|
Chỉ trong tuần qua, một loạt các ngân hàng đã họp đại hội đồng cổ đông thường niên, dĩ nhiên luồng thông tin nóng nhất vẫn là các kế hoạch sáp nhập như PGBank sáp nhập vào Vietinbank, MDB sáp nhập vào Maritime Bank, MHB vào BIDV…
Tuy vậy, vấn đề chia cổ tức cũng nóng không kém. Từ đầu mùa đại hội đến nay, Vietinbank, BIDV là những ngân hàng chia cổ tức cao nhất với mức 10% trên mệnh giá, còn lại đa phần các ngân hàng khác đều chia ở mức thấp, hoặc không chia.
Điều này đã gây ra sự phản đối, nhất là từ cổ đông nhỏ lẻ. Như tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của NamABank, cổ đông đã thắc mắc vì sao chỉ chia ở mức 4%, còn đại hội của HDBank mức chia 5% cũng khiến nhiều cổ đông bức xúc.
Theo các cổ đông NamABank, tại sao mức cổ tức chỉ 4%, trong khi các năm trước mức chia là 7 - 9% vốn điều lệ. "Chúng tôi đầu tư vào ngân hàng để lấy lợi nhuận nhưng mức lợi nhuận 4% không bằng lãi suất ngân hàng và cũng không bằng mức lạm phát, vậy ban lãnh đạo quản lý nguồn tiền của chúng tôi như thế nào?", một cổ đông bức xúc nói.
Ở phía Bắc, Techcombank cũng chịu sự phản ứng của các cổ đông nhỏ khi không chia cổ tức trong năm nay.
“Việc không chia cổ tức chỉ có lợi ích cho cổ đông lớn. Nếu Techcombank bảo chưa chia thì nên nêu rõ thời gian xem cổ đông phải chờ bao lâu, 1 năm – 2 năm – 3 năm hay vĩnh viễn không chia”, một cổ đông nhỏ có ý kiến.
Một cổ đông khác cũng có ý kiến về cổ tức cho rằng điều này giống như một nhân viên đi làm phải có lương. Cổ đông lớn giàu có không muốn chia là bình thường nhưng cổ đông nhỏ không được chia thì đó là điều bất bình đẳng.
Đại diện ban điều hành ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này đã trả lời rằng việc không trả cổ tức, lợi nhuận được giữ lại là nhằm củng cố tiềm lực cho Techcombank để có thể trở thành ngân hàng vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sắp tới. “Vì mục tiêu lâu dài nên cổ đông xác định 3 – 5 năm Techcombank sẽ không thực hiện chi trả cổ tức” - người đứng đầu ngân hàng Techcombank khẳng định.
Có mặt tại đại hội của nhiều ngân hàng ở TPHCM, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục 2 Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết việc khống chế cổ tức là vì vấn đề an toàn hoạt động của từng ngân hàng. Ông Dũng cũng cho rằng như tỷ lệ cổ tức 5% của HDBank là rất cao ở khu vực TPHCM.
Ở NamABank chính ông Dũng cũng phải lý giải vì sao năm nay cổ tức của các ngân hàng bị NHNN khống chế, trong khi lẽ ra cổ tức thuộc về quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông.
Chuyện bức xúc của cổ đông sẽ còn tiếp diễn trong đại hội nhiều ngân hàng sẽ diễn ra từ nay đến cuối tháng 4 vì nói như ông Dũng, với 12 ngân hàng ở TPHCM, mà mức chia 5% của HDBank đã gọi là cao thì tức đa phần sẽ chia thấp hơn mức này hoặc có thể sẽ không chia. Trước đó, theo báo cáo của NHNN chi nhánh TPHCM thì có 7/12 ngân hàng có trụ sở tại TPHCM sẽ không chia cổ tức.
Cổ tức ngân hàng làm cổ đông bức xúc không phải chuyện lạ. Như với Vietinbank, một trong những ngân hàng chia cổ tức cao trong toàn hệ thống (mức chia 10%), trong khi thị giá của mỗi cổ phiếu chốt phiên 17-4 ở mức 18.000 đồng thì người nắm giữ cổ phiếu sẽ có lãi thấp hơn cả lãi ngân hàng, vì cổ tức tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu (so với thị giá, cổ tức chỉ tương đương 5,5%).
Trong khi đó, hiện rất nhiều doanh nghiệp ở các ngành khác chia cổ tức cao, như trong hôm qua, đại hội cổ đông Garmex Saigon (GMC) đã công bố chia cổ tức ở mức 30%, với thị giá là 37.000 đồng/cổ phiếu, thì cổ đông công ty này đã có khoản thu lớn hơn lãi ngân hàng, tương tự, mới đây cổ đông Tổng công ty may Việt Tiến cũng được thông báo nhận cổ tức 30%, Công ty cổ phần Pin - Ắc quy miền Nam (Pinaco, mã chứng khoán PAC) cũng chia mức 45%, trong khi thị giá là 28.000 đồng/cổ phiếu, (tức so với thị giá, cổ đông nhận được thêm 16% giá trị/cổ phiếu).
Nhưng nói như ông Hồ Hùng Anh thì trong vài năm tới, cũng chưa chắc gì Techcombank sẽ chia cổ tức, vậy nên nếu thực sự muốn đầu tư vào ngân hàng để nhận cổ tức thì có lẽ kể cả năm nay, hay năm sau nhà đầu tư vẫn sẽ bức xúc mà thôi. Vì ngành ngân hàng hiện đang trong cuộc đua nước rút để hoàn thành đề án tái cơ cấu, tự chữa bệnh cho mình. Muốn vậy, các ngân hàng cần nguồn lực tài chính để phục vụ cho quá trình chữa bệnh và phục hồi. Do đó, việc chia cổ tức hiện tại không nằm trong các ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng.
Theo TBKTSG