Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công nghiệp khai khoáng của Việt Nam, bao gồm cả than đá và dầu khí, đóng góp lớn cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, ngành khai khoáng vẫn bị cho là lãng phí tài nguyên, hiệu quả đóng góp kinh tế thấp, gây nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản, cho biết, nhiều địa phương có tới 200 giấy phép khai thác nhưng số thu từ thuế tài nguyên không đạt bốn tỷ đồng, số thu này thậm chí không đủ chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khai khoáng tại địa phương.
Nguy cơ thất thoát ngân sách từ khai thác khoáng sản cũng rất lớn, đặc biệt khi những nguồn thu quan trọng như thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu hay phí bảo vệ môi trường được thu dựa trên số liệu khai báo của doanh nghiệp. Bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh khoáng sản cho biết, theo đánh giá, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương cùng nhiều loại khoáng sản khác có sản lượng lớn. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một nghịch lý, dù sản lượng lớn nhưng đóng góp cho ngân sách từ khai khoáng còn thấp. Theo thống kê, số thu thuế tài nguyên (khoản thu chính và đặc thù trong khai thác khoáng sản) chỉ chiếm 0,9 - 1,1% ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 – 2013.
“Số thu thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng hạn chế trong thu ngân sách, chưa tương xứng với mức độ khai thác, chi phí quản lý cũng như các ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, môi trường và xã hội”, bà Thủy nhấn mạnh.
Một trong những điều khiến các chuyên gia lo ngại, nhiều loại khoáng sản sẽ bị cạn kiệt trong tương lai gần như dầu khí chỉ còn 56 năm khai thác, vàng còn 21 năm, đồng còn 35 năm… Vì vậy, cần phải có cách thức quản lý và khai thác khoáng sản hiệu quả, chống thất thoát nguồn tài nguyên hữu hạn này.
“Đã đến lúc Việt Nam cần xem xét nghiêm túc việc tham gia Sáng kiến minh bạch trong Công nghiệp Khai thác (EITI). Việc thực thi EITI sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thu ngân sách, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo bình đẳng hơn giữa các DN; tạo môi trường đầu tư cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ khai thác khoáng sản”, bà Thủy nhấn mạnh.
Hiện đã có 48 quốc gia tham gia EITI, hơn 80 công ty dầu khí và khoáng sản hàng đầu thế giới, hơn 90 tổ chức tài chính và hơn 400 tổ chức xã hội dân sự trên thế giới ủng hộ và tham gia EITI. Trong khu vực có Đông Timor, Indonesia, Philippines, Myanmar đã tham gia EITI.
Thực thi EITI đã tránh thất thu 1 tỷ USD hàng năm cho ngân sách Nigeria.
Theo: VnMedia