Mối duyên với 2 'kỳ lân' Việt Nam của 'cha đẻ' Unikey Phạm Kim Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Phạm Kim Long được xem là người mở đường tư duy cùng nhau tương trợ để phát triển trong giới công nghệ. Rời VNG sau 8 năm gắn bó, 'cha đẻ' phần mềm Unikey đã đầu quân cho một 'kỳ lân' khác: MoMo.
Ông Phạm Kim Long hiện làm việc tại Momo (Ảnh: Momo)
Ông Phạm Kim Long hiện làm việc tại Momo (Ảnh: Momo)

Bộ gõ tiếng Việt Unikey đã trở thành một phần không thể thiếu với hàng triệu người dùng máy tính Việt Nam. Còn với Phạm Kim Long, ông tiếp tục làm một 'hiệp sĩ hào hiệp' trong làng công nghệ khi tặng miễn phí Apple bộ gõ trên Iphone và các thiết bị của Apple.

'Cha đẻ' Unikey khá kín tiếng với truyền thông. Sinh năm 1973, ông Phạm Kim Long từng học lớp chuyên toán trường Hà Nội – Amsterdam. Sau đó, ông trở thành sinh viên khoa Toán Tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 1991– 1996. Ông tốt nghiệp loại giỏi với đề tài "Quản lý hệ thống thông tin môi trường với các công cụ của Oracle".

'Bộ gõ quốc dân' Unikey

UniKey được ông Long ấp ủ từ năm 1994 (với tên gọi TVNBK) khi ngôn ngữ lập trình Assembly còn phổ biến, ra đời sau một cuộc thách đố nho nhỏ giữa những chàng sinh viên đại học Bách Khoa: thi viết bộ gõ tiếng Việt trên DOS nhẹ nhất. Kết quả là một ứng dụng ra đời với dung lượng chỉ nặng 2Kb.

Thời điểm năm 1994 khái niệm công nghệ thông tin ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Sau đó hệ điều hành Windows ra đời và tới năm 1997, internet mới vào Việt Nam. Khi đó, dùng dây cắm điện thoại bàn để vào mạng rất tốn kém. Ứng dụng hay phần mềm càng có dung lượng thấp thì càng tốt.

Và bộ gõ tiếng Việt trên DOS nặng 2 KB ra đời lúc bấy giờ chính là tiền thân của bộ gõ Unikey cực kỳ thành công sau này.

Tốt nghiệp Bách Khoa với tấm bằng loại giỏi, Phạm Kim Long sang cộng hoà Sec làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kĩ thuật Praha. Cuộc sống xa nhà nhiều khó khăn và lịch học dày đặc đã khiến Long chỉ có thể dành thời gian rảnh phát triển bộ gõ trên Windows mang tên “LittleVnKey” nhưng chỉ để dùng cá nhân và dành tặng một số bạn bè sử dụng. Bộ gõ này vẫn chưa hỗ trợ Unicode.

Năm 2000, khi Microsoft bắt đầu trang bị bộ giải mã ngôn ngữ Unicode cho Windows, nhu cầu về một bộ gõ tiếng Việt hoàn chỉnh đã thách thức cộng đồng IT trong nước. Phần mềm duy nhất thời điểm đó Vietkey không được cung cấp miễn phí. Thời điểm đó, ông Long đang thực hiện làm luận án và không nghĩ ra đề tài nên đã lên Diễn đàn tin học VNN (tiền thân của Vietnamnet) để tìm thông tin.

Ở đó, các thành viên đang quan tâm đến việc Windows hỗ trợ Unicode tiếng Việt. Đặc biệt, có rất nhiều câu hỏi về cách crack Vietkey để có thể dùng miễn phí. Vì vậy, ông đã nối lại việc hoàn thiện bộ gõ Việt.

Chỉ sau ba ngày vừa thiết kế và vừa mã hoá, Kim Long đã cho ra mắt chương trình hỗ trợ Unicode đầu tiên của mình trên các diễn đàn. Để hoàn thiện phần mềm lại là một chặng đường rất dài từ sản phẩm sơ khai.

"Cha đẻ" Unikey đã nhận được rất nhiều góp ý bổ sung, cả khen và chê. Tất cả những góp ý – kể cả góp ý tiêu cực cũng được ông ghi nhận. Ông thậm chí đã email để cảm ơn toàn bộ những đóng góp từ mọi người.

Cuối năm 2000, Phạm Kim Long lần đầu tiên giới thiệu phiên bản Unikey hoàn chỉnh hỗ trợ UniCode.

Một năm từ ngày công bố, Unikey đã đạt được dấu ấn nhất định trong làng công nghệ Việt và khi trở thành một phần không thể thiếu trên hầu hết các máy tính bàn có mặt tại Việt Nam, Phạm Kim Long đã công bố mã nguồn mở Unikey. Đây là một hành động khiến cho ông phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích từ những người đang kinh doanh thương mại hoá các phần mềm.

Năm 2006, Apple đã liên hệ với Phạm Kim Long để được quyền tích hợp lõi Unikey lên tất cả sản phẩm macOS và iOS của mình. Nhờ vậy ngày nay, người dùng có thể sử dụng tiếng Việt trên iPhone, iPad, Mac hay MacBook.

Mối duyên với 2 'kỳ lân' Việt Nam

Hồi hương sau 10 năm học tập và làm việc tại Cộng hòa Séc, ông Phạm Kim Long đã đầu quân cho nhiều doanh nghiệp công nghệ danh tiếng, kể như: IBM Việt Nam, FPT Telecom và VNG (Giám đốc Zalo AI).

Sau 8 năm gắn bó với VNG, đầu năm 2022, ông Phạm Kim Long đã đầu quân cho Momo – làm việc trong AI Committee (Hội đồng AI), giữ vị trí Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển AI, phụ trách các nhóm nghiên cứu công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính.

Nói về chặng đường mới tại MoMo, chia sẻ với Người đồng hành hồi tháng 5/2022, ông Long cho biết: “Lĩnh vực fintech hoàn toàn mới với tôi. Điểm hấp dẫn ở MoMo là dịch vụ gắn đa dạng với đời sống của con người".

Về thành tựu trong sự nghiệp phát triển các ứng dụng phần mềm, sau UniKey, Phạm Kim Long cùng với các cộng sự tại VNG còn cho ra mắt Laban Key. Đây là một ứng dụng trên thiết bị di động, để nhập tiếng Việt, dựa trên mã nguồn mở của phần mềm UniKey.

Ra mắt năm 2013, ứng dụng này liên tục lọt top các tiện ích tải nhiều nhất trên Google Play Store với 500.000 người dùng (thời điểm tháng 3/2014), được cung cấp miễn phí. Phần mềm dùng trên smartphone và máy tính bảng, có giao diện dễ sử dụng – kế thừa từ cách thiết kế của Unikey.

Tầm nhìn của ông Long dành cho ứng dụng này đó là Laban Key cũng có được vị trí trên thiết bị di động như Unikey trên máy tính để bàn.

Trong suốt hành trình sự nghiệp của mình, kể từ khi bắt đầu với Unikey, "cha đẻ" bộ gõ quốc dân luôn hướng đến những sản phẩm phục vụ cộng đồng, với tư duy hỗ trợ để cùng phát triển ngành công nghệ Việt Nam./.