Theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, ngày 19/11, chị Trần Thị Thanh T, 40 tuổi, giáo viên một trường THPT ở Nghệ An, đã nhận được một cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên bưu điện. Người này yêu cầu chị T cung cấp số chứng minh thư và họ tên để tra cứu. Sau đó anh ta nói rằng chị T đang có vướng mắc về pháp lý với công ty bảo hiểm và ngân hàng.
Khi chị T thắc mắc, người này chuyển tiếp cuộc gọi cho một kẻ tự nhận là cán bộ điều tra của Bộ Công an. Kẻ này thông báo chị T liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy. Hắn yêu cầu chị T ứng dụng có logo của Bộ Công an vào điện thoại.
Sau khi tải và mở ứng dụng, chị T hốt hoảng khi thấy “lệnh bắt khẩn cấp” với đầy đủ thông tin về năm sinh, quê quán của mình. Trước sức ép của kẻ tự xưng là cán bộ công an, chị T đã khai báo toàn bộ số tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra. Kết quả là số tiền hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản của chị T đã bị kẻ xấu chiếm đoạt.
Phương thức mạo danh công an để yêu cầu người dân cung cấp thông tin phục vụ điều tra không hề mới, nhưng vẫn có khá nhiều người mắc bẫy này. Kẻ xấu đã lợi dụng tâm lý “15 phút cuối bài thi” (giống như khi chúng ta làm bài thi chỉ còn một ít thời gian) để hối thúc, đe dọa khiến nạn nhân mất bình tĩnh, từ đó cung cấp các thông tin quan trọng để kẻ xấu lợi dụng.
Nói về trường hợp của chị T, Trung tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – CA tỉnh Nghệ An – khuyến cáo người dân không nên nghe theo các hướng dẫn của người lạ qua điện thoại, cũng như không tải các ứng dụng lạ xuống điện thoại. Khi có nghi ngờ, nên thông báo với cơ quan công an gần nhất để tránh bị mất tài sản vào tay kẻ xấu.