|
Hai nhà máy của "Shark" Liên và doanh nhân 8x Tuấn "Gelex" sẽ cùng dùng chung nguồn nước mặt Sông Đà ở hạ lưu Đập thủy điện Hòa Bình |
Hình ảnh người dân xếp hàng chờ cấp nước tưởng chừng chỉ là hồi ức của một thời bao cấp, vừa qua được tái hiện một cách không thể chân thực hơn trong đợt mất nước Nhà máy Sông Đà hồi đầu tháng 10.
Vụ án đổ trộm dầu thải (hiện đang điều tra) khiến nước hồ Đồng Bài (nguồn nước của nhà máy) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thật tình cờ, đầu bên kia của Thủ đô, chỉ trước đó ít tuần, dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được giới thiệu hiện đại nhất Đông Nam Á rôm rả khánh thành với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngđ, ngang bằng với quy mô của Nhà máy nước Sông Đà.
Hai sự việc diễn ra vào cùng thời điểm khiến dư luận hướng sự chú ý sang nhà máy được đầu tư bởi Tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên - nữ doanh nhân đang tham gia chương trình Thương vụ Bạc tỷ (Shark Tank), đi kèm với đó, tất nhiên là không thiếu đồn đoán cùng các thuyết âm mưu.
Dù vậy, phải làm rõ rằng hai nhà máy không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp, bởi thị trường cung cấp khác nhau, với Nhà máy Sông Đà là khu vực phía Tây, trong khi Nhà máy Sông Đuống là phía Đông Hà Nội. Cả hai đều nằm trong quy hoạch cấp nước Thủ đô theo Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 21/3/2013.
Cụ thể, đến năm 2020, Nhà máy Sông Đà cung cấp 600.000 m3/ngđ, Nhà máy Sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội) là 240.000 m3/ngđ; ngoài ra còn một nhà máy nước mặt là Nhà máy Sông Hồng cấp 300.000 m3/ngđ. Tổng cộng 3 nhà máy nước mặt nằm trong quy hoạch cung cấp 1.140.000 m3/ngđ, chiếm 65% tổng công suất toàn Hà Nội. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 77,6% năm 2030 và 82,6% vào năm 2050, khi các nhà máy nước ngầm giảm dần công suất.
"Va chạm" lợi ích
Tuy nhiên, không phải là không có sự "va nhau" giữa hai nhà đầu tư nước sạch hàng đầu hiện nay: Aqua One Group của vợ chồng bà Đỗ Thị Kim Liên và Gelex Group của Chủ tịch 8x Nguyễn Văn Tuấn (công ty mẹ của Nước sạch Sông Đà).
Một số cơ quan truyền thông những ngày vừa qua đồng loạt đưa tin UBND TP. Hà Nội trong một công văn trả lời ý kiến cử tri huyện Ứng Hòa cho biết đã giao CTCP Aqua One triển khai dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai.
Thông tin chính thức trên website Aquaone.vn, Tập đoàn Aqua One mô tả dự án là nhà máy quy mô cấp nước vùng với công suất 150.000 m3/ngđ khi hoàn thành hợp phần 1 giai đoạn 1(2021), hợp phần 2 giai đoạn 1 (2023) nâng lên 300.000 m3/ngđ, giai đoạn 2 (2030) nâng lên 600.000 m3/ngđ và sau năm 2030 đạt 900.000 m3/ngđ.
Tổng mức đầu tư 4.295 tỷ đồng, trong đó nhà máy và hệ thống cấp nước 3.040 tỷ đồng, tuyến ống truyền tải nước sạch là 1.255 tỷ đồng.
Nhà máy thứ hai của Aqua One cũng sẽ lấy nước trực tiếp từ Sông Đà, nằm không xa hồ Đồng Bài, nơi đặt Nhà máy Sông Đà và cấp nước cho quận Hà Đông, một phần quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức; Phía Nam: Từ vành đai 3 theo quốc lộ 1A về phía Nam gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên; Phía Tây và Tây Nam: huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa; Phía Đông: bổ sung cho các quận nội thành cũ và một số huyện tỉnh Hòa Bình (Kỳ Sơn, Lương Sơn, một phần thành phố Hòa Bình) dọc tuyến ống.
Có nghĩa rằng khi bắt đầu đi vào hoạt động sau đây 2 năm, Nhà máy Xuân Mai của Aqua One sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Nhà máy Sông Đà.
Đáng chú ý là Nhà máy Xuân Mai không có trong quy hoạch cấp nước theo Quyết định 499 của Thủ tướng, dẫn tới nguy cơ dư cung một khi bộ đôi nhà máy này hoạt động hết công suất. Mà với lĩnh vực nước sạch, công suất phải ở mức cao nhất thì lợi nhuận mới tối ưu. Xung đột lợi ích giữa hai nhà máy nước lớn nhất Hà Nội (khi hoàn thành) là viễn cảnh không khó dự đoán.
Việc có thêm nhiều nhà cung cấp giúp thị trường tăng khả năng cạnh tranh, kéo giá xuống và chất lượng đi lên. Tuy nhiên nếu đầu tư ồ ạt sẽ dẫn tới lãng phí nguồn lực của xã hội. Do vậy nên chăng cần tính toán lại nhu cầu trung, dài hạn, tránh thực trạng cung vượt cầu. Trong trường hợp cần thiết đầu tư, có thể giảm công suất thiết kế trong tương lai của cả Nhà máy Sông Đà và Xuân Mai.
Đón đầu quy hoạch
Ngày 13/9/2016, UBND TP. Hà Nội ban hành Thông báo số 335/TB-UBND truyền đạt Kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố tại cuộc họp về chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cuộc họp diễn ra chỉ ít tháng sau khi nhóm Aqua One được chỉ định dự án nước Sông Đuống, đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội (cùng một số quy hoạch liên quan) do các quy hoạch này đã đến thời hạn rà soát, điều chỉnh.
Đến ngày 10/7/2019, HĐND TP. Hà Nội có Nghị quyết số 11/NQ-HĐND thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giao UBND Thành phố hoàn thiện một số nội dung của Đồ án trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị, ý kiến của các đại biểu HĐND Thành phố; báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh.
Một nội dung quan trọng của Đồ án là cập nhật điều chỉnh các dự án ưu tiên đang nghiên cứu triển khai như Nhà máy nước mặt Xuân Mai, nước mặt Ba Vì..., điều chỉnh phân kỳ đầu tư các dự án và các giải pháp để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển và quản lý vận hành thống cấp nước theo hình thức xã hội hóa.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai không có trong quy hoạch cấp nước của Hà Nội, và vẫn chưa chắc đã có trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt thay thế Quyết định 499. Vậy thì nếu quả thực UBND TP. Hà Nội giao Aqua One triển khai dự án Nhà máy Xuân Mai như thông tin vừa qua, phải chăng Hà Nội lẫn nhà đầu tư đã "chốt hạ" đối với dự án rất lớn này, kể cả khi nó còn chưa có trong quy hoạch?
Sự tự tin của Aqua One thể hiện rõ qua việc tập đoàn của bà Kim Liên vào tháng 3/2018 đã thành lập công ty con 100% vốn là Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai (vốn điều lệ 530 tỷ đồng) để triển khai dự án. Nếu Aqua One tiếp tục được chỉ định làm chủ đầu tư Nhà máy Xuân Mai thì đây sẽ là dấu hỏi không nhỏ về tính minh bạch trong cấp phép dự án. Như đã đề cập, ở dự án Nhà máy Sông Đuống, nhóm Aqua One đã bán cổ phần cho tập đoàn WHA của Thái Lan với giá 60.000 đồng/CP, gấp 6 lần giá vốn chỉ sau 3 năm đầu tư - mức lãi cho thấy độ "màu mỡ" của lĩnh vực cấp nước ở Hà Nội!
Theo Nhà Đầu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/mat-tran-moi-song-da--song-duong-d30643.html