|
Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo quốc tế “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.”
Hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về tiền di động, kinh nghiệm triển khai, bài học rút ra từ việc cung cấp dịch vụ tiền di động của một số nước trên thế giới; đưa ra một số khuyến nghị để Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số.
Tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money) là một dịch vụ hoàn toàn mới tại Việt Nam. Nếu Mobile Money được triển khai, người dân có thể chuyển tiền, thanh toán cũng như nhận tiền thông qua tài khoản của điện thoại di động.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nếu cấp phép thử nghiệm Mobile Money trong năm 2019, Việt Nam là nước thứ 91 có nền tảng thanh toán Mobile Money.
Hết 2018, thế giới đã có 90 nước chấp nhận Mobile Money, gần 900 triệu người dùng, giao dịch mỗi ngày là 1,3 tỷ USD, tăng trưởng 20%; riêng châu Á tăng trưởng 31%. Có nhiều nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money tới trên 50%.
“Chúng ta đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đến đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán. Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo Bộ trưởng, Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; giúp người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận tới các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng Internet, như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội.
Mobile Money cũng sẽ thâm nhập thị trường nông thôn, số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp; kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật số, đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Mobile Money là một thí dụ thuyết phục về việc nhà mạng viễn thông có thể trở thành nền tảng của nhiều thứ, không chỉ là hạ tầng viễn thông như hàng trăm năm nay…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chủ đề: tổng quan về tiền di động; thách thức, quản trị rủi ro, các vấn đề pháp lý đối với tiền di động; trung gian thanh toán, các vấn đề về tiền di động ở Việt Nam; triển khai tiền di động tại một số nước, kinh nghiệm từ các nhà quản lý, doanh nghiệp quốc tế; giải pháp của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng thanh toán số tại Việt Nam.
Một dịch vụ được gọi là tiền di động nếu đáp ứng được các tiêu chí: Cung cấp khả năng chuyển tiền, thanh toán cũng như nhận tiền thông qua tài khoản của điện thoại di động. Có một mạng lưới các điểm giao dịch vật lý, bao gồm các đại lý, ngoài các chi nhánh ngân hàng và máy rút tiền tự động, cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ một cách rộng rãi tới tất cả người dân. Có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng không có tài khoản ngân hàng. Không bao gồm dịch vụ thanh toán thông qua thiết bị di động hay các dịch vụ thanh toán như Apple pay và Google Wallet mà sử dụng điện thoại di động như một kênh để truy cập dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Dịch vụ tiền di động được triển khai tại các quốc gia chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, sử dụng cách tiếp cận “thử và học hỏi,” ví dụ Kenya, Philippines, vừa cho triển khai dịch vụ, vừa hoàn thiện khung pháp lý. Cũng có những quốc gia cho phép cung cấp dịch vụ trên cơ sở hệ thống quy định pháp luật hiện có.
Nhiều đại biểu cho rằng dù theo cách tiếp cận nào, các nước đều hướng tới mục tiêu chung: hoàn thiện, thúc đẩy tài chính toàn diện, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về giới trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính chính thống trong khi vẫn bảo đảm các quy định về an toàn, bảo mật, phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố song song với bảo vệ người dùng.
Hội thảo diễn ra đến hết ngày 24/5./.