Mô hình phát triển “liều chết” và “từ tốn” nhìn từ Hàn Quốc và Malaysia

VietTimes--Các nước phát triển kinh tế và dân chủ hóa xã hội thành công đều theo những quy luật chung nhất định. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, tùy thuộc vào “bệnh án” (lịch sử) và “cơ địa” (truyền thống và bản sắc văn hóa), bối cảnh (vị trí địa chính trị, tài sản quốc gia, tài nguyên môi trường) và hoàn cảnh (tình hình khu vực và thế giới) cần phải tìm cho được một “toa thuốc” riêng cho mình. Sự thành công của Hàn Quốc và Malaysia là một bài học thú vị. 
Giờ đây Hàn Quốc là một cường quốc xe hơi
Giờ đây Hàn Quốc là một cường quốc xe hơi

Hàn Quốc với triết lý phát triển “liều chết”

Có lẽ không cần thiết phải nhắc lại nhiều về kỳ tích phát triển kinh tế của Hàn Quốc những năm 1960-2000. Một kỳ tích đã đi vào sách giáo khoa kinh tế của tất cả các trường đại học thế giới. Xin phép giới hạn một vài con số - cột mốc.

GDP (tính theo PPP) TB/người của Hàn Quốc đã nhảy vọt từ 100 USD năm 1963 lên mức 10.000 USD vào năm 1995 và 25.000 USD vào năm 2007. Năm 2017, theo báo cáo của IMF (Quĩ tiền tệ quốc tế), GDP danh nghĩa của Mỹ (thứ 1) là $19.362.129 tỷ, Trung Quốc (thứ 2) là $11.937.562 tỷ, Hàn Quốc là (thứ 11) $1529.743 tỷ và Nga (thứ 12) là $1469.341 tỷ. Đồng thời, cũng theo báo cáo của IMF, GDP (tính theo PPP) TB/người của Hàn Quốc là $39,778 (thứ 31).

Trụ sở khổng lồ của Hyundai bên cạnh cảng Ulsan
Trụ sở khổng lồ của Hyundai bên cạnh cảng Ulsan 

Đằng sau những thành tựu này là gi?

Thứ nhất, là Chủ trương phát triển kinh tế của Hàn Quốc dựa vào xuất khẩu cạnh tranh, nhờ giá thành thấp trong những năm 1960-1970. Chi phí sản xuất được cố tình hạ thấp đến mức tối thiểu, bằng cách toàn dân phải cam chịu gian khổ, tiêu dùng hết sức tiết kiệm, chính sách thắt lưng buộc bụng được áp dụng trên toàn quốc. Các sản phẩm xa xỉ như mỹ phẩm, auto cao cấp, quần áo thời trang, tivi màu ... bị hạn chế nhập khẩu ở mức tối đa.

Người dân làm việc nặng nhọc và triền miên, nhưng sống kham khổ. Hàng tuần mỗi người dân đều phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc ngoại nhập, không uống cà phê. Thời gian lao động phổ biến là 12-14 tiếng ngày. Điều kiện lao động kém nếu không nói là khá tồi tệ, lương rất thấp.

Thứ hai, các nguồn tài chính có được nhờ chính sách tiết kiệm đến mức kham khổ của người dân, lại được tái đầu tư vào sản xuất. Hàn Quốc lúc đó có tỷ lệ tích lũy tái đầu tư của người dân hiếm có trong lịch sử kinh tế thế giới.

Thứ ba, phong trào Saemaeul (còn gọi là Phong trào cộng đồng cư dân mới) của Chính phủ tập trung vào phát triển nông thôn Hàn Quốc. Bằng việc cấp cho họ cement sắt thép, Chính phủ động viên người nông dân cải tạo cơ sở hạ tầng trong làng xóm mình. Thông qua lao động công ích tự nguyện, không được trả lương.

Thứ tư, là tinh thần sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp phát triển đất nước của người Hàn Quốc. Mùa hè 1997, đồng bath Thái Lan sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ nhiều đồng tiền các nước Châu Á. Hệ thống ngân hàng Hàn Quốc mất thanh khoản vì nợ xấu tồn đọng. Khi các nhà đầu tư nước ngoài đột ngột thoái vốn hàng loạt, với tổng trị giá hơn $18 tỷ ra khỏi Hàn Quốc. Kinh tế Hàn Quốc bên bờ sụp đổ.

Để góp phần giải cứu đồng won, hàng chục ngàn người Hàn Quốc trong vòng 2 tuần, đã đi xếp hàng để gửi vào các ngân hàng tổng cộng gần $12 tỷ “tiền bỏ ống” mang từ nhà. Nhưng tình hình vẫn khó khăn.

Tháng 12/1997, IMF chấp thuận giải cứu và trao cho Hàn Quốc một gói tín dụng khổng lồ là $58 tỷ, Khoản tín dụng này, được trao kèm theo những điều kiện cải tổ kinh tế “cứng rắn và áp đặt” chưa từng có, rất tủi hổ cho Hàn Quốc.

Để trả nợ IMF, người Hàn Quốc đủ mọi thành phần đã xếp hàng rồng rắn hàng km, đứng chờ hiến tặng vàng gia bảo. Chỉ trong vòng 2 tháng, Chính phủ Hàn Quốc đã thu được 226 tấn vàng, tương đương với $2.2 tỷ. Số vàng này được đúc thành thỏi để giao cho IMF. Cuối cùng, tổng số tiền và vàng do người dân Hàn Quốc thu gom được, đóng góp để trả nợ IMF là gần $22 tỷ. Nhờ đó, Hàn Quốc đã trả hết món nợ $58 tỷ vào tháng 08/2001. Trước hạn gần 3 năm.

Mô hình phát triển Hàn Quốc là niềm mơ ước của nhiều thế hệ có học Việt Nam.
 Mô hình phát triển Hàn Quốc là niềm mơ ước của nhiều thế hệ có học Việt Nam.

Vì sao Hàn Quốc thành công?

Về tiến hóa văn hóa chính trị và thể chế, Hàn Quốc đã trải mọi cung bậc của kịch bản chuyển đổi tương đối êm thấm, từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ phát triển bền vững. Một trường hợp có thể nói là tiêu biểu và khá mẫu mực, bao gồm công nghiệp hóa thành công, GDP TB/người đạt mức trên dưới $10.000, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên dưới 60% và tầng lớp trung lưu chiếm ít nhất 30% dân số trưởng thành.

Theo xếp hạng của tạp chí The Economist ở Anh, chỉ số dân chủ (Index of Democracy) của Hàn Quốc là 8.00 và xếp hạng 20. Hàn Quốc hiện nay là một quốc gia đã tiệm cận sát “nhà nước có thể chế dân chủ đầy đủ”. Theo báo cáo Transparency International 2017, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Hàn Quốc là với 54 điểm, Hàn Quốc hiện xếp hạng thứ 51/180 quốc gia.

Sự thành công vượt bậc của Hàn Quốc trong phát triển kinh tế, được sự quan tâm nghiên cứu chăm chú của rất nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, chính trị và xã hội học trên toàn thế giới. Và mô hình phát triển Hàn Quốc là niềm mơ ước của nhiều thế hệ có học Việt Nam. Có rất nhiều cách lý giải khác nhau về sự thành công này. Xin phép điểm qua một vài nhận định chung nhất.

Hàn Quốc bắt buộc phải phát triển để đứng vững trước áp lực chính trị và quân sự đến từ phía Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc đã công nghiệp hóa thành công nhờ bàn tay sắt của nhà lãnh đạo “độc tài sáng suốt” Park Jung Hee. Một sự nghiệp dựa trên xuất khẩu hàng tiêu dùng giá thành thấp, nhờ nhân công lao động rẻ. Vì vậy, có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, tận dụng được tối đa cơ hội, do những khoảng trống thị trường và thời điểm thuận lợi những năm 1960-1980 mang lại, để “bám rễ” bền lâu vào thị trường thế giới. Tất cả đều có lý. Nhưng đó chỉ là những điều kiện cần.

Theo tôi, nguyên nhân chính và là những điều kiện đủ, trong sự phát triển liên tục thành công và bền vững của Hàn Quốc gần 60 năm qua, nằm ở chỗ, tất cả nhà lãnh đạo Hàn Quốc dù là dùng bàn tay “sắt”, hay bàn tay “nhung” đều có lòng yêu nước sâu xa. Có một sự am hiểu sâu sắc văn hóa và con người Hàn Quốc, thị trường thế giới và vị thế của Hàn Quốc.

Triều Tiên là một dân tộc thuần nhất trong toàn bộ lịch sử, ngoài một nhóm rất nhỏ người Hán ở Bắc Triều Tiên, ở Triều Tiên không có dân tộc thiểu số nào khác. Khổng Giáo và trong thế kỷ 20 thêm TCG Tin Lành, là những thuyết giáo độc thần có ảnh hưởng rất lớn ở Triều Tiên. Ngoài ra, người Triều Tiên còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phương pháp tư duy duy ý chí từ Trung Hoa. Nhưng khác với những người anh em Bắc Triều Tiên, người Hàn Quốc không “bắt vít” tư duy của mình vào một chủ thuyết cụ thể nào cả.

Ngược lại, họ luôn thực tế và nhiều khi thực dụng. Điều này, thứ nhất, thể hiện ở những chính sách hợp lý cho từng giai đoạn. Thông qua một chuỗi các kế hoạch 5 năm, có mục tiêu rõ ràng và được điều chỉnh liên tục, để phù hợp với tình hình thay đổi. Sự duy ý chí của người Hàn Quốc, chỉ thể hiện ở việc, người ta luôn bắt buộc các thành viên cộng đồng, bằng mọi giá thực hiện công việc mà họ đã nhận trước cộng đồng.

Thứ hai, tất cả nhà lãnh đạo Hàn Quốc luôn nhất quán trong việc biết động viên tối đa lòng tự tôn, ý thức tự chủ và tự cường dân tộc. Ý thức công chính trong mọi hành động. Cũng như tinh thần chịu đựng, hy sinh lợi ích cá nhân khi cần, cho tương lai Hàn Quốc. Họ đã thành công nhờ ý chí sắt đá và cả tấm gương cá nhân. Chẳng hạn, sau khi về hưu, ông Lô Vũ Huyền (Roh Moo-hyun) TT Hàn Quốc thứ 9 đã tự sát, khi biết chắc chắn, rằng việc vợ con ông đã nhận hối lộ trong thời kỳ ông làm tổng thống là có thật. Không chờ đến khi vợ con ông bị khởi tố.

Một Malaysia “từ tốn”

Một Malaysia “từ tốn” phát triển, không thua kém quá xa so với Hàn Quốc.
Một Malaysia “từ tốn” phát triển, không thua kém quá xa so với Hàn Quốc. 

Vào năm 1957, khi Liên Bang Malaysia ra đời, Malaysia có GDP (PPP) TB/người xấp xỉ $200. Trong 60 năm qua, kinh tế Malaysia phát triển bền vững liên tục, với tốc độ TB khoảng 6.5%/năm. Năm 2017, theo báo cáo của IMF, GDP (tính theo PPP) TB/người của Malaysia hiện nay là $30.330 (thứ 46). Nghĩa là một Malaysia “từ tốn” phát triển, không thua kém quá xa so với Hàn Quốc.

Một trong những nhân vật chính trị có nhiều đóng góp vào sự phát triển và để lại nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử Malaysia hiện đại là Mahathir Mohamad. Thời kỳ Mahathir Mohamad làm Thủ tướng (1981-2003) được đánh dấu bởi những cải cách kinh tế xã hội sâu rộng, những thành tựu kinh tế ấn tượng và những bước phát triển ngoạn mục của Malaysia về mọi phương diện. Kế hoạch “Tầm nhìn 2020” do ông vạch ra từ 1991, trong đó mục tiêu chính là Malaysia sẽ trở thành nước công nghiệp năm 2020, về cơ bản đã hoàn thành.

Ông cũng nổi tiếng về những phát ngôn đề cao “các giá trị Châu Á”, chống lại sự “toàn trị” của người Do Thái trên thế giới, ở nhiều Diễn đàn quốc tế khác nhau. Một điều ít nhà lãnh đạo quốc gia nào khác dám làm. Mahathir Mohamad cũng nổi tiếng độc tài, nhưng trong … khuôn khổ pháp luật giống Lý Quang Diệu. Vì vậy ông vẫn không bị tẩy chay và có uy tín quốc tế lớn. 

Mặt khác, tuy Mahathir Mohamad là người đề xướng chính sách ưu đãi người Mã Lai dân bản địa Malaysia, để cân bằng vị thế kinh tế của họ so với người Hoa (vào những năm 1970, người Hoa chiếm có 30% dân số, nhưng nắm tới hơn 70% kinh tế Malaysia). Và đã thực hiện một cách thẳng thừng khá thành công chính sách này. Nhưng ông vẫn được lòng dân, kể cả người Hoa vì tất cả được thực hiện trong … khuôn khổ pháp luật.

Có thể nói thành công của Mahathir Mohamad và các nhà lãnh đạo Malaysia khác là nhờ sự tiếp thu một nền văn hóa đa nguyên ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo, có nguồn gốc từ Vương triều Malacca (1402-1511). Nơi từng là một trung tâm văn hóa rất lớn, khởi nguyên của mô hình văn hóa Malaysia hiện đại: một sự pha trộn hài hòa của các yếu tố Mã Lai bản địa với các yếu tố Ấn Độ, Trung Hoa, Hồi giáo và sau này với cả Bồ Đào Nha – người thừa kế Vương triều Malacca.

Đồng thời, cũng nhờ sự kiên định kế thừa hệ thống pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật kiểu Anh, mà người Malaysia đã dần dần tiệm cận được văn hóa chính trị hiện đại. Chẳng hạn, năm 2017, theo đánh giá và xếp hạng của tạp chí The Economist Anh, chỉ số dân chủ (Index of Democracy) của Malaysia là 6.54 và xếp hạng 59. Malaysia được xếp loại “nhà nước dân chủ không hoàn chỉnh”.

Malaysia là nước công nghiệp phát triển, quốc gia với thể chế dân chủ đầy đủ
 Malaysia là nước công nghiệp phát triển, quốc gia với thể chế dân chủ đầy đủ

Nhìn chung, tuy một số nhà lãnh đạo Malaysia “vướng mắc” điều tiếng cá nhân về tham nhũng. Nhưng nhìn chung, tham nhũng ở Malaysia không bị vượt tầm kiểm soát. Theo báo cáo Transparency International 2017, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Malaysia là với 47 điểm, Malaysia hiện xếp hạng thứ 62/180 quốc gia.
Nghĩa là về những tiêu chí này, một Malaysia “từ tốn” phát triển,cũng không thua kém quá xa so với Hàn Quốc.

Bản thân việc thắng lợi thuyết phục và sự quay lại ngoạn mục của ông Mahathir Mohamad đã là một minh chứng sự trưởng thành của nền dân chủ Malaysia. Có cơ sở để tin rằng, ông Mahathir Mohamad và những người kế nhiệm ông trong vòng 10-15 năm, sẽ thành công trong việc biến Malaysia thành một nước công nghiệp phát triển, một quốc gia với thể chế dân chủ đầy đủ.

Như chúng ta thấy, việc phát triển kinh tế và dân chủ hóa xã hội thành công có một số qui luật khách quan. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, tùy thuộc vào “bệnh án” (lịch sử) và “cơ địa” (truyền thống và bản sắc văn hóa), bối cảnh (vị trí địa chính trị, tài sản quốc gia, tài nguyên môi trường) và hoàn cảnh (tình hình khu vực và thế giới) cần tìm được một toa thuốc riêng cho mình. Malaysia đã từng thử copy mô hình phát triển công nghiệp nặng của Hàn Quốc và đã thất bại.