|
McClure đã phải từ bỏ Quỹ Khởi nghiệp 500 bởi các cáo buộc quấy rối tình dục |
Hầu như tất cả mọi người đều nghiện thế giới kỹ thuật số kết nối. Chỉ có một số ít người dám nói rằng họ không phụ thuộc vào Internet hoặc sự kết nối trong thời đại kỹ thuật số.
Còn những người không tự cho rằng mình nghiện công nghệ và Internet, họ nên tự vấn một vài câu hỏi sau đây: Lần cuối cùng họ truy cập vào máy tính để tìm kiếm điều gì đó qua Google là khi nào? Lần cuối cùng họ truy cập Facebook hoặc Whatsapp để kết nối là lúc nào? Họ mất bao lâu trước khi nhận được “tín hiệu lo lắng” vì không mang theo chiếc điện thoại di động bên mình?
Nếu như họ cảm thấy cứ bần thần, không thoải mái khi không có máy tính hoặc điện thoại di động bên cạnh, thì khả năng họ bị phụ thuộc vào thế giới kỹ thuật số là rất cao. Nếu họ bị rối trí trong cong việc khi thiếu "Mr Google" và cảm thấy như bị bất lực, đó là khi họ đã trở thành con mồi của thế giới kỹ thuật số rồi đó.
Trong số hàng trăm người tôi biết, chỉ có hai người không mang theo điện thoại di động bên mình. Một người là luật sư dày dạn, còn người kia là quản lý nhà máy đã về hưu. Họ là trường hợp ngoại lệ so với chuẩn.
Thời đại kỹ thuật số đã đến để tồn tại và phát triển. Những thế mạnh của kết nối số: khả năng truy cập thông tin tức thời và duy trì liên lạc với những người khác một cách thông suốt quả là tuyệt vời và không thể thiếu.
Những ngày này, ngay cả những người trong độ tuổi 50 và 60 cũng là những người dùng tích cực của mạng Facebook, được họ coi là nơi giao lưu quan trọng trong cuộc sống của họ với những người khác. Những phản hồi tức thời cho các status của họ đem lại một sự hài lòng thật khó tả.
Đó là những chỗ giao lưu mới mà họ không thể trải nghiệm nếu không có kết nối kỹ thuật số. Tuy nhiên, có một điểm dở của trạng thái nghiện này cả về mặt xã hội lẫn kinh tế.
Đã có cả một quyển sách đưa ra những chi tiết về tình trạng nhiều người bị chán nản do không có sự kết nối kỹ thuật số ra làm sao, những người cảm thấy bức xúc khi không có quyền truy cập vào Internet như thế nào. Đó chính là những điểm dở về khía cạnh xã hội của thời đại kỹ thuật số.
Tuy nhiên, điều tệ hơn chính là đạo đức nghề nghiệp bị lệch lạc, nạn quấy rối tình dục và văn hoá thần tượng một số cá nhân một cách tràn lan đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.
Tuần trước, Cheryl Yeoh - cựu Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu Malaysia (MAGIC) - đã tiết lộ rằng cô chính là nạn nhân trong vụ tấn công tình dục của một nhà đầu tư mạo hiểm, Dave McClure, cách đây ba năm.
Sự việc chỉ được phát lộ sau khi tờ The New York Times đăng tin rằng, McClure đã phải từ bỏ Quỹ Khởi nghiệp 500 bởi các cáo buộc quấy rối tình dục chống lại ông ta.
Quỹ Khởi nghiệp 500 là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu của Thung lũng Silicon và là một chiếc máy gia tốc đổi với các hạt giống khởi nghiệp. Nói chung, giám đốc các quỹ mạo hiểm có xu hướng gây ảnh hưởng đối với những người đang tìm đến túi tiền của họ.
Đó là điều rất phổ biến trong thế giới của nền kinh tế mới, nơi nguồn vốn từ các ngân hàng không phải là dễ dàng có sẵn. Các ngân hàng luôn muốn nhìn thấy lợi nhuận và bảng cân đối tài chính mạnh trước khi họ cho các startup vay tiền để khởi nghiệp. Tuy nhiên, những startup trong nền kinh tế số thì lại ít khi có cả hai yếu tố tài chính nói trên.
Yeoh nói rằng cô đã không đưa vụ việc ra công khai vì sợ rằng nhiều người sẽ không tin cô. Cô cũng không muốn gây nguy hiểm cho liên doanh giữa MaGIC và Quỹ Khởi nghiệp 500.
McClure không phải là nhà đầu tư mạo hiểm duy nhất phải đối mặt với những rắc rối về hành vi phi đạo đức trong công việc. Travis Kalanick, người sáng lập và là người đứng đầu công ty ứng dụng Uber, cũng đã bị các cổ đông ép buộc từ chức sau một loạt các vụ tai tiếng trong công ty.
Trong số những người đưa ra phàn nàn về nền văn hoá doanh nghiệp của Uber có một phụ nữ là kỹ sư phần mềm Susan Fowler Rigetti. Trong blog của mình, cô cho biết môi trường làm việc của công ty là thái độ thù địch với phụ nữ, dẫn đến nhiều người trong số họ bỏ việc.
Thái độ thù địch còn xếp trên cả quấy rối tình dục. Thậm chí đến mức, phụ nữ không được phát áo khoác da như các đồng nghiệp nam, vì số lượng nữ trong công ty ít hơn nhiều so với nam giới. Cũng vì ít nữ nhân viên, nếu đặt hàng thì không đủ số lượng để được hưởng chế độ giảm giá. Thế là công ty không mua áo da cho nữ nhân viên! Thật khó tin đó là hành xử của Uber, một công ty luôn được giới thiệu là một doanh nghiệp chưa niêm yết có giá trị nhất!
Nếu như chuyện đó xảy ra tại một công ty kiểu cũ chắc chắn sẽ không được dung thứ. Nhưng nó đã xảy ra ở Uber, nơi Kalanick giữ một vị thế vững chắc đến mức không ai có thể đặt câu hỏi về cách quản lý công ty của ông ta.
Việc tôn thờ đến mức thần tượng hóa những người sáng lập là khá phổ biến trong các công ty kinh tế kiểu mới. Bất kể người sáng lập ra quyết định như thế nào đều không bị phản biện. Đến mức mà ngay cả khi các hợp đồng có giá trị lớn được ký kết thì hầu như cũng không có bất cứ ý kiến lời nào được nêu ra.
Jeff Bezos của Amazon đã mua một chuỗi cửa hàng tạp hóa, Whole Foods Market với giá 14 tỷ USD hai tuần trước.
Không có ai ngước con mắt, cũng chẳng có ai nêu ra bất kỳ câu hỏi nào về việc tại sao một công ty kinh tế kiểu mới siêu hạng đã mua vào một công ty kiểu cũ trong một ngành công nghiệp đã và đang phải đối mặt với những thách thức to lớn đến từ chính Amazon.
Vì hãng này với nền tảng cho phép mua sắm trực tuyến bất cứ thứ gì, từ sách đến hàng tạp hóa và thậm chí cả phim, đã làm ngành bán lẻ lao đao. Những người khổng lồ trong ngành này như Wal-Mart và Tesco đang phải đối mặt với sự thống trị ngày càng tăng của Amazon.
Vậy, tại sao Amazon lại mua vào chuỗi cửa hàng tạp hóa hoạt động trong một ngành mà họ đang phá hủy? Không ai biết câu trả lời. Họ chỉ dựa vào niềm tin rằng Bezos không thể sai. Niềm tin mù quáng là nhược điểm lớn nhất đối với nền kinh tế số.
Các công ty kinh tế kỹ thuật số thường không muốn trả cổ tức và chi tiêu rất nhiều cho nghiên cứu và phát triển với lý do rằng doanh nghiệp vẫn đang lớn mạnh và cần mọi nguồn tài chính.
Các nhà đầu tư đặt niềm tin vào câu thần chú này một cách mù quáng. Họ được khích lệ bởi giá cổ phiếu tăng mặc dù chẳng có cơ sở mang tính nguyên tắc nào.
Một ngày nào đó, đức tin mù quáng sẽ mất đi ánh hào quang của nó, giá sẽ giảm. Chỉ đến khi ấy, các nhà đầu tư mới nhận ra rằng cách thức cổ lỗ của các công ty định giá vẫn còn tốt hơn.