|
Sabeco có thể khiếu nại quyết định của cơ quan chức năng |
Ông đánh giá thế nào về việc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu thu hồi 408 tỷ đồng từ Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)?
Khi Kiểm toán Nhà nước yêu cầu thu hồi 408 tỷ đồng từ Sabeco tức là họ đã lập luận dựa vào các cơ sở pháp lý nhất định và thực trạng hoạt động kinh doanh của DN. Còn cơ sở pháp lý đó có đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, minh bạch và lập luận đó có sức thuyết phục hay không thì cần phải xem xét một cách thấu đáo các khía cạn h liên quan đến vụ việc, chứ không thể vội vàng quy kết Sabeco lách luật trốn thuế.
Theo Sabeco và chuyên gia thì những quy định của Luật hiện chưa rõ ràng, đặc biệt trong cách tính thuế. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nhìn chung, hiện nay một số quy định pháp luật về thuế Tiêu thụ đặc biệt thiếu rõ ràng, minh bạch. Dẫn đến việc có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau đối với cùng một trường hợp.
Theo đó, tại điểm b Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 05/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ tài chính qui định: “Trường hợp cơ sở sản xuất hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường (nếu có) của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại đó bán ra….”.
Như vậy, không có quy định nào nói đến công ty sản xuất và công ty thương mại trong trường hợp có mối quan hệ với nhau như công ty mẹ, con hay công ty liên kết, tiêu thụ hết sản phẩm.. Các văn bản khác cũng chưa quy định chi tiết trường hợp cơ sở sản xuất bán qua nhiều nấc công ty con, cháu của mình…thì tính thuế như thế nào.
Vấn đề ở đây là nhà làm luật chưa thể dự liệu hết để quy định chi tiết “cách xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực rượu, bia, thuốc lá...”. Dẫn đến, Sabeco đã áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho mình. Nên quan điểm nói là Sabeco vi phạm, lách luật trốn thuế cũng có lý một phần, mà nói là Sabeco vận dụng linh hoạt không trái luật thì cũng đúng.
Vậy trong trường hợp này cơ quan quản lý Nhà nước cần áp dụng quy định thế nào để hài hòa lợi ích các bên?
Khi áp dụng pháp luật, có một nguyên tắc quan trọng là: “khi luật không rõ ràng thì áp dụng theo hướng có lợi cho đương sự”. Ở đây rõ ràng là quy định pháp luật - “khuôn, thước” để dựa vào đó xác định hành vi của Sabeco có vi phạm, lách luật trốn thuế hay không chưa rõ ràng, minh bạch. Thực tế là nhiều chuyên gia cũng đề nghị sửa luật thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến cách tính thuế.
Chính vì vậy, trong điều kiện quy định luật pháp còn chưa rõ ràng, minh bạch, thì về nguyên tắc, cần giải quyết theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc sửa luật về vấn đề này thì văn bản pháp luật mới cũng sẽ không có hiệu lực hồi tố.
Trong cuộc họp báo, Kiểm toán Nhà nước vẫn khẳng định dù luật có kẽ hở thì vẫn sẽ truy thu khoản thuế này của Sabeco. Vậy theo ông DN phải làm gì?
Theo quy định của pháp luật, nếu Sabeco không thỏa mãn với Quyết định của cơ quan thuế thì họ có quyền khiếu nại Quyết định đó theo quy định về khiếu nại, tố cáo. Nếu tiếp tục không thỏa mãn thì Sabeco có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền, việc đúng, sai như thế nào sẽ do Tòa án phán quyết theo quy định của pháp luật.
Bài học gì rút ra trong quản lý thuế và đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho DN sau chuyện của Sabeco?
Trước hết cơ quan thuế cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuế để làm sao các quy định đó cụ thể, chi tiết, rõ ràng, minh bạch và áp dụng thống nhất.
Về phía DN, khi thấy quy định nào còn chung chung, khó hiểu, nên làm công văn hỏi Tổng Cục thuế, khi có công văn trả lời thì áp dụng. Tránh trường hợp áp dụng rồi, cơ quan thuế phát hiện, xử lý thì khó có cơ sở để bảo vệ mình.
Theo Trí thức trẻ