Một người đột tử, một người tự thiêu, shipper Trung Quốc yêu cầu gì từ chính phủ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một shipper đột tử, một người giao hàng cho Ele.me đã tự thiêu để phản đối hành vi không trả lương và môi trường làm việc khắc nghiệt của công ty thương mại điện tử tại Trung Quốc.
Ele.me đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ dư luận sau khi một nhân viên giao hàng tự thiêu để phản đối việc không được trả lương. Nguồn ảnh: Global Times
Ele.me đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ dư luận sau khi một nhân viên giao hàng tự thiêu để phản đối việc không được trả lương. Nguồn ảnh: Global Times

Mới đây, một người giao hàng cho Ele.me 45 tuổi đã tự thiêu bên ngoài một trạm phân phối hàng hóa Ele.me ở thành phố Thái Châu. Người đàn ông hét lên ông ấy cần có tiền trong lúc ngọn lửa bốc cháy nghi ngút. Trước đó, một nhân viên giao hàng 43 tuổi khác của Ele.me cũng gục ngã và tử vong ngay trong lúc đang làm việc.

Những bi kịch gần đây trong ngành giao hàng thực phẩm của Trung Quốc một lần nữa đẩy nền kinh tế Gig (nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian) trở thành tâm điểm chú ý. Công chúng phẫn nộ với thái độ và hành động vô tâm của các công ty thương mại điện tử; người lao động Gig kêu gọi sự bảo vệ tốt hơn từ pháp luật.

Ông Liu đến từ tỉnh Vân Nam, làm nhân viên giao đồ ăn cho một công ty bên thứ ba nhận giao các đơn đặt hàng cho Ele.me tại Giang Tô, phía bắc Thượng Hải. Ông Liu hiện đang được điều trị tại bệnh viện và trong tình trạng ổn định.

“Nếu không gây ra một số ồn ào như thế, sẽ chẳng ai quan tâm đến bạn. Ông ấy hẳn đã rất tuyệt vọng”, một người tên Hu, 36 tuổi, làm công việc chuyển phát ở Hà Bắc cho biết. Hu cũng đã làm công việc chuyển phát ở Bắc Kinh trong 5 năm.

“Chính phủ nên đưa ra luật pháp để bảo vệ quyền lợi của chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi là nhân viên cho các nền tảng bên thứ ba. Họ không thể nhắm mắt làm ngơ với chúng tôi như bây giờ được,” theo một nhân viên giao hàng tên Pei.

Liên tiếp các sự việc đau lòng xảy ra khiến Ele.me trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận.

Liên tiếp các sự việc đau lòng xảy ra khiến Ele.me trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận.

Tin tức về vụ tự thiêu được đưa ra chỉ một tuần sau cái chết của shipper gục ngã trên đường khi đang giao hàng. Ele.me ban đầu chỉ đưa ra mức bồi thường 2.000 nhân dân tệ (309 USD), việc này gây ra làn sóng phản đối kịch liệt. Ele.me nói rằng họ không có quan hệ lao động với nhân viên giao hàng và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào về cái chết của anh ta. Tuy nhiên, trước phản ứng dữ dội của dư luận, công ty đã tăng mức bồi thường cho gia đình người lao động lên 600.000 nhân dân tệ.

Sau vụ tự thiêu, Ele.me đã tiến hành nâng cấp lại hệ thống trên toàn quốc và chi trả tiền viện phí cho ông Liu; tuy nhiên, công ty không tiết lộ chi tiết về cuộc đàm phán giữa Liu và nền tảng giao hàng đối tác. Hãng thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc cho biết nền tảng của họ nghiêm cấm các đơn vị hợp tác chiếm dụng phí giao hàng của nhân viên vì bất kỳ lý do gì.

Tuy nhiên, những sự việc này đã khơi lại cuộc tranh luận cũ về các nhân viên lao động theo hợp đồng. Theo Aidan Chau, một nhà nghiên cứu tại China Labour Bulletin, không nhận được lương là một vấn đề thường xuyên đối với nhân viên giao thực phẩm.

“Điều này khá phổ biến, đặc biệt là khi người lao động làm việc cho các nhà thầu vì những công ty này thường có dòng tiền nhỏ”.

Theo một báo cáo từ Trung tâm Dữ liệu Internet Trung Quốc (DCCI), khoảng 60% nhân viên giao hàng thực phẩm kiếm được ít hơn 9.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 1400 USD).

Để giải quyết tranh chấp lao động, những nhân viên giao hàng chủ yếu đến từ các vùng nghèo và kém phát triển của Trung Quốc đã đưa vấn đề đến trụ sở công ty. Tuy nhiên, các công ty giao hàng thường đùn đẩy trách nhiệm cho các nền tảng thứ ba. Do đó, người lao động lại phải đưa vấn đề của họ lên văn phòng lao động, các cơ quan truyền thông hoặc đường phố.

Anh Pei cho biết: “Bây giờ nếu có chuyện gì đó xảy ra, nền tảng giao đồ ăn và nền tảng bên thứ ba sẽ chỉ cố gắng tìm lỗ hổng pháp lý để trốn tránh trách nhiệm”.

Hơn 60% tài xế giao hàng ở Trung Quốc không được tiếp cận với an sinh xã hội. Ảnh: Reuters
Hơn 60% tài xế giao hàng ở Trung Quốc không được tiếp cận với an sinh xã hội. Ảnh: Reuters

Ông Aidan Chou cho biết, hợp đồng quy định không có mối quan hệ lao động nào giữa công ty và người lao động là điều rất phổ biến trong ngành giao hàng thực phẩm của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là người lao động thiếu sự bảo vệ của bảo hiểm xã hội.

Theo Zhao Xiaomin, một nhà đầu tư và nhà nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực hậu cần của Trung Quốc: “Người giao hàng đang tạo ra khối tài sản khổng lồ cho ngành thực phẩm, nhưng lợi ích của chính họ lại đang bị tổn hại về lâu dài. Việc thiếu phúc lợi cũng giải thích tại sao mọi người thường chỉ coi đây là công việc tạm thời.”

Các công ty giao hàng theo yêu cầu như Meituan và Ele.me cũng đã mở rộng ra ngoài lĩnh vực thực phẩm và cung cấp thêm các sản phẩm như sách và mỹ phẩm. Ele.me hiện có hơn 3 triệu tài xế xử lý việc giao hàng theo yêu cầu.

Trong những năm qua, các công ty giao hàng thực phẩm lớn chịu không ít chỉ trích về vấn đề đối xử với nhân viên hợp đồng. Ngoài tiền lương, an toàn là một vấn đề khác thường xuyên gây nóng trong dư luận. Khi ngành giao hàng thực phẩm phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, số lượng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến các tài xế giao hàng lái xe vội vàng để hoàn thành chỉ tiêu tăng theo.

Việc thiếu các phúc lợi an sinh xã hội gần đây cũng thu sự chú ý của dư luận. Hãng thông tấn Xinhua đã công bố một cuộc điều tra vào thứ Bảy, và mô tả vấn đề này như một "lỗ đen về quyền hợp pháp". Báo cáo cho biết, hơn 60% tài xế giao hàng không được tiếp cận với an sinh xã hội.

Sophie Sun Ping, phó giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết rằng công việc linh hoạt có thể mang lại lợi nhuận đối với nhiều ngành công nghiệp hơn trong tương lai. Nhưng nếu các vấn đề về khả năng tiếp cận an sinh xã hội vẫn chưa được giải quyết, chúng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.

Theo luật pháp Trung Quốc, người sử dụng lao động phải đóng góp hàng tháng cho các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm cho nhân viên toàn thời gian, bao gồm cả bảo hiểm cho các chấn thương trong công việc.

Bất chấp áp lực từ công chúng và các nghiệp đoàn, các nền tảng như Ele.me vẫn trì trệ thay đổi cách làm của họ. Người lao động cũng lười đầu tư thời gian và công sức để thúc đẩy thay đổi khi họ chỉ coi công việc đó là tạm thời và chờ đợi cơ hội tốt hơn đến.

“Người lao động rất dễ nhảy việc trong ngành công nghiệp này, và họ đến và đi chỉ trong một tháng hoặc ba tháng,” ông Aidan Chou nói.

Theo SCMP