AI đang khiến việc phân biệt các nguồn thông tin chính thống và các thông tin sai sự thực trở nên khó khăn hơn. Mối quan hệ giữa AI và báo chí sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta tiếp nhận thông tin như thế nào?
Các khả năng tiên tiến của Trí tuệ nhân tạo chỉ làm tăng thêm mối lo ngại liên tục về thông tin sai lệch. Khả năng chatbot đưa ra những thông tin thuyết phục nhưng chưa được xác minh khiến việc phân biệt giữa báo chí chính thống và tin giả trở nên khó khăn hơn.
Điều quan trọng hiện nay đối với các trang báo chính thống là cần phải thu hút người đọc bằng cách đảm bảo những tin tức đưa ra là những thông tin đã được chứng minh về độ tin cậy.
Người dùng lo ngại tin giả
Nhiều cuộc thăm dò nêu bật mối lo ngại của công chúng về tin giả và người đọc muốn biết rằng đâu là nguồn thông tin đáng tin cậy.
Trong một cuộc khảo sát của You Gov năm 2022 do ứng dụng đăng ký kỹ thuật số Readly ủy quyền, hai phần ba người dân Anh lo lắng về sự lan truyền của tin giả.
46% cho biết họ tin rằng họ đã tiếp xúc với tin tức giả hàng ngày và gần 3/4 trong số họ tin rằng số lượng tin giả, tin sai sự thật sẽ ngày càng tăng trong vài năm tới. Và cuộc thăm dò này được thực hiện trước khi ChatGPT xuất hiện.
ChatGPT và sức mạnh của AI
Khi nói đến các tác phẩm viết, hiện có rất nhiều cuộc thảo luận trong cộng đồng chuyên gia và nghệ thuật về việc gắn tag để xác định đâu là sản phẩm do AI tạo ra và đâu là sản phẩm do con người tạo ra.
ChatGPT đang chứng tỏ mình là một nhà sáng tạo nội dung xuất sắc, khiến một số trường đại học ở Vương quốc Anh cấm nó và triển khai các công cụ phát hiện để xác định việc sinh viên sử dụng nó.
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Nick Cave không đánh giá cao ChatGPT và cho rằng chúng chỉ đang ăn cắp chất xám của các tác giả và xào nấu lại thành những sản phẩm mới.
Ngay cả những người tạo ra AI cũng lo ngại
Tốc độ phát triển chóng mặt của AI cũng khiến những người tạo ra nó cảm thấy dè chừng, “Bố già của AI” - Geoffrey Hinton rời Google để bày tỏ mối lo ngại của mình về sự nguy hiểm của thông tin sai lệch.
Lời cảnh báo của ông rằng chatbot có thể bị khai thác bởi những kẻ xấu. Toby Walsh, nhà khoa học trưởng tại Viện AI của Đại học New South Wales khuyên rằng người dùng nên đặt ra những nghi vấn đối với những luồng thông tin trên mạng xã hội vì rất có thể đó là tin giả (fake news).
Trách nhiệm của báo chí đối với việc AI ngày càng phát triển
Đối với công chúng, thông tin sai lệch, dù là do AI hay do con người tạo ra, có thể khó phát hiện.
Mặc dù việc thao túng thông tin không phải là tình trạng mới diễn ra, nhưng mạng xã hội chắc chắn đã làm gia tăng sự phổ biến của thông tin sai lệch, thuyết âm mưu và tin tức giả mạo.
Bản chất lan truyền của Facebook, Twitter và các nền tảng khác đã tạo điều kiện cho những câu chuyện không có căn cứ lan truyền với tốc độ đáng báo động.
Số lượng ngày càng tăng của các nhà báo tự xưng và các nguồn thông tin trực tuyến gây áp lực lên các phương tiện truyền thông chính thống. Các trang báo chính thống đang phải nỗ lực chứng minh rằng các nguồn thông tin của họ là chính xác 100%.
Điều quan trọng là công chúng có thể nhận ra các cơ quan truyền thông đáng tin cậy. Đối tác của Newsback, Tổ chức Sáng kiến Tin cậy Báo chí (JTI) đã phát triển một tiêu chuẩn để các cơ quan truyền thông chính thống phân biệt mình với vô số các nguồn thông tin trên mạng xã hội.
Điều này đòi hỏi một quá trình gồm ba bước:
1. Tự đánh giá nội bộ các chính sách báo chí
2. Công khai đánh giá đó trong một báo cáo minh bạch
3. Có dấu xác minh thông tin từ một cơ quan có thẩm quyền
AI và Báo chí: Công nghệ không chỉ là vấn đề
Ngoài việc có thể xác định phương tiện truyền thông đáng tin cậy, các trang báo chính thống còn là tuyến phòng thủ đầu tiên để chống lại tin giả, tin sai sự thật.
Số lượng các nhà báo chuyên kiểm tra và đưa tin cảnh báo về các thông tin sai sự thật đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Hầu hết các tổ chức báo chính thống cũng đang đầu tư vào các dịch vụ xác minh thông tin.
Ví dụ, BBC triển khai các công cụ kiểm tra tính xác thực và thúc đẩy thảo luận trên toàn cầu về cách các tổ chức truyền thông có thể sử dụng công nghệ để đảm bảo tính xác thực của nội dung và phát hiện thông tin sai lệch.
Loại bỏ thông tin sai sự thật
Việc loại bỏ hoàn toàn các thông tin sai sự thật là một nhiệm vụ hết sức khó khăn do mức độ phức tạp ngày càng tăng của những kẻ lan truyền thông tin sai lệch. Tốc độ phát triển của AI thật đáng kinh ngạc và làm trầm trọng thêm vấn đề.
Điều này, cùng với vai trò của mạng xã hội trong việc truyền bá tin giả, đã vẽ nên một bức tranh tiêu cực về công nghệ. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là mặc dù công nghệ đã cho phép lan truyền thông tin sai lệch như virus, nhưng nó cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nó.
Theo Open Access Government