WhistleOut, trang web chuyên so sánh các gói cước di động, viễn thông để giúp người dùng có lựa chọn phù hợp, vừa thực hiện một cuộc khảo sát về thời gian sử dụng smartphone của con người trong thời đại công nghệ hiện nay.
Những người tham gia khảo sát của WhistleOut thuộc nhiều thế hệ khác nhau, bao gồm những người thuộc Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (Baby Boomers, sinh ra trong giai đoạn từ 1946 đến 1964), những người thuộc Thế hệ X (sinh trong giai đoạn 1965 đến 1980) và những người thuộc Thế hệ Millennials (sinh ra trong giai đoạn từ 1981 đến 1996).
Trung bình mỗi người sẽ dành ra 9 năm trong đời để sử dụng smartphone (Ảnh minh họa) |
Kết quả khảo sát của WhistleOut cho thấy, không quá ngạc nhiên khi những người thuộc thế hệ Millennials dành nhiều thời gian nhất cho việc sử dụng smartphone, với tổng thời gian trung bình 3,7 giờ mỗi ngày. Những người thuộc thế hệ X xếp ở vị trí thứ 2 với khoảng 3 giờ sử dụng smartphone mỗi ngày và những người thuộc thế hệ Baby Boomers chỉ dành khoảng 2,5 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng smartphone.
WhistleOut rút ra kết luận rằng, trung bình mỗi người sẽ mất 3,07 giờ để sử dụng smartphone và độ tuổi trung bình sở hữu smartphone là khoảng 10 tuổi, trung bình mỗi người sẽ dành ra 8,74 năm trong cuộc đời để “dính” vào chiếc smartphone của họ.
Theo Báo cáo Tổng quan Thống kê Y tế thế giới năm 2019 của WHO, tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới là 72 tuổi, nghĩa là trung bình mỗi người sẽ mất khoảng 1/8 cuộc đời cho việc sử dụng smartphone. Trong khi đó, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2019 là 73,6 tuổi; với tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi.
Khảo sát của WhistleOut chỉ mang tính tham khảo và việc dành nhiều thời gian để sử dụng smartphone không đồng nghĩa với việc đó là khoảng thời gian mà người dùng lãng phí trong đời mình. Nhiều người vẫn có thể sử dụng smartphone để phục vụ công việc hoặc sử dụng smartphone để chơi game, giải trí và “nạp năng lượng” sau thời gian làm việc mệt mỏi.
Theo Dân trí