Microsoft đổi tên mảng đầu tư mạo hiểm Ventures thành M12

Microsoft Ventures chính thức mang cái tên mới, M12, với M có nghĩa Microsoft và 12 là số chữ cái của từ 'entrepreneur' - khởi nghiệp.

Logo của M12 (Nguồn: BI)

M12, cánh tay trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của Microsoft được thành lập cách đây hai năm, với 50 dự án đầu tư vào các startup. Nagraj Kashyap, Giám đốc của M12 cho biết cơ cấu tổ chức của bộ máy này không có gì thay đổi, với hơn 20 nhân sự, làm việc tại 4 văn phòng toàn cầu, cùng danh sách các startup được đầu tư chủ yếu nằm trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp. "Chúng tôi không hề che giấu mối liên hệ với Microsoft thông qua việc đổi tên. Chúng tôi đang củng cố thương hiệu đó," Kashyap chia sẻ "bằng việc chọn lựa chữ cái M đứng trước và tô đậm".

Nagraj Kashyap, Giám đốc M12 (Nguồn: BI)

Những bước đi đầu tiên của Microsoft Ventures bắt đầu từ năm 2013, và là cái tên bao trùm cho tất cả các chương trình hỗ trợ và hướng dẫn startup mà Microsoft triển khai. Mặc dù có mang tên Ventures, nhưng hầu như chẳng có hoạt động kinh doanh mạo hiểm nào, ngoài phần đầu tư cho các chương trình quy mô nhỏ đó. Cho đến khi Nagraj Kashyap rời bỏ vị trí tại Qualcomm Ventures để gia nhập Microsoft vào năm 2016, người đàn ông này được giao phụ trách một Microsoft Ventures hoàn toàn mới, theo xu hướng của một công ty đầu tư mạo hiểm truyền thống ở Thung lũng Silicon và đầu tư lớn hơn vào các startup đã trưởng thành. Chính điều này đã gây ra sự bối rối cho các công ty được Microsoft Ventures hậu thuẫn, trong quá khứ và hiện tại. Các công ty được đầu tư bởi cả Microsoft Ventures cũ và mới đều cho mình nằm chung một danh mục, khiến cho cả nhân viên của Kashyap cũng khó xử. Do vậy, giải pháp đã được đưa ra nhằm hướng tới sự cắt đứt nhanh gọn và rõ ràng, cái tên M12 ra đời.

Trong khi đó, các chương trình hướng dẫn khởi nghiệp sẽ chuyển sang cái tên điều hành mới, Microsoft Scaleup. Cả M12 và Scaleup đều làm việc khá chặt chẽ với nhau, và M12 còn đầu tư tài chính vào một số doanh nghiệp đã tốt nghiệp các chương trình kia. Tuy vậy, Kashyap cho biết hai bên theo đuổi những mục tiêu khác nhau. M12 tiếp tục nhiệm vụ đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, có thể kể đến như công ty in 3D Markforged, hay startup học tập cộng đồng Kahoot và nhà cung cấp phần mềm quản lý bệnh tiểu đường Livongo. Bí quyết của M12 chính là khả năng đưa ra quyết định như một công ty đầu tư mạo hiểm truyền thống ở Thung lũng Silicon, đồng thời cung cấp cho các công ty được hẫu thuẫn quyền tiếp cận tới tất cả các nguồn lực của Microsoft. Nguồn lực đó có thể là kỹ thuật, ví dụ hỗ trợ cài đặt các tính năng trí tuệ nhân tạo hoặc hợp nhất với Microsoft Outlook. Hay thậm chí còn thực tế hơn như Livongo ký thỏa thuận với Microsoft và hiện tại dịch vụ của công ty này được đưa vào quyền lợi của nhân viên Microsoft.

Đội ngũ nhân sự của M12 (Nguồn: BI)

Dù Kashyap khẳng định sự hài lòng của mình khi Microsoft có thể giúp đỡ các doanh nghiệp, hỗ trợ hoặc sử dụng công nghệ của Microsoft không phải là điều kiện tiên quyết để nhận được đầu tư từ M12. Điều được mong đợi là startup có thể thành công trong dài hạn, kể cả họ xây dựng app cho Google Android hoạt động trên đám mây của Amazon. "Chúng tôi không chọn lựa doanh nghiệp trên nền tảng của họ. Chúng tôi chọn những cái tên tốt nhất."

Theo ICT News

http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/microsoft-doi-ten-mang-dau-tu-mao-hiem-ventures-thanh-m12-166968.ict