Không phải Bphone, Bkav vẫn sống nhờ phần mềm diệt virus

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tự hào với điện thoại thông minh mang thương hiệu Bphone, Bkav của Chủ tịch Nguyễn Tử Quảng từ lâu đã khẳng định vị thế trong vai trò nhà phát triển và cung cấp các sản phẩm khác như phần mềm diệt virus và nhà thông minh.
Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng. (Nguồn: Bkav)
Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng. (Nguồn: Bkav)

Nhiều năm nay, CTCP Bkav (Bkav) được biết tới là một công ty công nghệ uy tín, hoạt động trong các lĩnh vực an ninh mạng, phần mềm, khởi đầu từ những phiên bản phần mềm diệt virus đầu tiên chạy trên nền MS-DOS.

Tháng 4/2003, Bkav chính thức được thành lập, trụ sở chính hiện đặt tại tầng 2, tòa nhà HH1 – Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Tử Quảng, còn Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Lê Thanh Nam (SN 1979) đảm nhiệm.

Sau những thành công bước đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, tới tháng 5/2015, Bkav chính thức ra mắt chiếc điện thoại thông minh mang thương hiệu Bphone được chính doanh nghiệp này thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi ra mắt chiếc điện thoại này, kết quả kinh doanh của Bkav từng suy giảm sâu, cả về doanh thu cũng như lợi nhuận.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2010-2014, doanh thu thuần của Bkav liên tục tăng trưởng, từ 61,3 tỷ đồng năm 2010 lên 202,74 tỷ đồng năm 2014, cùng đó là khoản lợi nhuận trước thuế đạt vài tỷ cho đến vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Sang đến năm 2015, doanh thu và lợi nhuận của Bkav bắt đầu sụt giảm. Thậm chí công ty này còn báo lỗ trước thuế 5,3 tỷ đồng vào năm 2016.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Bkav bắt đầu tăng trưởng trở lại từ năm 2017. Đến năm 2019, doanh thu thuần của Bkav đạt 208,9 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; lợi nhuận trước thuế ở mức 10,7 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Bkav đạt 417,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 267,9 tỷ đồng.

Lãi “khủng” từ phần mềm diệt virus

Trước Bphone, Bkav vốn chủ yếu được biết đến với phần mềm diệt virus mang thương hiệu cùng tên. Mặc dù được nghiên cứu và phát triển ngay từ khi thành lập, nhưng đến tháng 3/2018, Bkav mới bắt đầu tách riêng mảng kinh doanh này và thành lập công ty con là CTCP Phần mền diệt virus Bkav (Bkav Anti Virus).

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, trong đó Bkav góp 48 tỷ đồng, sở hữu 96% vốn. Phần vốn còn lại được chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là ông Vũ Ngọc Sơn và bà Lại Thu Hằng, mỗi người nắm giữ 2% vốn.

Cập nhật đến ngày 30/6/2020, Bkav Anti Virus có vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Vũ Ngọc Sơn (SN 1980) đảm nhiệm.

Về kết quả kinh doanh, năm 2018 và 2019, doanh thu thuần của Bkav Anti Virus lần lượt đạt 104,8 tỷ đồng và 104,7 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế lần lượt ở mức 67,4 tỷ đồng và 53,4 tỷ đồng. Có thể thấy, tỷ suất lợi nhuận của Bkav Anti Virus là quá ấn tượng, khi mà với mỗi 2 đồng doanh thu bán hàng, công ty của ông Quảng "nổ" lại bỏ túi hơn 1 đồng lợi nhuận.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Bkav Anti Virus đạt 168,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 120,2 tỷ đồng.

Ngoài các sản phẩm và dịch vụ công nghệ kể trên, Bkav còn nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhà thông minh với tên gọi Bkav SmartHome. Năm 2014, sản phẩm nhà thông minh được Bkav đưa ra thị trường, bắt đầu từ các biệt thự lớn.

Năm 2018, Bkav SmartHome tuyên bố đã có mặt trong hơn 10.000 căn hộ từ chung cư đến biệt thự hạng sang. Con số này giúp SmartHome của Bkav chiếm khoảng 90% thị phần ở phân khúc cao cấp và khoảng 80% ở phân khúc thấp hơn.

Tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Bkav SmartHome liên tục báo lỗ. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Bkav SmartHome lần lượt đạt 20 tỷ đồng và 25,9 tỷ đồng; lỗ trước thuế lần lượt ở mức 678 triệu đồng và 670 triệu đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của Bkav SmartHome đạt 31,7 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm trước; lỗ trước thuế ở mức 500 triệu đồng, trong khi năm 2018 cũng báo lỗ 1,23 tỷ đồng./.