Mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để về Hà Nam nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hà Nam cũng là nơi mà hơn một ngàn năm trước, vua Lê Đại Hành đã làm lễ tịch điền đầu tiên. Việc Thủ tướng nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có thể xem như một “lễ tịch điền” thời cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời hội nhập toàn cầu.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam. Về phía Chính phủ, sẽ đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh.

Giải bài toán này có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và HTX chất lượng cao làm nông nghiệp. Nhà nước sẽ khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải quyết những điểm nghẽn về thể chế như mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn, báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai theo kiến nghị của các địa phương.

Về nguồn vốn, cách đây hơn một tháng, tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dành gói tín dụng khoảng 50 – 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất. Nay, Thủ tướng yêu cầu nâng gói tín dụng này từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng.

Có thể nói, kể từ khi nhậm chức tới nay và nhất là thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, với trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Liên tục dự các sự kiện về phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn, trăn trở về những “điểm nghẽn” khiến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát triển như tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là những “điểm nghẽn” thể chế.

Ông yêu cầu rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển, nhất là về đất đai và quy hoạch đất lúa theo hướng bãi bỏ các thể chế, chính sách trói buộc, kìm hãm phát triển nông nghiệp.

“Thể chế là gì? Thể chế do chúng ta nghĩ ra nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý” – Thủ tướng phát biểu khi dự hội nghị tổng kết của Bộ NN&PTNT.

Đích thân Thủ tướng đã nhiều lần tới thăm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Phước, Hải Phòng, Hà Nam…, thậm chí ngay cả khi công tác nước ngoài, Thủ tướng cũng dành thời gian cho việc này, như khi thăm Trung Quốc, ông đã tới Khu Nông nghiệp công nghệ cao Bát Quế Điền Viên - một mô hình nông nghiệp hiệu quả cao tại Quảng Tây.

Thủ tướng khẳng định, các nhà tư vấn, nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp ở bất cứ tỉnh nào làm nông nghiệp công nghệ cao thì Chính phủ đều ủng hộ. Không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới được phép đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thay vào đó, cần phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Trong phiên họp Chính phủ đầu tiên trong năm mới Đinh Dậu, cũng là phiên họp đầu tiên trong năm 2017 diễn ra ngày 3/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao cả về  chủ trương, nguồn vốn, mô hình, cơ chế, chính sách...  Trong những ngày tới, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ chủ trì hội nghị của Chính phủ về phát triển ngành nuôi tôm chất lượng cao tại ĐBSCL.

Theo Thủ tướng, nông nghiệp là một trong ba lợi thế cạnh tranh, ba mũi nhọn đột phá mà Việt Nam cần tập trung phát triển, cùng với ngành công nghệ thông tin và du lịch. Theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là một hướng đi chính xác, hết sức phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam. Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, điều đó không phải bàn cãi. Nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, đúng như nhận định của Thủ tướng, đó phải là nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao mới có thể cạnh tranh.

Trước lời kêu gọi của Thủ tướng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, mở ra hướng đi mới, tạo khí thế mới, sức bật mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đây là điều rất đáng mừng. Nhưng điều đáng mừng hơn là tầm nhìn, chiến lược phát triển lĩnh vực này đã được xác định và cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng những “điểm nghẽn” thể chế sẽ sớm được tháo gỡ, thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ, mở ra giai đoạn phát triển vượt bậc với nền nông nghiệp Việt Nam trong thời đại mới.

Theo VGP