Quá trình phục hồi của cổ phiếu STB để lại nhiều dấu ấn bởi mỗi lần nó giảm về dưới mệnh giá, là thêm một lần manh nha cuộc thâu tóm mới. Năm 2008-2009 dưới tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, cổ phiếu STB giảm mạnh và giảm kéo dài.
Đó là nguồn cơn bắt đầu cuộc thu mua dẫn tới thâu tóm Sacombank sau này của nhóm nhà đầu tư có liên quan đến ông Trầm Bê và kết thúc bằng sự hiện diện của ông Trầm Bê ở vai trò phó chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng giữa năm 2012.
Từ năm ngoái đến nay Sacombank dường như trở thành mục tiêu thâu tóm của nhiều nhóm nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trên thị trường sau ba năm hội đồng quản trị mới thực hiện đề án tái cơ cấu và đạt được kết quả tương đối thành công. Liệu những tham vọng thâu tóm Sacombank lần này có dẫn tới một kết cục mới?
Cởi nút thắt tài sản tồn đọng
“Chúng tôi kỳ vọng Sacombank có thể xử lý được 16.100 tỉ đồng tài sản tồn đọng trong năm 2021 nhờ thu hồi một phần đáng kể nợ xấu được đảm bảo bằng khu công nghiệp Phong Phú”, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhấn mạnh trong một báo cáo gửi khách hàng với khuyến nghị mua STB cho giá mục tiêu 21.000 đồng/cổ phiếu.
Chứng khoán Bản Việt cũng giả định rằng khoản nợ gốc còn lại từ bán quỹ đất Cần Đước sẽ được nhận trong năm 2023, cùng với quỹ đất Phong Phú được xử lý năm nay, tất cả số dư nợ xấu còn lại ở VAMC (Công ty quản lý và khai thác tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) sẽ được giải quyết và trích lập dự phòng vào cuối năm sau cộng với lãi dự thu tồn đọng sẽ được tháo gỡ hết trong năm 2024.
Như vậy về cơ bản, trong 2-3 năm nữa, khối nợ xấu ở Sacombank sẽ không còn (không tính nợ xấu phát sinh mới vì nợ xấu không phải là số cố định, nó biến động cùng với tăng trưởng tín dụng). Đợi đến khi Sacombank sạch hoàn toàn nợ xấu tồn đọng từ các thời kỳ trước, hẳn giá trị của ngân hàng sẽ không còn ở mức như hiện nay. Tại ngày 22-3-2021 giá trị vốn hoá của STB, căn cứ vào giá đóng cửa cổ phiếu cuối ngày, là 34.630 tỉ đồng, tương đương 1,49 tỉ đô la Mỹ.
Một ngân hàng có tổng tài sản 500.000 tỉ đồng, huy động vốn 430.000 tỉ đồng với mạng lưới bao phủ rộng khắp và qui mô nhất trong các ngân hàng cổ phần mà được định giá chưa tới 1,5 tỉ đô la Mỹ, thì qủa là mức chiết khấu đáng kể.
Sau khi xử lý hết được nợ xấu, quá trình tăng tốc lợi nhuận của Sacombank sẽ bắt nhịp nhanh chóng. Chẳng hạn năm nay Sacombank giải quyết được 16.100 tỉ đồng tài sản tồn đọng, tức là ngân hàng không phải trả lãi từ nguồn vốn huy động cho số tài sản trên, đồng thời số tiền trên lại được đưa vào phát triển tín dụng, tạo ra lợi nhuận lớn.
Năm năm nay Sacombank phải liên tục sử dụng lợi nhuận để để bù đắp cho mức lỗ của tài sản tồn đọng. Khi nút thắt tài sản tồn đọng được cởi bỏ, giống như đã cắt được những tảng đá đeo níu chân, STB có đủ lực để “cất cánh”.
Một tỉ và hai mươi tỉ đô la Mỹ
Bây giờ giới kinh doanh tiền tệ đề cập nhiều đến ngân hàng số và việc huy động được tỷ trọng cao tiền gửi không kỳ hạn nhằm hạ giá thành vốn đầu vào. Không ai phủ nhận vai trò của ngân hàng số nhưng huy động được gần 20 tỉ đô la Mỹ đầu vào, cùng với mức tăng trưởng huy động ít nhất 10%-12%/năm như Sacombank, thì không phải ngân hàng nào cũng làm được.
Quy mô huy động vốn và dư nợ tại Sacombank là điều mà các tập đoàn kinh doanh bất động sản “ngắm nghía”. Hầu hết các “ông lớn” bất động sản đã sử dụng cạn hạn mức tín dụng được cấp bởi các ngân hàng. Cánh cửa phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng đã hẹp lại.
Nói như chủ tịch một tập đoàn bất động sản, kinh doanh đất đai thời nay phải có ngân hàng đứng phía sau. Và ông so sánh cuộc mua bán và sáp nhập (M&A) một ngân hàng tầm cỡ như Sacombank cần khoảng một tỉ đô la Mỹ (để sở hữu cổ phần chi phối từ 51% đến 65%), trong khi có thể tiếp cận nguồn vốn huy động 20 tỉ đô la Mỹ. Thật sự quá hấp dẫn!
Tất nhiên, việc ngân hàng rót vốn cho công ty sân sau, cấp tín dụng cho doanh nghiệp của các cổ đông ngân hàng không được pháp luật cho phép. Song trên thực tế, nhiều ông chủ ngân hàng vẫn có thể lách luật bằng cách thành lập không chỉ một, hai, ba mà hàng chục công ty con, trong đó có những pháp nhân chỉ chuyên vay vốn. Chưa kể tiền để M&A, nhận chuyển nhượng ngân hàng cũng có một phần tiền vay mượn dưới nhiều hình thức.
Sacombank là một trong những ngân hàng đại chúng nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết với 86.000 cổ đông. Năm nào đại hội cổ đông thường niên của STB cũng chật ních người. Tuy nhiên cơ cấu cổ đông lớn lại rất “cô đặc”. Hiện gần 10% cổ phần STB được thế chấp ở Ngân hàng TMCP Kiên Long đã được chuyển nhượng một phần và phần còn lại đã tìm được bên mua. Gần 5% cổ phần STB là tài sản đảm bảo cho một số khoản vay tại Eximbank cũng được không ít nhóm nhà đầu tư dạm hỏi mua.
Một số nhóm nhà đầu tư đã và vẫn đang thu gom STB trên sàn, dẫu thế chưa nhóm nào công khai tỷ lệ đến mức cổ đông lớn. Ẩn số còn lại là khoảng 32,5% cổ phần STB do VAMC quản lý nhưng thực chất vẫn đang nằm ở Sacombank vì là tài sản đảm bảo cho các khoản vay tương ứng tại đây. Việc xử lý số cổ phần này thuộc quyền của Thủ tướng Chính phủ như đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Giải pháp công khai minh bạch là Sacombank được cơ quan quản lý cho phép đấu giá rộng rãi số cổ phần trên để thu hồi nợ. Nhóm nhà đầu tư nào tham gia đấu giá và trúng số cổ phần lớn này sẽ là những gương mặt mới ở Sacombank. Thời điểm đấu giá vẫn chưa được quyết định.
Theo TheSaiGonTimes