Masan và Alibaba đặt mục tiêu IPO The CrownX vào quý 2/2026

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Masan cam kết cùng với nhóm Alibaba sẽ nỗ lực tối đa để thực hiện IPO cổ phiếu của The CrownX trước ngày 11/6/2026, có thể gia hạn tối đa một năm theo quyết định của tập đoàn.
The CrownX là nền tảng cho sự phát triển của 'hệ sinh thái' do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gây dựng trong vòng 10 năm tới
The CrownX là nền tảng cho sự phát triển của 'hệ sinh thái' do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gây dựng trong vòng 10 năm tới

Đó là một phần nội dung thoả thuận được CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) và CTCP The CrownX (The CrownX) ký kết với nhóm nhà đầu tư Alibaba, Thunbergia và Credit Suisse AG vào ngày 17/5/2021.

Sau khi đạt được thoả thuận, vào tháng 6/2021, The CrownX đã phát hành thành công 4,2 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương với 5,5% vốn cổ phần cho nhóm nhà đầu tư kể trên, qua đó thu về 8.799 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong trường hợp The CrownX không thực hiện phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), mỗi nhà đầu tư sẽ có quyền chọn được yêu cầu Công ty TNHH The Sherpa (The Sherpa) hoặc bên được chỉ định bởi The Sherpa, mua cổ phần mà nhà đầu tư đó đã mua trong vòng gọi vốn này với mức giá đã được đồng ý trong thoả thuận.

Quyền chọn này có thể được thực hiện sau thời hạn IPO và tiếp tục có hiệu lực cho đến ngày tròn 9 năm 1 tháng kể từ ngày hoàn tất giao dịch. Bên cạnh đó, nó chỉ có thể thực hiện một lần đối với tất cả các cổ phiếu nói trên.

The Sherpa và The CrownX được tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thành lập để hoàn tất thương vụ hợp nhất VinCommerce (VCM) và Masan Consumer Holdings (Mã CK: MCH).

Ở đó, The CrownX được kỳ vọng sẽ trở thành một nền tảng kinh doanh thông suốt, tích hợp giữa hệ thống bán lẻ của MCH, sản phẩm tiêu dùng nhanh FMCG của MCH, thịt có thương hiệu của MML và dịch vụ tài chính của Techcombank.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, FiinTrade cho rằng Masan đang được hưởng lợi ngắn hạn nhờ nhu cầu mua nhu yếu phẩm tại các siêu thị tăng mạnh do chợ truyền thống bị đóng cửa khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng.

Tuy nhiên, tập đoàn này đang chịu áp lực nợ vay khá lớn với hệ số nợ vay/EBITDA ở mức rất cao, đạt 7,1 lần.

Dẫu vậy, sức khoẻ tài chính của Masan vẫn tỏ ra khá vững chắc khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) đạt 1,2 nghìn tỉ đồng trong nửa đầu năm 2021, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020.

Mặt khác, tỉ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Masan cũng đã giảm xuống 1,9 lần tại thời điểm cuối quý 2/2021 do tập đoàn đã trả bớt 2,6 nghìn tỉ đồng nợ vay ngắn và dài hạn./.