Rời cao tốc Trung Lương, chúng tôi ghé làng hoa Mỹ Phong – Tiền Giang, tại đây người nông dân đang chuẩn bị cho vụ hoa tết.
Các nữ nông dân đang bứt lá cúc để hoa nở đẹp nhất sau 3 tuần nữa. Có lẽ ai lần đầu ghé nơi này cũng dễ bị hoang mang không biết chụp thế nào, bởi lẽ nhìn quanh đều hoa và hoa… Mình bèn lưu lại một tấm với chế độ Panorama
Với chiếc điện thoại gọn nhẹ, người chụp dễ dàng tiếp cận đối tượng để có hình ảnh sinh động, nhanh gọn và có thể chia sẻ được ngay tức thì. Người ta cũng ít có cảm giác đang “bị” chụp hình, người làm & người du khách có thể hỏi chuyện với nhau, thêm nhiều thông tin và thông cảm.
Ngoài hoa cúc, Mỹ Phong cũng là vựa hoa giấy rất lớn. Hoa giấy sẽ được mùa nếu trời xuân nắng tốt. Những ngày u ám cuối năm cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hy vọng một cái tết khấm khá của người đầu tư hoa giấy.
Sau hai giờ ngắm làng hoa cùng các bác nông dân thân thiện, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng nỗi lo gây ra bởi cơn mưa trái mùa, chúng tôi lên đường tới xứ dừa Bến Tre.
Vì muốn ngắm miền Tây ở những nơi ít du khách, khi tới Cái Mơn, chúng tôi “chui” vào một đường làng. Khung cảnh các cô gái làm việc trên đồng hoa làm mọi người trên xe không thể dừng được việc rút máy ra ngay lập tức.
Điểm đặc trưng ở miền Tây là người đã khuất thường được yên nghỉ trong vườn nhà.
Nhiều gia đình vẫn sống trên ghe, họ chỉ lên bờ mua các vật dụng cần thiết. Bạn chỉ đứng chiêm ngắm cảnh sống gần gũi với thiên nhiên, với sông nước của người dân nơi đây, bạn sẽ hiểu phần nào sự đơn giản, phóng khoáng và rộng lượng của người Miền Tây. Họ ít nề hà kiểu cách, họ ít tích trữ lo xa, họ sống giản đơn và rất người.
Đây, chúng tôi gặp những ngôi nhà đơn sơ nhưng khung cảnh xung quanh thật trữ tình. Chẳng phải bê tông nhựa đường bao bọc, người miền Tây và thiên nhiên có gì đó chưa rạn nứt, cái mà thế giới đô thành thèm khát ước ao. Chẳng thể nói ai đang hạnh phúc hơn ai đâu!
Thử chụp action cho những việc xảy ra ven đường với Oppo f5
Chia tay ngôi làng nhỏ ở Cái Mơn, chúng tôi thẳng tiến Sa Đéc nghỉ đêm. Vì muốn dành thật nhiều thời gian để ngắm cảnh và giao tiếp với người dân, chúng tôi dậy từ 4 rưỡi sáng lang thang khu trung tâm Sa Đéc.
Hai mẹ con chờ ghe hàng tại chợ nông sản Sa Đéc buổi sáng sớm
Rời khu trung tâm, chúng tôi không chọn làng hoa Sa Đéc nhằm né du khách mà chọn một ngôi làng nhỏ cách trung tâm thành phố chục cây số. Tôi đặt tên ngôi làng này là “ngôi làng sắc màu”
Điểm đặc trưng của các làng hoa ở Sa đéc là hoa được đặt trên giàn, phía dưới ngập nước
Người nông dân khi chăm sóc cây phải di chuyển bằng thuyền.
Một vật đặc trưng của miền Tây là chiếc xe lôi
Rời Sa Đéc, chúng tôi tiếp tục hành trình tới chợ nổi Phong Điền, Cần thơ. Trên đường đi, một người nảy ý định muốn đi thăm làng gạch Mang Thít. Nơi đây từng là một làng nghề sung túc, nhưng giờ đây việc sản xuất gạch ngày một ít đi do cạnh tranh với các nhà máy gạch hiện đại sử dụng công nghệ cao không bị ô nhiễm.
Dọc đường từ Vĩnh Long tới Mang Thít, có nhiều xưởng đóng tàu
Tới Mang Thít, cảnh sản xuất đìu hiu tạo cho chúng tôi một nỗi buồn bởi một làng nghề sắp mất đi…
Rời Mang Thít, chúng tôi ghé chợ nổi Phong Điền nghỉ đêm và tham quan chợ vào sáng sớm hôm sau. Trước đây, khi chưa có hệ thống cầu-đường, Phong Điền là chợ nổi đông đúc, sáng nào cũng tấp nập cảnh kẻ bán người mua. Ngày nay, Phong Điền chỉ còn vài chục ghe hàng nhỏ vào ngày thường.
Người phụ nữ chuẩn bị hàng cho phiên chợ sớm
Cảnh chèo đò tay khá hiếm. Theo một chiếc xuồng thế này, loanh quanh chợ nổi mới thấy cầm một chiếc điện thoại đủ khả năng lưu hình nhanh là một sự thuận tiện. Oppo F5 có thể cho là một chiếc như thế.
Tràm là một loại cây được sử dụng nhiều ở miền Tây – gần mỗi khu chợ đều có một vựa tràm
Một vòng miền Tây, tuy chỉ như kẻ cưỡi ngựa xem hoa, tôi cũng cảm nhận phần nào những mảng tối của cuộc sống người dân những ngày cận Tết này. Từ những vựa hoa, lò gạch, lao động, chợ nổi… Những gia sản miền Tây đang có, thiên nhiên hòa quyện với sự chân chất của con người, những ước ao đơn giản xen lẫn sự mộc mạc của họ vẫn không khuất được một sự man mác buồn nào đó.
Đông Hường