"Mối thù" giữa các ông trùm công nghệ Elon Musk, Mark Zuckerberg, Bill Gates và Jeff Bezos

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bên cạnh những tình bạn tốt đẹp, giới công nghệ cũng tồn tại nhiều mối quan hệ “không đội trời chung” giữa những CEO hàng đầu thế giới.
Cuộc chiến giữa các tỷ phú công nghệ. Ảnh: Business Insider
Cuộc chiến giữa các tỷ phú công nghệ. Ảnh: Business Insider

Thung lũng Silicon là nơi sinh sôi nảy nở các cuộc cạnh tranh. Ở một nơi mà những ý tưởng thay đổi thế giới được sinh ra, việc cạnh tranh giữa những người chơi quyền lực của thung lũng Silicon là điều hiển nhiên, từ tranh cãi thân thiện đến chỉ trích gay gắt.

Nếu như "mối thù" giữa Giám đốc điều hành Salesforce Marc Benioff và người sáng lập Oracle Larry Ellison nảy sinh từ tình bạn thân thiết và sự tôn trọng lẫn nhau, những "mối thù" khác - như mối quan hệ giữa Mark Zuckerberg và Evan Spiegel bắt đầu từ một lời đề nghị mua lại bị từ chối.

Dưới đây là một số mối quan hệ "không đội trời chung" giữa các nhà điều hành công ty công nghệ quyền lực nhất thế giới.

Elon Musk và Mark Zuckerberg

Ảnh: Market Watch

Ảnh: Market Watch

Hơn 4 năm qua, CEO của Tesla và Facebook không ưa nhau về nhiều mặt. Khởi đầu từ vụ nổ tên lửa SpaceX khiến vệ tinh của Facebook bị phá hủy, đến việc Elon Musk xóa fanpage công ty trên Facebook sau bê bối Cambridge Analytica, 2 tỷ phú công nghệ đã nhiều lần công khai chỉ trích nhau.

Mối thù giữa Musk và Zuckerberg bắt nguồn từ năm 2016, khi vụ nổ tên lửa SpaceX cũng phá hủy một vệ tinh trị giá 200 triệu USD của Facebook. Zuckerberg đã đăng tải một tuyên bố nói rằng ông thật sự "thất vọng" về sai lầm của SpaceX. Sau vụ bê bối lộ dữ liệu liên quan đến Cambridge Analytica năm 2018, Elon Musk đã công khai việc xóa fanpage của SpaceX và Tesla.

Musk tiếp tục nhắc đến Facebook sau cuộc bạo động tại Điện Capitol ngày 6/1. "Đây là hiệu ứng domino", CEO Tesla đăng kèm hình ảnh bàn cờ domino, với quân cờ đầu tiên đại diện cho "website đánh giá phụ nữ trong khuôn viên trường", ám chỉ sự ra đời của Facebook tại Đại học Harvard. Quân cờ domino cuối cùng là về những kẻ bạo loạn.

Chỉ vài giờ sau, Musk lại chỉ trích Facebook với chính sách mới của WhatsApp. Người giàu nhất thế giới chia sẻ lại bài báo về chính sách, kèm ảnh chế (meme) ám chỉ việc thu thập dữ liệu của Facebook. Ông cũng khuyên mọi người chuyển sang ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal. Bài viết này đã được CEO Twiter Jack Dorsey đăng lại.

Elon Musk và Bill Gates

Ảnh: CNBC

Ảnh: CNBC

Elon Musk và Bill Gates dường như không có mối quan hệ hòa hảo, ít nhất là xét trên những nhận xét hai bên dành cho nhau.

Vào tháng 2/2020, trong cuộc phỏng vấn với YouTuber Marques Brownlee, Bill Gates rằng mặc dù Tesla đã giúp thúc đẩy sự đổi mới và áp dụng xe điện, nhưng gần đây ông đã mua một chiếc xe điện của Porsche thay vì Tesla. Ông nói rằng xe của Musk bán hơi đắt. Ngay lập tức, CEO Tesla lên Twitter phản bác: "Tôi đã nói chuyện với Gates, ông ấy thật nhàm chán".

Elon Musk đã tweet rằng các cuộc trò chuyện của ông với Gates luôn "không mấy sáng sủa".

Sau đó, vào tháng 7, ông Bill Gates nói trong một cuộc phỏng vấn trên "Squawk Box" của CNBC rằng nhận xét của Musk về COVID-19 là "thái quá", vì Musk thường xuyên hạ thấp mức độ nghiêm trọng của virus.

Gates nói: “Elon tạo ra một chiếc xe điện tuyệt vời và tên lửa hoạt động tốt. Vì vậy, anh ấy được phép nói về những điều này. Nhưng anh ấy không biết gì về vắc-xin. Tôi hy vọng anh ấy không nhầm lẫn những lĩnh vực mà anh ấy không tham gia quá nhiều." Trên Twitter, CEO Tesla tuyên bố rằng ông và gia đình sẽ không tiêm vaccine phòng Covid-19.

Kevin Systrom và Jack Dorsey

Ảnh: Business Insider

Ảnh: Business Insider

Nhà sáng lập Instagram - Kevin Systrom và nhà sáng lập Twitter - Jack Dorsey khởi đầu là những người bạn thân thiết, nhưng tình bạn của họ đã tan vỡ khi Instagram được bán cho Facebook.

Theo cuốn sách 'No Filter: The Inside Story of Instagram' của Sarah Frier, cặp đôi này gặp nhau khi họ là những nhân viên đầu tiên tại Odeo, trang web về âm thanh và video được tạo bởi hai nhà đồng sáng lập Twitter - Ev Williams và Noah Glass. Cả hai có chung sở thích là nhiếp ảnh và cà phê.

Systrom và Dorsey vẫn giữ liên lạc ngay cả sau khi Systrom có một công việc toàn thời gian tại Google. Systrom là người đề xướng về ý tưởng Twitter khi anh bắt đầu làm việc cho Burbn, tiền thân của Instagram. Systrom đã tìm đến Dorsey để được hướng dẫn. Dorsey sau đó đã trở thành một nhà đầu tư sớm cho ý tưởng này, bơm vào 25.000 USD. Khi Burbn dần trở thành Instagram, Dorsey đã trở thành một trong những người hâm mộ lớn nhất của ứng dụng này, đăng tin về Instagram trên Twitter và giúp ứng dụng này lan truyền ngay sau khi ra mắt. Dorsey cũng từng cố gắng mua Instagram, nhưng Systrom từ chối.

Mối quan hệ Dorsey-Systrom trở nên khó khăn hơn vào vào năm 2012, khi Dorsey phát hiện ra rằng Instagram đã ký một thỏa thuận bán lại cho Facebook, đối thủ lớn nhất của Twitter. Theo Frier, Dorsey đã bị tổn thương khi Systrom không gọi trước để thảo luận về thỏa thuận này, hoặc cho Twitter cơ hội để đàm phán.

Dorsey đã không đăng lên tài khoản Instagram của mình kể từ ngày 9/4/2012. Bức ảnh cuối cùng CEO này đăng được chụp vào buổi sáng khi phát hiện ra Instagram đã được bán đi. Còn về phía Systrom, ông đã im lặng trên Twitter trong vài năm qua, mãi tới gần đây mới xuất hiện sử dụng nền tảng này trở lại.

Marc Benioff và Larry Ellison

Ảnh: Fortune

Ảnh: Fortune

Người sáng lập Oracle, Ell Ellison và Giám đốc điều hành Salesforce - Marc Benioff - đã gặp nhau khi Benioff bắt đầu làm việc tại Oracle năm 23 tuổi. Chàng thanh niên này khi đó là một ngôi sao mới nổi, nhận được giải thưởng 'tân binh của năm' và sau đó trở thành phó chủ tịch trẻ nhất của Oracle ở tuổi 26. Ông đã dành 13 năm tại Oracle, là cánh tay phải đắc lực cho Ellison.

Benioff sau đó làm việc với Salesforce và thuyết phục Ellison trở thành nhà đầu tư cho dự án này với 2 triệu USD.

Nhưng kể từ đó, bộ đôi này đã bắt đầu công khai sự thù hận. Năm 2000, Oracle ra mắt phần mềm cạnh tranh trực tiếp với Salesforce. Benioff thì yêu cầu Ellison từ chức khỏi hội đồng quản trị của Salesforce, nhưng Ellison đã từ chối. Mãi sau đó ông mới rời khỏi hội đồng quản trị, nhưng vẫn giữ lại toàn bộ cổ phiếu và các quyền chọn bán của mình.

Trong nhiều năm, Benioff và Ellison đã không ít lần cãi nhau. Ellison từng chế giễu Salesforce, gọi đó là "ứng dụng con" phụ thuộc vào Oracle, trong khi Benioff gọi Oracle là "một thất bại trong công nghệ điện toán đám mây". Và vào năm 2011, Ellison đã ra lệnh loại bỏ Benioff khỏi hội nghị OpenWorld của Oracle.

Nhưng sau hết, Benioff vẫn luôn mô tả Ellison là người cố vấn quan trọng của mình. "Không có ai tôi học hỏi được nhiều hơn là Larry Ellison", Benioff nói vào năm 2013.

Elon Musk và Jeff Bezos

Ảnh: Evening Standard

Ảnh: Evening Standard

CEO Amazon - Jeff Bezos và CEO SpaceX - Elon Musk không phải là đối thủ cạnh tranh trong bất kỳ mục tiêu nào trên mặt đất, nhưng họ là những đối thủ nặng ký khi nói đến không gian vũ trụ.

Bezos thành lập công ty tên lửa Blue Origin vào năm 2000, trong khi Musk thành lập SpaceX vào năm 2002. Hai năm sau, cặp đôi gặp nhau trong bữa tối, thế nhưng, sau đó mọi thứ trở nên khó khăn hơn.

"Tôi thực sự đã cố gắng hết sức để đưa ra những lời khuyên bổ ích, nhưng mà ông ấy hầu như bỏ qua", Musk nói sau cuộc họp.

Vào năm 2013, sự cạnh tranh giữa họ khốc liệt hơn khi SpaceX cố gắng giành quyền sử dụng độc quyền bệ phóng của NASA. Blue Origin (cùng với đối thủ của SpaceX là United Launch Alliance) đã đệ đơn phản đối chính thức lên chính phủ. Musk gọi đó là một "chiến thuật ngăn chặn rởm" và SpaceX cuối cùng đã giành được quyền sử dụng. Nhiều tháng sau, hai công ty lao vào cuộc chiến về bằng sáng chế và ngay sau đó, Bezos và Musk đã công khai mối thù của họ rầm rộ trên Twitter.

Một lần, khi BBC hỏi Musk về Bezos, ông đã trả lời, "Jeff là ai?" Về phần mình, Bezos thường xuyên chỉ trích ý tưởng thuộc địa hóa sao Hỏa - mục tiêu chính của SpaceX và mô tả ý tưởng này là "không có động cơ".

Vào tháng 5/2019, Musk lại chọc ngoáy Bezos, gọi ông là kẻ bắt chước kế hoạch phóng vệ tinh phát sóng internet. Mới đây, Musk đã lặp lại tuyên bố, nói rằng Bezos là một kẻ bắt chước sau khi Amazon mua lại công ty taxi tự lái Zoox với giá 1,2 tỉ USD.

Vào tháng 7/2020, Musk tiếp tục công kích tham vọng không gian của Bezos. Trả lời phỏng vấnTimes, Musk còn mỉa mai rằng Jeff Bezos đã 56 tuổi, tương đối già trong khi tiến độ của Blue Origin thì quá chậm chạp. "Tốc độ của dự án quá chậm, số năm mà ông ấy (Bezos) hy sinh là chưa đủ. Nhưng tôi vẫn vui vì những gì ông ấy đang làm với Blue Origin".

Tim Cook và Mark Zuckerberg

Ảnh: Medium

Ảnh: Medium

Không bao giờ có mối quan hệ tốt đẹp giữa giám đốc điều hành Apple - Tim Cook và Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg.

Hai ông trùm công nghệ liên tục chỉ trích lẫn nhau trong nhiều năm, bắt đầu từ năm 2014, khi Cook nói trong một cuộc phỏng vấn rằng "Với một dịch vụ trực tuyến miễn phí, bạn không phải là khách hàng. Bạn là sản phẩm."

Ngay sau đó, Zuckerberg thẳng thắn tỏ thái độ trong một cuộc phỏng vấn với Time khi nói về những bình luận của Cook, nói: “Bạn nghĩ rằng vì bạn trả tiền cho Apple nên ở góc độ nào đó, Apple kinh doanh một cách phù hợp với khách hàng ư? Nếu là mô hình kinh doanh phù hợp, họ đã làm sản phẩm với mức giá rẻ hơn nhiều!”

Nhưng căng thẳng giữa Cook và Zuckerberg lên đến đỉnh điểm sau vụ bê bối Cambridge Analytica của Facebook, trong đó 50 triệu dữ liệu người dùng Facebook đã bị đánh cắp. Vào năm 2018, Kara Swisher của Recode đã hỏi Cook rằng ông sẽ làm gì nếu ở trong vị trí của Zuckerberg, và Cook trả lời: "Tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ không bao giờ ở trong tình huống đó".

Zuckerberg dường như rất tức giận trước những bình luận của Cook, ông thậm chí đã yêu cầu các giám đốc điều hành chuyển sang điện thoại Android.

Trong một bài đăng trên blog của công ty vào năm 2018, Facebook đã xác nhận mối thù giữa hai giám đốc điều hành: "Tim Cook đã liên tục chỉ trích mô hình kinh doanh của chúng tôi và Mark rõ ràng không hài lòng".

Steve Jobs và Bill Gates

Ảnh: Business Insider

Ảnh: Business Insider

Trong những ngày đầu của Apple và Microsoft, Steve Jobs và Bill Gates đã hợp tác với nhau. Microsoft đã tạo ra phần mềm cho máy tính Apple II và Gates là khách thường xuyên ở trụ sở Apple tại Cupertino.

Nhưng mọi chuyện đảo ngược từ đầu thập niên 80, khi Jobs bay tới trụ sở của Microsoft ở Washington để cố gắng thuyết phục Gates sản xuất phần mềm cho máy tính Macintosh. Gates sau đó mô tả nó là "một chuyến thăm quyến rũ kỳ lạ" và nói rằng ông cảm thấy như Jobs như kiểu: "Tôi không cần bạn, nhưng tôi có thể để bạn tham gia".

Tuy nhiên, họ vẫn tương đối thân thiện cho đến năm 1985, khi Microsoft tung ra phiên bản Windows đầu tiên và Jobs cáo buộc ông đã qua mặt Macintosh.

“'Họ đã gạt chúng tôi hoàn toàn, bởi vì Gates chẳng biết xấu hổ”, Jobs nói với người viết tiểu sử của mình, Walter Isaacson.

Bộ đôi này đã châm biếm nhau trong nhiều năm, Jobs gọi Gates là nhàm chán và Gates gọi Jobs là “con người kỳ quặc”. Căng thẳng vẫn ở mức cao ngay cả sau khi Microsoft đầu tư vào Apple để duy trì hoạt động, với việc cả Gates và Jobs xúc phạm lẫn nhau và nói xấu các sản phẩm của công ty nhau hết lần này đến lần khác.

Nhưng khi Steve Jobs qua đời vào năm 2011, Bill Gates nói: “Tôi tôn trọng Steve, chúng tôi đã làm việc cùng nhau. Chúng tôi đã thúc đẩy lẫn nhau, ngay cả khi là đối thủ cạnh tranh. Không ai trong số đó [những gì Jobs nói] làm phiền tôi cả”.

Mark Zuckerberg và Jack Dorsey

Ảnh: Forbes

Ảnh: Forbes

Giám đốc điều hành Twitter - Jack Dorsey và Zuckerberg dường như chưa bao giờ vui vẻ với nhau, sự cạnh tranh giữa hai giám đốc điều hành dường như đã trở nên tồi tệ hơn trong vài năm qua.

Khi Facebook gặp vấn đề với các quảng cáo chính trị, Dorsey tuyên bố rằng Twitter đang tạm ngừng quảng cáo chính trị, đồng thời nói rằng: “'Những thông điệp liên quan chính trị cần chiếm được lòng tin của công chúng, không phải là đi mua.”

Về phần mình, Zuckerberg không ngần ngại chỉ trích Twitter, nói thẳng rằng "Twitter không thể làm tốt công việc như chúng tôi có thể", theo Verge.

Vào tháng 12, Dorsey đã hủy theo dõi Zuckerberg trên Twitter.

Evan Spiegel và Mark Zuckerberg

Ảnh: Vanity Fair

Ảnh: Vanity Fair

Snapchat từng là “con mồi” mà Facebook thèm muốn và ít nhất 3 lần Facebook đưa ra đề nghị mua lại Snapchat, nhưng cả 3 lần đều bị từ chối. Mối quan hệ giữa Mark Zuckerberg và Evan Spiegel đã trở nên xấu đi từ đó.

Không thể mua được Snapchat, Facebook đã bắt chước nhiêu tính năng của Snapchat trong những năm qua, trên cả ứng dụng Facebook lẫn Instagram, điều này càng khiến cho mối quan hệ giữa Evan Spiegel và Mark Zuckerberg càng trở nên căng thẳng.

Năm 2018, khi Facebook sao chép và công bố tính năng Stories tương tự như trên Snapchat, Spiegel đã công khai mỉa mai Facebook: “Chúng tôi thực sự đánh giá cao nếu họ sao chép các hoạt động bảo vệ dữ liệu của chúng tôi”, xoáy sâu vào vấn đề bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng Facebook.

Larry Ellison và Bill Gates

Ảnh: Business Insider

Ảnh: Business Insider

Gates và Ellison có thể đã hàn gắn mối quan hệ, nhưng vào cuối những năm 90 và đầu những năm 2000, họ là kẻ thù của nhau.

Mối thù của họ một phần bắt nguồn từ tình bạn thân thiết của Ellison với Steve Jobs, đối thủ của Gates. Bên cạnh đó, Larry Ellison cũng được cho là rất ám ảnh trong việc vượt qua Bill Gates, người giàu nhất thế giới vào thời điểm đó, cũng khiến cho mối quan hệ giữa hai người không mấy tốt đẹp. Mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2000 khi Microsoft bị chính phủ liên bang điều tra về vi phạm chống độc quyền. Vào thời điểm đó, Ellison thậm chí còn thuê những nhà điều tra độc lập nhằm tìm ra những tội lỗi mà Microsoft đang gặp phải để cung cấp bằng chứng cho chính phủ Liên bang.

Cuối cùng, Microsoft thua kiện và Gates từ chức Giám đốc điều hành Microsoft.

Theo Business Insider