Cũng trong hội nghị WinHEC, Microsoft cũng khẳng định hãng đã đưa ra yêu cầu phần mềm cho các nhà sản xuất thiết bị phần cứng để chuẩn bị trước cho các thiết bị IoT thông minh trang bị Cortana ra mắt vào năm tới. Quản lí dự án Carla Forester từ Microsoft cho biết: “Điều này sẽ cho phép họ xây dựng các thiết bị có màn hình, nhằm nâng tính thực tế cho trải nghiệm Cortana. Bất cứ thiết bị thông minh nào có màn hình đều có lợi thế trong việc ứng dụng Cortana.”
Vấn đề màn hình được Microsoft giải thích rằng họ muốn đảm bảo các nhà sản xuất có thể sử dụng giao diện Cortana UI một cách đầy đủ. Để lấy ví dụ, Microsoft đã đưa lên trình chiếu những thiết bị đủ loại từ lò nướng bánh, tủ lạnh cho tới bảng điều khiển hệ thống sưởi. Điều này gợi ý cho chúng ta về một dải cực lớn các loại thiết bị IoT mà Cortana có thể hỗ trợ trong tương lai.
Trong bản Windows 10 Creators Update, Microsoft cũng đã thêm vào tính năng giao tiếp bằng giọng nói từ xa và khởi động bằng giọng nói. Cả 2 tính năng này sẽ cho phép các nhà sản xuất bên thứ 3 tạo ra những thiết bị có khả năng tự động bật dựa vào câu lệnh của người sử dụng tương tự như các sản phẩm Amazon Echo. Microsoft cũng đã bắt đầu thử nghiệm giao diện Cortana toàn màn hình, nhằm tạo điều kiện cho việc sử dụng Windows 10 chỉ với giọng nói.
Microsoft vẫn chưa đưa ra yêu cầu phần cứng cụ thể để chạy Cortana, nhưng rõ ràng hãng đã và đang hoàn thiện nền tảng phần mềm cho phép màn hình trên thiết bị IoT hoạt động như một cổng kết nối tới Cortana trên nền điện toán đám mây. Với những động thái này, một tương lai trợ lí ảo giúp chúng ta thực hiện mọi việc nhà có lẽ không còn xa nữa.
Theo Tri thức trẻ, Tham khảo TheVerge