Moscow bất ngờ phong tỏa 70% biển Azov để tập trận, Ukraine cáo buộc Nga khiêu khích

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quan hệ Nga – Ukraine vốn căng thẳng nay lại càng nóng thêm với việc Ukraine lên tiếng chỉ trích Nga khiêu khích khi tuyên bố phong tỏa 70% diện tích mặt biển Azov giữa hai nước để diễn tập bắn đạn thật.
Tàu Hải quân Nga trên biển Azov (Ảnh: Đông Phương).
Tàu Hải quân Nga trên biển Azov (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục gia tăng với việc tình hình ở Biển Azov đã trong tình trạng “gươm tuốt khỏi vỏ”. Ukraine hôm thứ Sáu (10/12) cáo buộc Nga tiếp tục hành động khiêu khích bằng cách phong tỏa 70% diện tích của Biển Azov và tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật ở đây sau khi ngăn không cho chiếc tàu chỉ huy của Hải quân Ukraine đến gần eo biển Kerch.

Một quan chức Ukraine đã kêu gọi Mỹ cung cấp vũ khí phòng không cho Ukraine và gửi tín hiệu ngăn chặn một cuộc xâm lược có thể xảy ra tới phía Nga. Cựu Cục trưởng An ninh Quốc gia Ukraine (SBU), Smyshko đã phê phán các nước phương Tây giúp đỡ Ukraine không đủ mức cần thiết. Ông cho rằng Ukraine cần có các vũ khí hạt nhân chiến thuật để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga.

Biển Azov nằm giữa Nga và Ukraine nối với Biển Đen bằng eo biển Kerch.

Biển Azov nằm giữa Nga và Ukraine nối với Biển Đen bằng eo biển Kerch.

Bộ Tư lệnh Hải quân Ukraine chỉ ra rằng Nga đã tiến hành các cuộc tập trận bắn pháo gần Gnichsk, Mariupol và Berdyansk, đồng thời đưa ra các cảnh báo hàng hải, phong tỏa nhiều khu vực khác nhau trên Biển Azov. Tuyên bố tố cáo Nga không chỉ cản trở tự do hàng hải ở Biển Azov mà còn đưa ra các cảnh báo hàng hải ở khu vực gần các căn cứ hải quân và cảng dân sự của Ukraine, đây là hành động khiêu khích công khai. Tuyên bố thậm chí mô tả Nga là "kẻ xâm lược", chỉ trích phía Nga âm mưu biến Biển Azov thành một “ao nhà” của riêng mình.

Vụ việc bắt đầu xảy ra khi chiếc tàu chỉ huy của hải quân Ukraine là Donbass hôm thứ Năm (9/12) đã rời Mariupol để huấn luyện và chạy về phía eo biển Kerch, nơi nối Biển Đen với Biển Azov, hiện do Nga hoàn toàn kiểm soát sau khi sáp nhập Crimea. Tàu tuần tra của lực lượng Biên phòng Nga đã cảnh báo tàu Donbass phải tuân thủ luật pháp của Nga và không được vào eo biển Kerch nếu không được Nga chấp thuận. Nga tuyên bố tàu Donbass đã tiếp cận vùng lãnh thổ Nga mà không xin phép họ trước, nhưng phía Ukraine đã phản bác, nói rằng chiếc tàu chiến này đang thực hiện nhiệm vụ trong lãnh hải của mình nên không cần phải xin phép nước khác. Tuy nhiên, sau đó tàu Donbass đã quay trở lại nơi xuất phát.

Tàu chỉ huy Donbass của Hải quân Ukraine bị Nga ngăn chặn không cho đến gần eo biển Kerch hôm 9/12 (Ảnh: Đông Phương).

Tàu chỉ huy Donbass của Hải quân Ukraine bị Nga ngăn chặn không cho đến gần eo biển Kerch hôm 9/12 (Ảnh: Đông Phương).

Được biết, chiếc Donbass, kỳ hạm của Hải quân Ukraine có lượng giãn nước 5.520 tấn, từng bị Nga bắt giữ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea, nhưng sau đó nó đã được Nga trả lại cho Ukraine.

Tờ Air Force Magazine của Mỹ dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, dường như Nga đang chuẩn bị phát động chiến tranh, đã tích trữ ở biên giới các vật tư y tế quân sự, huyết tương và các túi máu để chữa trị cho các binh sĩ bị thương. Ngoài ra, có hàng trăm lều bạt được dựng ở biên giới để các lữ đoàn chiến đấu của Nga đến ở sau đó. Do đất đai ở khu vực Donbass miền Đông Ukraine sẽ đóng băng vào tháng 1 năm sau, điều này có lợi cho các xe tăng Nga tấn công với sự yểm trợ từ trên không. Quân đội Ukraine tuy có thể phản kích bằng các tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin mà Mỹ cung cấp cho, nhưng hệ thống phòng không của họ quá yếu, không đủ để ngăn chặn các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay trực thăng tấn công của Nga oanh kích Đông Ukraine. Vì vậy, Ukraine hy vọng Mỹ sẽ cung cấp thêm vũ khí phòng không để gia tăng khả năng răn đe.

Cầu bắc qua eo biển Kerch hiện do Nga kiểm soát kể từ khi sáp nhập Crimea năm 2014 (Ảnh: Đông Phương).

Cầu bắc qua eo biển Kerch hiện do Nga kiểm soát kể từ khi sáp nhập Crimea năm 2014 (Ảnh: Đông Phương).

Theo TASS, Anton Semelroth, người phát ngôn Lầu Năm Góc đã xác nhận hồi tháng 10, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 30 bệ phóng đa năng cùng 180 đạn tên lửa chống tăng Javelin. Các tên lửa này đã được Ukraine triển khai ở khu vực Donbass. Phía Nga đã cảnh báo việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine có thể làm giảm hy vọng về một nền hòa bình trong khu vực.

Tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cục tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, thừa nhận rằng nguồn lực quân sự của Ukraine không đủ để chống lại cuộc tấn công toàn diện của Nga nếu không có sự giúp đỡ và viện trợ quân sự của phương Tây. Ông dự đoán rằng nếu chiến tranh nổ ra, quân đội Nga sẽ tiến hành các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa vào các kho đạn của Ukraine và lực lượng mặt đất trong chiến hào, làm tê liệt quân đội Ukraine . Khi các chỉ huy phía sau không thể tổ chức phòng thủ và tiếp tế cho tiền tuyến, chỉ huy tiền tuyến sẽ lâm vào tình thế tình thế tiến thoái lưỡng nan đơn độc chiến đấu một mình.

Mỹ xác nhận đã cung cấp 180 tên lửa chống tăng Javelin cho Quân đội Ukraine (Ảnh: Đông Phương).

Mỹ xác nhận đã cung cấp 180 tên lửa chống tăng Javelin cho Quân đội Ukraine (Ảnh: Đông Phương).

Ngoài ra, một máy bay chiến đấu Su-30 của lực lượng phòng không Quân khu miền nam Nga hôm thứ Sáu (10/12) đã ngăn chặn một máy bay tuần tra biển P-8A của Hải quân Mỹ trong một nhiệm vụ do thám trên Biển Đen.

Đài Mỹ NBC đưa tin rằng Nhà Trắng đã chuẩn bị viện trợ quân sự bổ sung trị giá 200 triệu USD cho Ukraine, nhưng cuối cùng đã quyết định tạm thời trì hoãn việc giao hàng. Những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ rằng Mỹ đã trì hoãn việc giao vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine, với hy vọng giúp làm dịu căng thẳng; Mỹ cũng có các kế hoạch viện trợ khác, bao gồm cả việc chấp thuận viện trợ quy mô lớn hơn nếu Nga có thêm các hành động được coi là “xâm lược” đối với Ukraine.