Cuối tuần qua (ngày 22/04/2016), thị trường đã có phiên tăng điểm mạnh nhất từ ngày 25/01/2016 đến nay. VN-Index chạm đến ngưỡng cao nhất trong 5 tháng, vượt qua không chỉ mốc 580, mà là 590.
Mức độ tham gia vào thị trường của khối nhà đầu tư nước ngoài rất cao khi mua ròng 211 tỷ đồng trên 2 sàn và đây chính là động lực thúc đẩy VN-Index bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự “khó nhằn” nói trên. Đáng chú ý hơn, lực mua mạnh mẽ từ khối này xuất hiện trong phiên giao dịch buổi chiều và đổ vào các bluechips chủ chốt.
Một vài thông tin cho biết dòng vốn này đến từ P-notes.
P-notes có thể kéo VN-Index lên 600 điểm
Nhìn lại thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian gần đây có thể thấy, các cổ phiếu trụ cột trên sàn HOSE từ VNM, GAS, VIC rồi VCBcứ lần lượt thay phiên nhau đóng vai trò là nhân tố chính tác động đến sự tăng giảm của chỉ số. Nhiều nhà đầu tư thậm chí nghi ngờ rằng có “bàn tay” tác động đến những cổ phiếu này để nâng VN-Index lên hoặc dìm chỉ số xuống.
Cũng không thể loại trừ mối nghi ngờ này nhưng theo ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Vĩ mô và Thị trường thuộc CTCK BSC, nếu phân tích cụ thể, chính dòng tiền nước ngoài đã luân chuyển vào và đỡ giá các cổ phiếu nói trên.
Theo đặc điểm của P-notes, để phát hành công cụ này, các định chế tài chính thường tích lũy một số lượng cổ phiếu đủ lớn, bao gồm các cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt, hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện cho thị trường để lập thành một danh mục.
Như vậy, hầu hết bluechips đang dẫn dắt thị trường đều nằm trong danh mục của P-notes, tương tự như của ETFs.
Ông Bùi Nguyên Khoa nhận xét, dòng tiền từ P-notes ảnh hưởng rất mạnh do tác động thẳng vào các cổ phiếu vốn hóa lớn và thường tạo nên những phiên bứt phá cho thị trường chung.
Điều quan trọng là khi VN-Index vượt qua 580 điểm sau nhiều lần thất bại, tảng đá đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư đã được giải tỏa. Thông thường khi chỉ số đã vượt qua ngưỡng cản, thị trường sẽ có động thái chạy theo đà do những người đã bán ở ngưỡng này lại quay trở lại mua vì sợ sẽ bỏ lỡ xu hướng tăng.
Chính vì thế, ông Khoa cho rằng, thị trường đi được bao xa sẽ còn phụ thuộc vào khối ngoại nhưng VN-Index hoàn toàn có thể vượt qua 600 điểm trong một thời gian ngắn nữa.
Khi dòng tiền ngoại đến từ P-notes - một dòng tiền không thể lường trước
Về cơ bản, ông Khoa nhận thấy không có dòng tiền lớn của khối ngoại đến từ các quỹ đã đầu tư lâu năm tại Việt Nam và dòng tiền ETF. Theo đó, từ đầu năm, ETFs chỉ thoái ra, dù không mạnh nhưng cũng không mua vào, trái với quy luật mua vào trong quý 1 đã được thực hiện trong 4 năm qua.
Còn dòng tiền của các quỹ, chủ yếu là cơ cấu từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác chứ không có sự tăng thêm. Ví dụ như Dragon Capital đã bán chốt lãi rất nhiều cổ phiếu để xoay qua mua cổ phiếu khác.
Dòng tiền mới vẫn đến từ P-notes.
Điểm dễ thấy của dòng tiền đến từ P-notes là thay đổi rất nhanh, không thể kiểm soát và không lường trước được cả quy mô lẫn thời gian mua vào. Trong giai đoạn hiện tại, có dòng tiền vào tất nhiên là điều tốt cho thị trường nhưng cũng cần thận trọng bởi nếu dòng vốn này đảo chiều, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong ngắn hạn một cách rất nhanh.
Nhiều nhà đầu tư hồ hởi trước phiên bứt phá mà nói rằng, không quan trọng dòng tiền đến từ đâu, miễn thị trường tăng là được. Tuy nhiên, phải thấy ràng khi chỉ số tăng vọt mà thanh khoản không tăng tương ứng và quá phụ thuộc vào bluechips thì sẽ có nhiều rủi ro trong ngắn hạn.
Ông Bùi Nguyên Khoa nhấn mạnh, thị trường tăng bền vững hay không phụ thuộc rất lớn vào dòng tiền, thể hiện qua giá trị giao dịch. Bên cạnh đó là những thông tin hỗ trợ.
“Đến thời điểm này, VN-Index có lực để lên đến 600 điểm nhưng để bền và ổn định thì có vẻ là không, đơn giản là thanh khoản không tăng trưởng mạnh.” – ông Khoa đánh giá.
Ông Khoa lưu ý, thị trường chuẩn bị đến vùng trũng thông tin khi đến ngày 30/4, các doanh nghiệp đều đã công bố báo cáo tài chính và các Doanh nghiệp lớn hầu hết đã tổ chức đại hội cổ đông. Khi đó thị tường phụ thuộc vào khối ngoại mà như đã nói, P-notes là dòng tiền không ổn định.
Theo Trí thức trẻ