lạnh, thanh khuấy. Ở đa số các máy làm kem có mức giá rẻ trên thị trường hiện nay với các thương hiệu: Caple, Sinbo, Myota, Life code…các chi tiết máy đều được làm từ nhựa trừ bowl đông lạnh.
Độ bền các máy này rất kém, nhất là thanh quấy và bowl đông lạnh. Hỏng hóc thường thấy là sau vài lần sử dụng, bowl làm lạnh kém, bị bong tróc rất nhiều vì lớp chống dính không tốt. Còn thanh khuấy dễ bị lệch trục, thậm chí có thể gẫy khi khấy đảo hỗn hợp kem quá nặng.\
Thời gian làm lạnh kem kéo dài
Thời gian làm lạnh hỗn hợp kem được quảng cáo ở các máy này rất hấp dẫn, chỉ khoảng 20 - 30 phút sau khi đổ hỗn hợp kem vào bowl lạnh, người dùng đã có thể "ung dung" thưởng thức món kem "home made". Nhưng thực tế sử dụng các máy làm kem này phải cần thời gia lâu hơn rất nhiều lời quảng bá từ nhà sản xuất. Các máy làm kem này phải dùng nhiều hơn 1,5 - 2 lần thời gian. Nhiều máy thậm chí còn khó có thể đông lạnh hỗn hợp kem như mong đợi.
Theo Ictnews