Đầu tiên là bức ảnh chụp trong đó ông Shanahan và ông Ngụy bắt tay nhau và mỉm cười trước ống kính phóng viên, đằng sau là quốc kỳ hai nước, và sau đó họ nhanh chóng đi vào phòng họp bên trong khách sạn Shangri-La, bao quanh là các đội ngũ nhân viên. Tại đây, ông Shanahan đã trao cho ông Ngụy một “món quà”.
Thoạt nhìn trông giống như một cuốn sách, nhưng thực chất món quà này lại là 32 trang chứa đầy ảnh và ảnh chụp vệ tinh cho thấy các tàu của Triều Tiên đang vận chuyển dầu. Rất nhiều trong số các bức ảnh này có ghi rõ ngày, tháng, địa điểm cùng các mô tả chi tiết…là bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế ngay trên vùng bờ biển của Trung Quốc.
“Tôi đã trao cho ông ấy cuốn sách đẹp đẽ này” – ông Shanahan nói, 1 ngày sau cuộc gặp với ông Ngụy cùng đội ngũ cấp cao của ông tại Đối thoại Shangri-La tổ chức tại Singapore – “Tôi nói rằng đây là một lĩnh vực mà cả tôi và ông có thể hợp tác”.
Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ ông Ngụy thoạt đầu rất ngạc nhiên khi biết mình có quà từ người đồng cấp Mỹ. Ngay sau khi biết món quà đó là gì, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc liền biến sắc mặt và đưa ngay cho cấp dưới.
Thông điệp ngầm nói trên được quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trao cho Trung Quốc trong bối cảnh mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bất đồng với Trung Quốc về hàng loạt vấn đề - bao gồm thương mại, cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ Mỹ, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và cách gây sức ép với Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc trước đây đã nhất trí thực thi các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc đối với người hàng xóm Triều Tiên, thế nhưng như các bức ảnh trong “món quà” của Mỹ thì dường như Bắc Kinh vẫn “làm ngơ” trước những vi phạm của Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn AP đã dẫn lại một trang trong cuốn sách đặc biệt trên, trong đó có một bức ảnh cho thấy tàu chở dầu Kum Un San 3 (mang quốc kỳ Triều Tiên) đang đậu gần tàu M/V New Regent – một tàu chở dầu mang cờ Panama – và một số ống dẫn dầu nối giữa hai con tàu này. Bức ảnh được chụp ngày 7/6/2018.
LHQ, trong một thông cáo báo chí công bố tháng 10/2018, từng nói rằng vụ sang nhượng dầu diễn ra ngày 7/6/2018 là hành vi vi phạm nghị quyết của họ và nói rằng nó liên quan tới vận chuyển dầu. LHQ đã ra lệnh trừng phạt 2 con tàu nói trên, thêm rằng chúng sẽ bị cấm cập cảng của các nước thành viên của LHQ.
Một bức ảnh khác trong “món quà” này cho thấy tàu chở dầu An San 1 của Triều Tiên, kèm chú thích rằng “đang tháo dỡ dầu đã tinh chế” thông qua một đường ống ngầm lắp đặt dưới biển, tại cảng Nampo, gần Bình Nhưỡng.
Joe Buccino, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho hay ông Shanahan đã trao cuốn sách để chỉ ra rằng việc thực thi các lệnh trừng phạt của LHQ ở khu vực ngoài khơi Trung Quốc là “một lĩnh vực hợp tác và phối hợp tiềm năng” với quân đội Trung Quốc.
Trong cuộc họp tại Shangri-La, ông Shanahan đã nói với ông Ngụy rằng hải quân Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác để ngăn chặn các hành động vi phạm các lệnh trừng phạt LHQ.
“Thực sư đó là một hành động rất thông minh” – bà Bonnie Glaser, Giám đốc dự án sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, nhận định – “Đây là một cách để nói với Trung Quốc rằng, chúng tôi biết điều gì đang diễn ra, chúng tôi có bằng chứng, và đây là cơ hội cho các bạn để mở rộng hợp tác với Mỹ”.
Bà Glaser cũng tham dự Đối thoại Shangri-La, và đã có cuộc nói chuyện với một số thành viên của phái đoàn Trung Quốc tham dự sự kiện này. Tuy nhiên, các thành viên mà bà gặp gỡ nói rằng cuộc gặp giữa ông Shanahan và ông Ngụy diễn ra rất tích cực; và không ai đề cập gì tới “món quà” nọ.
“Tôi nghĩ rằng điều đó khá xấu hổ” – bà Glaser nói – “Họ có thể nghĩ rằng họ sắp được tặng thứ gì đó tuyệt vời, thứ gì đó mang tính tích cực, chứ không phải một thứ cho thấy rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc thực thi cam kết trừng phạt Triều Tiên”.
Cuộc gặp giữa ông Shanahan và ông Ngụy tại Đối thoại Shangri-La hồi đầu tháng này cũng diễn ra ngay trước khi ông Shanahan đưa ra một bài phát biểu, trong đó chỉ trích Trung Quốc vì đánh cắp công nghệ của các quốc gia khác và mô tả việc quân sự hóa các cứ điểm trên Biển Đông của Trung Quốc là “bộ công cụ đe dọa”. Nhưng ông cũng nêu rõ rằng Mỹ vẫn muốn hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế khác.