Misa tăng trưởng nhanh nhờ giải pháp chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Được sáng lập từ cuối năm 1994, Chủ tịch Lữ Thành Long (SN 1972) đã phát triển thương hiệu Misa vươn tầm thế giới, xuất hiện tại 16 quốc gia. Doanh nghiệp nổi danh với phần mềm kế toán cùng tên này tăng trưởng mạnh nhiều năm gần đây nhờ cung cấp đa dạng các giải pháp chuyển đổi số.
Ông Lữ Thành Long - Chủ tịch HĐQT Misa (Nguồn: Misa)
Ông Lữ Thành Long - Chủ tịch HĐQT Misa (Nguồn: Misa)

Misa được sáng lập bởi ai?

Trong ngành công nghệ thông tin (CNTT), nhắc đến “người khổng lồ công nghệ” chắc hẳn nhiều người sẽ không còn xa lạ với ông Lữ Thành Long – Chủ tịch HĐQT CTCP Misa (Misa).

Theo tìm hiểu của VietTimes, từ cuối năm 1994, ông Lữ Thành Long (SN 1972) cùng người bạn đồng chí hướng là ông Nguyễn Xuân Hoàng (SN 1974) đã thành lập MISA Group – tiền thân của MISA, với khát vọng tạo ra những phần mềm hữu ích.

Phải đến ngày 22/4/2002, MISA mới chính thức được thành lập, trụ sở chính hiện đặt tại tầng 9 tòa nhà Technosoft, Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Đinh Thị Thúy (SN 1976).

Trải qua nhiều thăng trầm, MISA dần xác lập được vị trí trong làng công nghệ Việt. Hiện MISA đã phát triển với quy mô hơn 2000 nhân sự, có 5 văn phòng đại diện trên toàn quốc.

Lan tỏa các giải pháp chuyển đổi số

Từ hai bàn tay trắng, ông Long và các đồng sự đã xây dựng và phát triển thương hiệu Misa vươn tầm thế giới. Trong đó, lĩnh vực nòng cốt là cung cấp là các phần mềm quản lý cho các cơ quan, nhà nước, doanh nghiệp ở lĩnh vực quản lý công và quản trị doanh nghiệp.

Theo giới thiệu, Misa đã xuất hiện tại 16 quốc gia, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho hơn 70.000 đơn vị hành chính sự nghiệp, 150.000 doanh nghiệp và gần 2 triệu hộ cá thể và cá nhân.

Không chỉ phục vụ các doanh nghiệp, được biết, Misa cũng cung cấp các giải pháp nhằm đóng góp vào công cuộc xây dựng Chính phủ số. Hiện các nền tảng, dịch vụ của đơn vị này đang phục vụ hơn 70% đơn vị hành chính sự nghiệp, xã/phường trên toàn quốc, và có đóng góp không nhỏ trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Đại diện Misa cho biết, các sản phẩm của Misa hiện nay phát triển theo hướng các nền tảng – tức là tích hợp nhiều nghiệp vụ trên một hệ thống hợp nhất. Nền tảng giúp tổ chức, doanh nghiệp liên thông các nghiệp vụ nội bộ, đồng thời mở kết nối với các bên thứ ba như ngân hàng, thuế, bảo hiểm xã hội, cổng thanh toán trực tuyến… tạo thành hệ sinh thái thuận tiện cho người dùng. Có thể kể đến như nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMISA đã có đến 12.000 doanh nghiệp ứng dụng; hay nền tảng về quản lý trường học MISA QLTH đang triển khai tại 18.000 trường học và hàng trăm đơn vị quản lý giáo dục.

Theo thông tin từ MISA, các sản phẩm, nền tảng của công ty đều được phát triển dựa trên các công nghệ số như Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud)… để giúp các tổ chức, doanh nghiệp không chỉ vận hành tối ưu trên môi trường số mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.