Đó là đánh giá của Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo Quốc gia Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 47, được công bố tại Lễ tổng kết và trao giải, vừa diễn ra sáng nay (11/5).
Theo Nhà thơ Trần Đăng Khoa, các bài vào Chung khảo đều sàn sàn nhau. Bài nào cũng có nét đáng yêu. Chính vì thế, Ban Giám khảo rất vất vả để tìm ra tác phẩm để có thể xếp ở vị trí thứ nhất, bởi tác phẩm này còn tiếp tục tham dự giải Quốc tế. Tác phẩm viết hay đã đành. Nhưng ngoài cái hay của văn chương, tác phẩm cũng phải đề cập đến những vấn đề lớn mang tính nhân loại, là mối quan tâm chung của toàn cầu.
"Vậy vấn đề của toàn cầu hôm nay mà nhân loại quan tâm là vấn đề gì? Cần loại trừ vũ khí hạt nhân. Hãy ngăn chặn chiến tranh và nguy cơ chiến tranh. Sự tàn phá môi trường thiên nhiên. Đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng. Nạn đói khát và vấn đề di dân. Nạn bạo lực và lạm dụng tình dục trẻ em. Mặt trái của cuộc cách mạng Công nghệ 4.0. Rồi việc biến đổi khí hậu toàn cầu… Rất nhiều những vấn đề lớn được các em đề cập trong các bài viết của mình", Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thêm.
Giải Nhất của cuộc thi cấp quốc gia năm nay được trao cho em Nguyễn Thị Bạch Dương, lớp 8A, trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đây là lần thứ hai ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi có học sinh đoạt giải Quán quân.
Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 47 dành cho thiếu nhi của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) do Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức được phát động ngày 9/10/2017 tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) với chủ đề: “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc lá thư ấy?” (Tiếng Anh “Imagine you are a letter travelling through time. What message do you wish to convey to your readers?”) đã kết thúc tốt đẹp.
Cuộc thi đã thu hút học sinh từ 1.582 trường trong cả nước tham gia. Nhiều nhà trường, địa phương đã đầu tư nghiêm túc cho cuộc thi từ việc mời Ban giám khảo đến trao đổi kinh nghiệm, đến việc tổ chức cuộc thi tại các trường học dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên... Vì thế, chất lượng các bài dự thi đồng đều và có số lượng học sinh tham gia đông đảo. Tiêu biểu trong số đó có các địa phương: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng, Cà Mau… Tổng số lượng bài dự thi đạt con số hơn 1 triệu bức thư.
Đặc biệt có 5 em học sinh dân tộc Khmer, Nùng, Thái, Hoa và H’re đoạt giải. Các giải Đặc biệt của Ban Giám khảo thuộc về 01 em học sinh dân tộc Thái (học sinh nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi) và 3 em học sinh khuyết tật đến từ Hải Dương và Thừa Thiên - Huế.