Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa đăng ký bán đấu giá 56,9 triệu cổ phần, tương đương 98% vốn điều lệ của Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam – CTCP (Viwaseen – Mã CK: VIW).
Theo đó, mức giá khởi điểm SCIC đưa ra cho cả lô cổ phiếu VIW nêu trên là 1.348,7 tỉ đồng, tương đương 23.700 đồng/cp.
Lưu ý, trong giai đoạn 2018 – 2021, doanh thu thuần của Viwaseen có chiều hướng đi xuống, với tỉ suất lợi nhuận rất mỏng, dao động từ 1-2%.
Trong nửa đầu năm 2022, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 423,8 tỉ đồng (tăng 35,7% so với cùng kỳ) và báo lỗ sau thuế 0,37 tỉ đồng (cùng kỳ năm trước báo lỗ 10,3 tỉ đồng).
|
Viwaseen tiền thân là Công ty xây dựng cấp thoát nước, được thành lập vào tháng 11/2005 trên cơ sở tổ chức lại 3 công ty độc lập trực thuộc Bộ Xây dựng là Waseenco, Waseco và Wase. Cổ phiếu VIW của doanh nghiệp này được niêm yết trên sàn UPCoM vào năm 2018.
Lĩnh vực hoạt động chính của Viwaseen là xây lắp và sản xuất nước thô, nước sạch. Tuy nhiên, công ty này còn có những khoản đầu tư đáng lưu ý vào lĩnh vực bất động sản, cho thuê văn phòng và quản lý toà nhà.
Mối duyên Viwaseen – Tiến Đại Phát
Tháng 9/2014, Viwaseen ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Tiến Đại Phát (Tiến Đại Phát) để thực hiện dự án Tổ hợp Nhà ở chung cư để bán kết hợp văn phòng cho thuê Viwaseen – Hạ Đình (tên thương mại là Viwaseen Complex) tại phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến là 704 tỉ đồng. Trong đó, Viwaseen góp vốn bằng quyền thuê đất và các chi phí đã chi ra, trong khi Tiến Đại Phát góp vốn bằng tiền để triển khai dự án.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Tiến Đại Phát được thành lập từ tháng 3/2001, do ông Ngô Tiến Cương (SN 1972) làm Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) kiêm người đại diện theo pháp luật.
Cập nhật đến tháng 12/2019, công ty này có quy mô vốn điều lệ 1.100 tỉ đồng. Trong đó, Chủ tịch HĐTV Ngô Tiến Cương góp 1.078 tỉ đồng, chiếm 98% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của Tiến Đại Phát được chia đều cho 2 thể nhân khác, là ông Lương Mạnh Hiếu (SN 1986) và bà Quách Thị Thiết (SN 1984).
|
Bên cạnh lĩnh vực bất động sản, Tiến Đại Phát còn hoạt động trong các lĩnh vực như: đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, công trình xây dựng; thiết bị y tế; thiết bị cơ khí – dạy nghề.
Liên danh Tiến Đại Phát – CTCP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân – CTCP Đầu tư và xuất nhập khẩu Bình Minh (Liên danh Tiến Đại Phát – Phú Xuân – Bình Minh) là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 1.709 tỉ đồng.
Để triển khai dự án này, Tiến Đại Phát, Phú Xuân và Bình Minh đã thành lập CTCP BOT cầu Thái Hà (Mã CK: BOT) với vốn góp ban đầu 245 tỉ đồng.
Tính đến ngày 15/1/2019, BOT đã tăng vốn lên 400 tỉ đồng. Trong đó, Tiến Đại Phát nắm giữ 23,79 triệu cổ phần, chiếm 59,48% vốn điều lệ.
Cập nhật tới ngày 30/6/2022, tỉ lệ sở hữu của Tiến Đại Phát tại BOT giảm xuống chỉ còn 40,2% vốn điều lệ. Dù vậy, nhóm này vẫn được xem như có tiếng nói lớn nhất ở doanh nghiệp dự án BOT cầu Thái Hà với việc ông Ngô Tiến Cương đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT BOT. Cùng với đó, Tiến Đại Phát cũng là một trong những chủ nợ của BOT với số dư cho vay ngắn hạn tại thời điểm cuối quý 2/2022 đạt 29,8 tỉ đồng.
Tiến Đại Phát còn liên danh với CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư xây dựng Hải Thạch – CTCP Bê tông Hà Thanh – Tổng Công ty xây dựng Hoàng Long để tham gia sơ tuyển Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Ngoài mối hợp tác với Tiến Đại Phát, Viwaseen còn là cổ đông lớn, nắm giữ 24,9% cổ phần CTCP Bất động sản Dầu khí Petrowaco (Petrowaco Land). Doanh nghiệp này là chủ đầu tư Dự án Đầu tư Xây dựng lại khu tập thể số 59, 63 Huỳnh Thúc Kháng; Dự án chung cư C1 Thành Công; Dự án Chung cư 97 - 99 Láng Hạ và Dự án khu nhà ở Dầu khí Tân Thành - Bà Rịa Vũng Tàu./.