Mở đường cho tổ chức tín dụng gia hạn trái phiếu VAMC

Tin vui cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đang nắm trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho phép kéo dài thời hạn tối đa trích lập dự phòng với trái phiếu VAMC từ 5 lên 10 năm.
Giao dịch tín dụng tại Ngân hàng Techcombank. Ảnh Thành Hoa
Giao dịch tín dụng tại Ngân hàng Techcombank. Ảnh Thành Hoa

Nội dung này nằm trong Thông tư 08 năm 2016, sửa đổi Thông tư 19 về việc mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC, được NHNN ban hành ngày 16-6, có hiệu lực từ ngày 1-8 tới.

Thông tư ghi: "Gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt (TPĐB) từ 5 năm lên tối đa không quá 10 năm. Các tổ chức tín dụng được đề nghị gia hạn thời hạn của TPĐB là tổ chức đang thực hiện phương án cơ cấu lại, gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt của VAMC dẫn đến chênh lệch thu chi trước thuế dự kiến của năm đề nghị gia hạn thời hạn TPĐB bị “âm”.

Tổ chức tín dụng muốn gia hạn phải lập hồ sơ đề nghị gửi NHNN.

Trước đây, các quy định về hoạt động của VAMC yêu cầu các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro 20% mỗi năm giá trị trái phiếu đặc biệt mà tổ chức đó đã bán nợ xấu cho VAMC, sau đó NHNN có nới lỏng điều kiện này lên 10 năm với một số tổ chức có “hoàn cảnh” đặc biệt được NHNN xem xét. Song nay, cơ quan này chính thức làm rõ và mở đường cho tất cả các tổ chức tín dụng có thể thực hiện việc này.

Điểm đáng lưu ý thứ hai, cũng là điểm mới của Thông tư, là “TCTD được NHNN chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không được chia cổ tức để tạo nguồn thu xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán”.

Đây là điểm sẽ tác động không nhỏ đến 41 tổ chức tín dụng trong nước đã bán nợ cho VAMC. Thông tin cập nhật mới nhất của chúng tôi cho biết, tính đến 30-4-2016, VAMC đã mua được 24.560 khoản nợ tại 41 TCTD, với tổng dư nợ gốc 244.682 tỉ đồng. Giá mua nợ là 209.236 tỉ đồng.

Và có nghĩa cổ đông ngân hàng còn phải đợi rất lâu nữa mới có thể được nhận cổ tức. Ví dụ trường hợp BIDV, ngân hàng này đã bán khoảng 20.000 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC tính đến nay, nếu không được gia hạn TPĐB mà phải trích lập dự phòng rủi ro với trái phiếu này theo quy định hiện hành trong 5 năm thì mỗi năm ngân hàng phải “cắt” từ lợi nhuận khoảng 4.000 tỉ đồng để trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu này (lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng trong năm 2015 là hơn 7.400 tỉ đồng). Còn nếu được gia hạn trích lập dự phòng rủi ro với trái phiếu VAMC từ 5 năm lên 10 năm thì cổ đông sẽ không được nhận cổ tức cho đến khi ngân hàng thanh toán hết số nợ trên. Đây thực sự là điều khó khăn với các ngân hàng và cổ đông.

Thông tư 08 của NHNN còn cho phép VAMC được điều chỉnh lãi suất áp dụng đối với từng khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB theo hướng “thông thoáng” hơn. Trước đây khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện mới được điều chỉnh lãi suất khoản nợ đã bán sang VAMC, nay VAMC được tự động điều chỉnh. Đây là sửa đổi nên làm vì về bản chất khoản nợ xấu đã bán sẽ được ưu tiên thu nợ gốc, do vậy nếu vẫn tiếp tục tính lãi chỉ gây thêm khó khăn cho việc xử lý nợ xấu khi số nợ lãi bị tăng lên thậm chí lớn hơn nhiều so nợ gốc.

Ngoài ra, VAMC cũng được xem xét giảm hoặc miễn tiền lãi quá hạn thanh toán phí tiền phạt vi phạm mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ, xem xét tái cơ cấu lại thời hạn khoản nợ dưới các hình thức điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ.

VAMC được bán nợ đã mua theo hình thức đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh hoặc thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ.

Trong trường hợp TPĐB chưa đến hạn thanh toán, VAMC được bán lại khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB cho tổ chức tín dụng đã bán khoản nợ đó cho VAMC theo nguyên tắc thỏa thuận về điều kiện và giá mua, bán nợ.

Về kỹ thuật, hàng năm trường hợp chênh lệch thu chi trước thuế thực tế của TCTD được NHNN chấp thuận cho phép gia hạn mà thời hạn TPĐB lớn hơn chênh lệch thu chi trước thuế dự kiến đã báo cáo NHNN, TCTD sử dụng tối đa phần chênh lệch giữa chênh lệch thu chi trước thuế thực tế và chênh lệch thu chi trước thuế dự phòng với TPĐB đã được gia hạn ngay trong năm đó cho đến khi số tiền dự phòng đối với TPĐB sau khi được trích lập bổ sung bằng số tiền dự phòng phải trích lập đối với TPĐC khi tính theo thời gian gốc.

TCTD được quyết định việc sử dụng phần chênh lệch còn lại sau khi trích lập bổ sung theo quy định trên để trích lập bổ sung dự phòng với TPĐB được gia hạn hoặc ghi nhận chênh lệch thu chi trước thuế.

Theo TBKTSG