Một số chính khách Ukraine hối hận vì đã giải trừ vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong bối cảnh quan hệ Ukraine – Nga căng thẳng, một số chính trị gia trong chính quyền Ukraine đã tỏ ra hối tiếc vì đã chủ động giải trừ vũ khí hạt nhân và phê phán các nhà lãnh đạo trước đây về quyết định này.
Ukraine tự phá hủy các tên lửa liên lục địa dưới sự giám sát của các chuyên gia Mỹ (Ảnh: Sohu).
Ukraine tự phá hủy các tên lửa liên lục địa dưới sự giám sát của các chuyên gia Mỹ (Ảnh: Sohu).

Trong thế giới ngày nay, quyền phát biểu quan trọng nhất thuộc về 5 quốc gia Ủy viên thường trực của Hội đồng Bản an Liên Hợp Quốc sở hữu hợp pháp vũ khí hạt nhân. Được phủ quyết bằng một lá phiếu bầu của họ là đặc quyền của 5 quốc gia này. Tuy nhiên, ít ai còn nhớ rằng hơn 20 năm trước còn có một siêu cường hạt nhân khác có số lượng vũ khí hạt nhân vượt xa Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pháp và trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lớn thứ ba chỉ sau Mỹ và Nga. Xét về mặt sức mạnh hạt nhân, nước này có ảnh hưởng rất lớn đến cục diện toàn cầu. Nhưng quốc gia này đã sớm tự mình từ bỏ vai trò quan trọng này.

Quốc gia đã hành động như vậy chính là Ukraine. Với uy lực rất lớn và sức công phá khủng khiếp của mình, vũ khí hạt nhân đã trở thành vũ khí tối thượng trong cuộc chơi của nhiều quốc gia. Cho đến ngày nay, vẫn còn rất nhiều quốc gia dành nhiều tinh lực và tài nguyên cho việc nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Ukraine lại là quốc gia đầu tiên đưa ra sáng kiến ​​tiêu hủy vũ khí hạt nhân, cách làm của họ đã khiến nhiều nước bất ngờ. Nhưng trên thực tế, việc Ukraine trở thành cường quốc hạt nhân tầm cỡ thế giới hoàn toàn là một sự tình cờ.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Ukraine bị phá hủy (Ảnh: Sohu).

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Ukraine bị phá hủy (Ảnh: Sohu).

Trước đây, Ukraine là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết, trong thời kỳ Mỹ - Xô đối đầu tranh chấp vị thế bá chủ thế giới, Liên Xô đã sản xuất một số lượng lớn vũ khí hạt nhân. Sau khi Liên Xô giải thể, trên lãnh thổ Ukraine có hơn 3.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, ngoài ra còn có 176 tên lửa liên lục địa và 1.500 đầu đạn hạt nhân. Sức mạnh hạt nhân lớn như vậy đủ khiến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải dè chừng. Ngoài ra, nhiều căn cứ phóng tên lửa từ mặt đất đã được triển khai ở Ukraine, họ cũng sở hữu hơn 40 máy bay ném bom Tu-95 và Tu-160. Cần biết rằng, trên thế giới hiện nay hiếm có máy bay ném bom chiến lược nào có thể sánh được với Tu-160. Xét về mọi mặt, Ukraine từng đóng vai trò hết sức quan trọng trên thế giới.

Sau khi Liên Xô giải thể, Ukraine độc ​​lập trở thành một quốc gia mới, nhưng tình hình trong nước rất tồi tệ và cũng phải chịu sức ép vô cùng lớn từ nước ngoài. Cả Nga và Mỹ đều không muốn Ukraine trở thành cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Đồng thời, nền kinh tế Ukraine cũng không thể cho phép họ duy trì một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ như vậy. Trước tình hình đó, Ukraine buộc phải chủ động từ bỏ vũ khí hạt nhân và ký một thỏa thuận ba bên với Mỹ và Nga, vận chuyển toàn bộ vũ khí hạt nhân sang Nga để tiêu hủy. Đổi lại, Mỹ và Nga cam kết cung cấp cho Ukraine khoản bồi thường và viện trợ kinh tế, đồng thời đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Các vũ khí hạt nhân của Ukraine bị phá hủy theo Bản ghi nhớ Budapest (Ảnh: Sunnews).

Các vũ khí hạt nhân của Ukraine bị phá hủy theo Bản ghi nhớ Budapest (Ảnh: Sunnews).

Sau nhiều năm, đến nay chính phủ Ukraine tỏ ra hối hận vì đã tin vào lời cam kết của Mỹ và Nga, nhưng đã quá muộn. Nếu bây giờ họ muốn nghiên cứu lại vũ khí hạt nhân, các nước khác sẽ không đồng ý. Tất nhiên, theo thực lực hiện tại của Ukraine, đó là điều “lực bất tòng tâm”.

Trước tình cảnh Ukraine lâm vào hiện nay, một số cá nhân trong giới cầm quyền ở Ukraine đã lên tiếng cho rằng, từ bỏ vũ khí hạt nhân là một sai lầm chí mạng, nếu không hiện nay Ukraine đã có thể tống tiền cả thế giới (!).

Điển hình cho xu hướng này là hồi tháng 7 vừa qua, ông Davyd Arakhamia, Chủ tịch nhóm nghị sĩ của Đảng Đầy tớ Nhân dân Ukraine (Servant of the People hay Sluha Narodu) cầm quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng việc Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân khi xưa là một sai lầm chết người. Nếu tiềm năng hạt nhân được giữ lại, thế giới có thể bị tống tiền.

Ông Davyd Arakhamia, Chủ tịch nhóm nghị sĩ của Đảng Đầy tớ Nhân dân Ukraine cầm quyền phê phán chính quyền trước đây đã từ bỏ vũ khí hạt nhân (Ảnh: Sohu).

Ông Davyd Arakhamia, Chủ tịch nhóm nghị sĩ của Đảng Đầy tớ Nhân dân Ukraine cầm quyền phê phán chính quyền trước đây đã từ bỏ vũ khí hạt nhân (Ảnh: Sohu).

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Ukraine, ông Arakhamia nói: “Theo tôi, (cựu Tổng thống Ukraine) Kravchuk đã mắc một sai lầm chết người, đã từ bỏ vũ khí hạt nhân sau khi ký một bản ghi nhớ vô nghĩa (Bản ghi nhớ Budapest). Về nguyên tắc, tất cả chúng ta bây giờ đều phải thừa hưởng sai lầm lớn này”. Ông chỉ ra rằng, nếu Ukraine vẫn giữ được nguyên trạng vị thế cường quốc hạt nhân của mình, các nước khác bây giờ sẽ phải sử dụng “một cách khác” để nói chuyện và đàm phán với Ukraine.

Ông Arakhamia nói thêm: "Chúng ta có thể tống tiền cả thế giới và chúng ta sẽ nhận được phí dịch vụ, giống như những gì hiện đang xảy ra ở nhiều quốc gia khác."

Sau khi Liên Xô giải thể vào năm 1991, Ukraine được thừa hưởng một tiềm lực hạt nhân ấn tượng, nhưng vào năm 1994, Ukraine đã tự phá hủy vũ khí hạt nhân của mình bằng cách gia nhập “Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân”. Ngày 5/12/1994, Ukraine, Nga, Anh và Mỹ đã ký "Bản ghi nhớ Budapest". Năm 2019, cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk cho rằng “nếu không từ bỏ vũ khí hạt nhân, Ukraine sẽ giống như một con khỉ ngậm lựu đạn”.

Các giếng phóng tên lửa liên lục địa ở Ukraine bị tháo dỡ (Ảnh: Sunnews).

Các giếng phóng tên lửa liên lục địa ở Ukraine bị tháo dỡ (Ảnh: Sunnews).

Trước phát biểu trên đây của ông Davyd Arakhamia - một Chính trị gia thuộc đảng cầm quyền, liên minh đối lập Ukraine “Opposition Platform For Life” (Nền tảng đối lập vì sự sống, được cho là tập hợp 4 chính đảng thân Nga) đã đưa ra một tuyên bố nêu rõ: "Những lời lẽ này này thể hiện rõ ràng những khiếm khuyết về đạo đức của các đại diện của chính phủ Ukraine hiện tại, và thể hiện hành động của họ vô trách nhiệm như thế nào đối với người dân Ukraine và cả thế giới. Mục tiêu duy nhất trong chính sách đối ngoại của nhóm Volodymyr Zelensky là theo đuổi những ham muốn đáng xấu hổ bằng mọi giá, kể cả những lời đe dọa về vị thế hạt nhân để giành được ưu đãi, ăn mày tiền bạc, lợi dụng các quốc gia và tổ chức quốc tế để moi tiền. Để đạt được điều này, họ có thể sử dụng mọi thủ đoạn kể cả tống tiền bằng hạt nhân."

Nguyên liệu hạt nhân bị niêm phong và mang di tiêu hủy (Ảnh Sohu).

Nguyên liệu hạt nhân bị niêm phong và mang di tiêu hủy (Ảnh Sohu).

Tuyên bố chỉ ra rằng: “Sự cầu xin và đe dọa của các nhà chức trách Ukraine đã dẫn đến việc các đối tác nước ngoài đánh giá lại và xem xét lại quan hệ của họ với Ukraine. Các nhà lãnh đạo trên thế giới nhận thức được bản chất kiêu ngạo và vô trách nhiệm của chính quyền Ukraine hiện tại không thể suy nghĩ một cách tỉnh táo và có tính chiến lược; họ đã đưa ra kết luận phù hợp và ngày càng yêu cầu các quan chức Kiev phải thực hiện nghĩa vụ của họ”. Liên minh Nền tảng đối lập vì sự sống “cực lực phản đối việc nâng đòi hỏi và tống tiền lên tầm chính sách quốc gia. Phát biểu của Arakhamia rất điên rồ và chứng minh rằng Đảng Đầy tớ Nhân dân hoàn toàn hiểu sai các ưu tiên của chính sách an ninh quốc tế”.