Một loạt ông lớn chuẩn bị chi trăm tỷ đồng trả cổ tức

Sau một năm kinh doanh khởi sắc, nhiều doanh nghiệp lớn đã lên kế hoạch chi hàng trăm tỷ đồng trả cổ tức cho các cổ đông.
Sau một năm kinh doanh khởi sắc, nhiều doanh nghiệp tuyên bố trả cổ tức khủng. Ảnh minh họa.

Đầu tiên là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) thông báo chi trả cổ tức với tỷ lệ cực khủng, lên tới 75%. Trong đó, doanh nghiệp sẽ chi trả tỷ lệ bằng tiền mặt 25% (mỗi cổ phiếu nhận 2.500 đồng) và phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 5 cổ phiếu mới).

Hoa Sen Group có vốn điều lệ trên 1.310 tỷ đồng. Như vậy, Tập đoàn Hoa Sen sẽ chi gần 330 tỷ đồng và phát hành 65,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức lần này. Hiện tại, vợ chồng Chủ tịch Lê Phước Vũ đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp 54 triệu cổ phiếu, dự kiến sẽ thu về khoảng 135 tỷ đồng tiền mặt và có thêm 27 triệu cổ phiếu HSG.

Doanh nghiệp lớn khác có doanh thu “tỷ đô” cũng công bố chi trả cổ tức ở mức cao là Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Năm 2015, tập đoàn này đạt doanh thu lên tới 27.400 tỷ đồng, lãi ròng 3.504 tỷ đồng, tăng 7,8% so với kết quả đạt được năm 2014.

Vì vậy, Hòa Phát đã quyết định tỷ lệ chia cổ tức 30%, trong đó tiền mặt bằng 15% (tương ứng với 1.099 tỷ đồng) và 15% bằng cổ phiếu (cứ 20 cổ phiếu nhận được 3 cổ phiếu mới).

Trong văn bản về việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông vào ngày 31/3 sắp tới đây, Chủ tịch Hóa Phát Trần Đình Long cho biết, năm 2016 HPG tiếp tục dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 30%, doanh thu toàn tập đoàn là 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng.

Cũng là doanh nghiệp có doanh thu thuộc câu lạc bộ “tỷ đô”, ngày 14/3 vừa qua, Hội đồng quản trị của Tập đoàn FPT đã quyết định sẽ chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 20% và bằng cổ phiếu 15%.

Với khoảng 397,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Tập đoàn dự kiến chi khoảng 795 tỷ đồng tiền mặt và 59,6 triệu cổ phần để trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2015.

Năm 2016, FPT dự định trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 20%. Tập đoàn cũng đặt kế hoạch doanh thu 45.796 tỷ đồng và lợi nhuận 3.151 tỷ, tăng 10,5% so với năm 2015. Trong đó, lĩnh vực công nghệ, phân phối – bán lẻ vẫn đóng vai trò động lực tăng trưởng chính.

Một doanh nghiệp được biết đến với tỷ lệ chi trả cổ tức thường xuyên ở mức cao là CTCP Vicostone (VCS), cũng đã công bố phương án chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn cổ phiếu quỹ, với giá trị lên tới 950 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dự kiến sẽ sử dụng 10,5 triệu cổ phiếu quỹ hiện có, tương đương với 1/4 số cổ phiếu đang lưu hành (42,3 triệu cổ phiếu) để thưởng cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 100:24,99 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 24,99 cổ phiếu thưởng). Đây là cổ phiếu không hạn chế chuyển nhượng.

Cổ phiếu VCS hiện có giá trên thị trường là 90.000 đồng/cổ phiếu, với 10,5 triệu cổ phiếu quỹ chia thưởng, tổng giá trị sẽ khoảng 950 tỷ đồng. Được biết vào tháng 9/2014, VCS đã tiến hành mua lại đúng lượng cổ phiếu quỹ này với giá bình quân 34.800 đồng/cổ phiếu, tương đương 368,9 tỷ đồng.

Đầu tháng 2/2016 vừa qua, các cổ đông CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT) cũng đã được duyệt nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 50% (5 nghìn đồng/cổ phiếu), sau khi đã nhận một khoản tương tự hồi tháng 8/2015.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã lên kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ cao, hứa hẹn các cổ đông sẽ nhận được những khoản tiền lớn như: Cảng Đoạn Xá (50%), Cadivi CAV (30%), Công viên nước Đầm Sen (36%)…

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào ăn nên làm ra cũng sẵn sàng chi hàng trăm tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông của mình. Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn Masan (MSN). Kể từ khi thành lập đến nay, dù lợi nhuận mỗi năm thu về không nhỏ, nhưng Masan Group chưa một lần chi trả cổ tức cho cổ đông. Nguyên nhân có thể do Masan hoạt động theo mô hình Holdings (công ty mẹ - công ty con), khoản lợi nhuận kiếm được hàng năm chủ yếu để chi vào những thương vụ mua bán sáp nhập hay đầu tư mới.

Mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp cổ phần sắp bắt đầu. Không chỉ cổ đông của các doanh nghiệp lớn mà cổ đông của những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng mong ngóng những khoản đầu tư của mình sẽ kết trái bằng khoản cổ tức “tiền tươi thóc thật”.

Theo Zing