|
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam, cơ quan đánh giá tín dụng Moody's duy trì triển vọng ổn định đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam được xếp hạng từ tháng 11/2014 trong 12-18 tháng tới.
Nguyên nhân được Moody's đưa ra là do tăng trưởng bùng nổ của nền kinh tế, cũng như chất lượng tài sản ngân hàng ổn định và tính thanh khoản tốt.
Cùng lúc đó, xếp hạng riêng rẽ của từng ngân hàng tại Việt Nam vẫn ở mức thấp, phản ảnh quy mô vốn yếu kém và trích lập dự phòng nợ xấu còn thấp.
Môi trường hoạt động "lành tính"
Cụ thể, Moody's đánh giá môi trường hoạt động của ngành ngân hàng đã duy trì ở mức ổn định, tích cực trong hai năm qua, sau cú sụt giảm mạnh trong năm 2012 - hệ quả của nhiều năm tăng trưởng tín dụng nóng.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cải thiện triển vọng phục hồi các tài sản chất lượng kém và hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam mở rộng kinh doanh.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tài khoản vãng lai thặng dư dồi dào, chính sách ưu tiên tăng trưởng cũng góp phần cải thiện điều kiện cho các ngân hàng.
Chất lượng tài sản ổn định
Thứ hai, cơ quan dự đoán chất lượng tài sản sẽ được duy trì ổn định trong trung hạn. Các khoản vay có vấn đề - bao gồm nợ không có khả năng thanh toán, nợ bán cho VAMC, các khoản nợ phải thu có vấn đề - chiếm khoảng 9% các ngân hàng đang được xếp hạng tính đến cuối tháng 6/2015.
Giá bất động sản tăng dần dần có thể tăng khả năng thu hồi nợ cho các ngân hàng vì đây được sự dụng như tài sản thế chấp.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu thực sự còn gây nhiều tranh cãi, nhưng sự minh bạch nhìn chung đã được cải thiện nhờ một số tiêu chuẩn xếp loại tài sản và biện pháp điều tiết, chúng đã giám sát quá trình tái cấu trúc nợ.
Tuy nhiên, tỷ lệ đòn bẩy trong doanh nghiệp vẫn còn tương đối cao, tăng trưởng tín dụng đang tăng tốc, đồng nghĩa các vấn đề về tài sản có thể phình to trong tương lai.
Dự đoán tiêu cực về vốn hóa và lợi nhuận
Đặc biệt, Moody's duy trì dự đoán tiêu cực về khả năng vốn hóa và lợi nhuận của các ngân hàng. Các chỉ số này sẽ tiếp tục bị ghìm thấp bởi trích lập dự phòng nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng gấp gáp cũng tạo áp lực lên vốn.
Các nhà băng không có nhiều lựa chọn trong cải thiện nguồn vốn do lợi nhuận thấp và khả năng huy động vốn từ bên ngoài bị hạn chế.
Thanh khoản ổn định
Vốn huy động và tính thanh khoản được dự đoán sẽ duy trì ở mức ổn định. Tăng trưởng tiền gửi tích cực, giảm sự phụ thuộc của ngân hàng và các nguồn huy động vốn nhạy cảm với thị trường, bao gồm vay liên ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2014, vốn huy động từ thị trường chiếm 17% tài sản của các ngân hàng, giảm từ 26% trong năm 2012.
Chính phủ tiếp tục hỗ trợ
Ngoài ra, Moody's kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng quốc doanh và tư nhân trong lúc cần thiết, dưới dạng giảm nợ (forbearance) hoặc hỗ trợ thanh khoản.
Nhờ đó, xếp hạng các ngân hàng quốc doanh được tăng hai hoặc ba bậc, trong khi xếp hạng ngân hàng được tăng một hoặc hai bậc.
Xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang là caa1, hai bậc dưới mức xếp hạng tiền gửi B2.
Theo Bizlive