Mất ngủ hậu Covid, 6 cách khắc phục đơn giản mà hiệu quả ít ai ngờ tới

VietTimes – Hiện nay, rất nhiều F0 khỏi bệnh đang phải đối mặt với những di chứng hậu Covid-19, trong đó mất ngủ là tình trạng phổ biến nhất. Vậy cách khắc phục tình trạng mất ngủ như thế nào?
Mất ngủ là triệu chứng tương đối phổ biến sau khi bị mắc Covid-19

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 10 - 20% người mắc Covid-19 có những triệu chứng đáng lo ngại về sức khỏe sau khi khỏi bệnh. Sức khỏe suy giảm sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng công việc. Đồng thời tinh thần người bệnh cũng trở nên sa sút, không ổn định vì lo lắng quá mức.

Di chứng mà nhiều người mắc phải nhất là tình trạng mất ngủ thường xuyên. Stress, lo lắng, đau buồn, mất mát do COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nên càng ngày càng có nhiều người than phiền mất ngủ.

Khoảng 40% người dân bị mất ngủ trong thời gian đại dịch, trong khi tỉ lệ này trước đây là 24%. Thói quen ngủ của chúng ta cũng thay đổi trong thời đại COVID-19, liên quan đến giãn cách xã hội, các vấn đề tâm lý hoặc chính COVID-19 gây ra.

Các loại thuốc đã được sử dụng để điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, hay có thể là do triệu chứng mệt mỏi khiến bạn ngủ nhiều hơn vào ban ngày, làm gián đoạn chu kỳ ngày-đêm.

6 cách đơn giản khắc phục tình trạng mất ngủ:

Tắm nước ấm: Tắm nước ấm có thể làm dịu cơn đau nhức cơ. Đó cũng là một cách tốt để thư giãn trước khi cố gắng ngủ.

Đi ngủ sớm hơn một chút: Cố gắng ngủ thêm một hoặc hai tiếng mỗi đêm. Ngoài ra, nếu bạn cần ngủ trưa trong ngày, hãy ngủ một giấc. Duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy đều đặn.

Nâng cao đầu khi ngủ: Nếu bạn bị nghẹt mũi, đặt một vài chiếc gối để kê cao đầu sẽ làm giảm nghẹt mũi.

Tạo môi trường ngủ thích hợp: Môi trường ngủ lành mạnh giúp thúc đẩy giấc ngủ. Hầu hết mọi người ngủ tốt nhất trong một môi trường tối và yên tĩnh, không quá nóng.

Thư giãn trước khi ngủ: Dành một chút thời gian trước khi ngủ để thư giãn sẽ rất hữu ích. Đặt điện thoại của bạn sang một bên và đăng xuất khỏi mạng xã hội. Thay vào đó, hãy tìm thứ gì đó giúp bạn thư giãn, chẳng hạn như nghe nhạc, đọc sách hoặc tập thở sâu.

Bên cạnh đó, bạn nên tránh cafe, rượu và thuốc lá, tránh tập thể dục quá sức trong vòng 2 giờ trước khi ngủ và tránh ăn quá nhiều trước khi ngủ nhưng cũng đừng để bụng đói hoặc khát. Nếu chưa thể ngủ được cũng đừng lo lắng bởi bạn càng lo lắng, bạn càng khó ngủ.

Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đủ nước, chất xơ, protein, tinh bột và vitamin để phục hồi tối đa các mô bị tổn thương. Thành phần bữa ăn có đủ rau xanh, hoa quả tươi, protein và tinh bột. Nhớ uống nước đầy đủ, có thể uống nước lọc kết hợp nước trái cây để có đủ vitamin.

Trên đây là một số cách làm đơn giản nhưng giúp bạn cải thiện tình trạng mất ngủ đáng kể. Nếu vẫn khó ngủ, bạn cần đi đến bệnh viện để được khám và tư vấn cụ thể hơn.