Mỗi năm Việt Nam vay 4-5 tỷ USD từ nước ngoài

Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2015 dự kiến khoảng 16,1%. 10 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam vay nợ từ 4-5 tỷ USD từ nước ngoài.
Ngân sách mỗi năm phải vay từ 4-5 tỷ USD từ nước ngoài
Ngân sách mỗi năm phải vay từ 4-5 tỷ USD từ nước ngoài

Câu chuyện thu ít, chi nhiều, lấy tiền đâu trả nợ và lo lắng mức chi trả nợ vượt ngưỡng cho phép… một lần nữa lại được báo chí đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính tại cuộc họp chiều 14/5 về tình hình nợ công.

Vay nợ 4-5 tỷ USD/năm

Theo ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2014 khối lượng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội huy động được 628,8 nghìn tỷ đồng, trên 98% vốn vay đã được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng.

Trước những lo lắng tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đang vượt ngưỡng 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, thậm chí lên tới 31%, ông Long khẳng định, tỷ lệ này vài năm trở lại đây luôn trong giới hạn “trần” cho phép. Như  năm 2013 tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách là 15,2%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến là 16,1%.

Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phân trần, con số tỷ lệ trả nợ 31% có thể là bao gồm cả số vay về cho vay lại (hiện chiếm khoảng 40%). Sau khi vay về các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư… có trách nhiệm trả nợ, chứ đây không phải nghĩa vụ trả nợ trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước.

“Hiện nay chúng ta đang thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ, nợ đến hạn là trả chứ không để xảy ra tình trạng chậm trả. Hiện vay nợ nước ngoài đang được dàn đều ở các kỳ hạn khác nhau, nên có thời điểm “dồn” trả nợ, nên tỷ lệ chi trả có thể cao hơn so với các năm trước, nhưng vẫn trong ngưỡng cho phép”- ông Long nhấn mạnh và tiết lộ, 10 năm trở lại đây mỗi năm Việt Nam vay khoảng 4-5 tỷ USD từ nước ngoài. Trong cơ cấu nợ Chính phủ hiện nay, khoảng 80% chi trả bằng đồng VND và 20% bằng đồng USD.

Thu hẹp nợ bảo lãnh Chính phủ

Tuy nhiên, nhìn vào các khoản nợ công hiện tại lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh. Cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn.

Đồng thời, công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương gây khó khăn trong công tác giám sát chi tiêu an toàn nợ công. Việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công…

Vì thế, theo nội dung Chỉ thị 02 ngày 14/2 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép.

Nghị định mới cũng yêu cầu phải khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ thời gian tới sẽ được quản chặt theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc đảm bảo trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại; giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Theo Infonet