Phát biểu tại Hội nghị Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp ngày 25.5, ông Nguyễn Trọng Tín Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Bộ Công Thương cho biết, trong những năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là tập trung vào kiểm tra các mặt hàng như: thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, dược phẩm, phân bón...
Kết quả là năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 38.059 vụ và phát hiện 25.123 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính lên hơn 68 tỉ đồng. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Tín cho rằng dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của các nhà sản xuất kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng.
Cụ thể, tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền SHTT ở nước ngoài, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, hàng giả ở biên giới mở rộng về đồng bằng, tuồn vào các khu dân cư, chung cư, khu công nghiệp, làng nghề, vùng quê đang gây khó khăn trong việc quản lý. Hơn hết, khu vực mà hàng giả hoành hành mạnh nhất hiện nay là internet, đặc biệt là trên nền mạng xã hội như facebook để bán hàng...
"Hàng giả đã được tiêu thụ một khối lượng lớn qua facebook và hiện ngày càng diễn biến phức tạp", ông Tín nói.
Hơn nữa theo ông, phương thức, thủ đoạn vi phạm hiện nay ngày càng tinh vi, những trường hợp vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, đầu mối chuyên cung cấp các loại bao bì, tem, nhãn giả. Sau đó, hàng giả sẽ được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi và đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Sau khi có đơn đặt hàng mới sẽ được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ... và cuối cùng là giao đến tận tay cho khách hàng đặt mua.
Ông Tín cho rằng, nguyên nhân khiến kinh doanh hàng giả nở rộ ngày một nhiều là do chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, những doanh nghiệp, chủ thể vi phạm chưa nhận thức được trách nhiệm, nguồn lực, kinh phí, phương tiện còn nhiều hạn chế.
Đưa ra giải pháp cho lĩnh vực chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT thời gian tới, Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho hay, thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về hàng giả và tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả; các lực lượng thực thi gồm: công an, hải quan, quản lý thị trường... phải phối hợp chặt chẽ và giải quyết triệt để từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến lưu thông trên thị trường; tăng cường công tác quản lý, đưa ra những quy định chính sách cụ thể với những địa bàn trọng điểm phức tạp như: các làng nghề truyền thống, khu công nghiệp...
Theo Một thế giới