Mối thâm thù chưa có hồi kết, Microsoft và Google tiếp tục đấu đầu trong cuộc chiến mới

(VietTimes) – Tranh chấp kéo dài giữa Microsoft và Google đã để lại dấu ấn sâu sắc trong ngành công nghệ và gây ảnh hưởng tới các khách hàng chung. Mới nhất, 2 gã khổng lồ đang cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Cuộc chiến điện toán đám mây giữa Microsoft và Google đang diễn ra quyết liệt. Ảnh: The Verge.

Microsoft cho rằng Google đứng sau Liên minh Đám mây Mở, một nhóm vận động hành lang mới được thành lập.

Trong một bài viết trên blog, Cố vấn của Microsoft, bà Rima Alaily, cho biết, “Google đã nỗ lực che giấu sự tham gia và tài trợ của mình, tuyển dụng các nhà cung cấp đám mây châu Âu để làm đại diện cho tổ chức”.

Liên minh Đám mây Mở ra đời sau khi Google thất bại trong việc ngăn chặn thỏa thuận giữa Microsoft và nhóm thương mại Nhà cung cấp Dịch vụ Hạ tầng Đám mây tại châu Âu (CISPE).

Trước đó, CISPE đã rút đơn khiếu nại lên EU về các hợp đồng cấp phép của Microsoft Azure sau khi Microsoft cho phép các nhà cung cấp đám mây châu Âu sử dụng dịch vụ của mình trên cơ sở hạ tầng địa phương.

Microsoft cho rằng Google thậm chí đã đưa ra khoản tiền mặt và tín dụng lớn để các thành viên CISPE từ chối thỏa thuận này.

Ai đang khóa chân khách hàng?

Google cho rằng Microsoft đang áp dụng các chiến lược chống cạnh tranh, hạn chế khách hàng sử dụng các dịch vụ đám mây khác thay vì Azure.

Một trong những vấn đề trọng tâm là chính sách Microsoft áp dụng cho Windows Server, khi khách hàng phải trả thêm phí nếu muốn sử dụng giấy phép Windows Server tại các nhà cung cấp đám mây đối thủ.

Theo quan điểm của Microsoft, các khách hàng đã mua giấy phép cho Windows Server trên máy chủ tại chỗ của riêng họ và không nên nhận ưu đãi hay tín dụng nếu muốn chuyển sang một nền tảng đám mây khác.

Còn theo Google, chính sách này là cách để Microsoft ép buộc khách hàng gắn bó với Azure, thay vì chọn lựa tự do các dịch vụ đám mây khác.

Google hiện là nhà cung cấp đám mây lớn thứ ba, sau Microsoft và Amazon, và đang tìm mọi cách tăng trưởng thị phần trong mảng kinh doanh đầy tiềm năng này.

Với hơn 20 cuộc điều tra chống độc quyền, từ dịch vụ tìm kiếm, quảng cáo kỹ thuật số đến cửa hàng ứng dụng di động, Google nỗ lực thúc đẩy mảng đám mây như một bước đi chiến lược nhằm củng cố vị thế.

Mối thâm thù kéo dài

Cạnh tranh giữa Microsoft và Google không phải điều xa lạ. Mối bất hòa bắt đầu trở nên rõ ràng hơn vào năm 2021. Trong năm đó, chủ tịch Microsoft, ông Brad Smith, đã chỉ trích Google vì không cung cấp thông tin về cuộc tấn công SolarWinds và tham gia vào các tranh chấp tại Úc.

Smith thậm chí còn công khai phê phán Google trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, cáo buộc Google kiểm soát ngành quảng cáo kỹ thuật số, khiến Google phản bác rằng Microsoft đang “phá vỡ cách thức hoạt động của web mở”.

Không chỉ vậy, vào khoảng một thập kỷ trước, Microsoft đã từng phải đối mặt với việc Google từ chối phát triển ứng dụng cho Windows Phone, gây khó khăn cho hệ sinh thái của Microsoft trong việc cạnh tranh với Android.

Những tranh chấp kéo dài này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong ngành công nghệ và đang tiếp tục ảnh hưởng tới các khách hàng chung của cả hai gã khổng lồ

Liệu cuộc chiến đám mây có thể hòa giải?

Khác với những tranh chấp trước đây trong lĩnh vực trình duyệt, với cuộc đối đầu về đám mây lần này, khó có khả năng Microsoft và Google sẽ đi đến một thỏa thuận hợp tác.

Mảng đám mây hiện là một trong những nguồn doanh thu quan trọng nhất của Microsoft, đạt 24,1 tỉ USD chỉ riêng trong quý gần đây từ các dịch vụ máy chủ và đám mây.

Microsoft không có ý định nhượng bộ miếng bánh lớn này, đặc biệt là khi đám mây đóng vai trò quan trọng cho các chiến lược AI mà Microsoft đang theo đuổi.

Sau khi đầu tư hơn 13 tỉ USD vào OpenAI để cạnh tranh trực tiếp với Google trong lĩnh vực AI, Microsoft rõ ràng đã đặt mục tiêu dùng AI để chiếm lĩnh thị phần và thách thức Google trong mảng tìm kiếm.

Khi Microsoft và Google tiếp tục đầu tư hàng tỉ USD để cải tổ phần mềm và dịch vụ bằng AI, cuộc chiến mới này dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp.

Theo The Verge