Masan Group bất ngờ “quay lại” sở hữu Proconco

Masan Group đã đi 1 bước rất mạnh mẽ vào ngành thức ăn chăn nuôi: mua Proconco và Anco để có ngay vị trí số 2 thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (Masan Group) hôm nay công bố đã mua 52% và 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (“Proconco”) và Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (“Anco”), bằng việc mua 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim (“Công ty”). Tập đoàn sau đó đã đổi tên Công ty thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science.

Trước đây, Masan Group đã thành lập Masan Agri để mua 40% cổ phần của Proconco vào cuối năm 2012. Đến cuối năm 2014, Masan Group tuyên bố đã thoái toàn bộ vốn khỏi Masan Agri, không còn lợi ích tại Proconco, và không nói gì thêm. Thông tin này khiến thị trường băn khoăn, khó hiểu, một số ý kiến còn phân tích cho rằng Masan Group đã bỏ ngành thức ăn chăn nuôi.

Câu chuyện nay đã rõ, như vậy, thông qua việc mua lại Công ty TNHH Sam Kim, Masan Group cấu trúc lại sở hữu Proconco với tỷ lệ lớn hơn trước đây, giữ tỷ lệ chi phối (52%). Cùng việc mua thêm Anco, Masan Group đã có trong tay 1 nền tảng lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi.

Masan Group cho biết việc mua các công ty này này là bước đi quan trọng để cải thiện và tăng năng suất của ngành sản xuất đạm động vật của Việt Nam – GDP đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Mỹ, tuy nhiên giá sản phẩm đạm động vật của Việt Nam cao hơn 1,5 đến 2 lần. Ngành thức ăn chăn nuôi là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất đạm động vật; việc nghiên cứu cải tiến công thức sản phẩm trong ngành này là một trong các nhân tố rất quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách về năng suất sản xuất giữa Việt Nam và các nước phát triển.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch của Công ty Masan Nutri-Science và Nguyên Tổng giám đốc của PepsiCo Indochina, chia sẻ “Tôi có tầm nhìn và mục tiêu là được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Tôi có niềm tin mãnh liệt là tôi có thể thực hiện được mục tiêu này bằng việc hợp tác với Masan để không chỉ đáp ứng nhu cầu về thức ăn chăn nuôi, mà quan trọng hơn là nâng cao năng suất của ngành sản xuất đạm động vật Việt Nam.

Việc mua và thành lập Masan Nutri-Science ngay lập tức đem lại cho Tập đoàn một nền tảng để phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi đang phát triển trị giá 6 tỷ đô la Mỹ. Proconco và Anco, kết hợp lại sẽ là công ty sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất (không bao gồm trại gia công) và công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung lớn thứ hai ở Việt Nam, với sản lượng thức ăn chăn nuôi cung cấp cho thị trường năm 2014 trên 1,7 triệu tấn. Masan Nutri-Science đang tự tin trên con đường thực hiện kế hoạch doanh thu 1 tỷ đô la Mỹ trong năm 2015.

Năm 2014, Masan Nutri-Science đã tạo ra 850 triệu USD doanh thu và 60 triệu USD lợi nhuận.

Về nhân sự cấp cao của Masan Nutri-Science: Ông Danny Le là Tổng giám đốc , ông Phạm Trung Lâm sẽ là người dẫn dắt quá trình thay đổi chiến lược. Ông Lâm đã từng là Giám đốc Chiến lược Khách hàng của Masan Consumer, một công ty con của Tập đoàn và là người đóng vai trò trọng yếu trong việc xây dựng Masan.

Masan Nutri-Science đặt mục tiêu 2020 sẽ đạt được 50% thị phần thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.

Vân Kiều

Công Ty Cổ phần Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn gia súc (“Proconco”) được thành lập năm 1991, tiền thân công ty liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam. Proconco có thương hiệu “Con Cò” là thương hiệu thức ăn chăn nuôi lâu đời nhất và cũng là một trong các thương hiệu cao cấp nhất tại Việt Nam. Tổng công suất sản xuất của Proconco năm 2014 là gần 1,4 triệu tấn.

Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (“Anco”) được thành lập năm 2003, tiền thân là liên doanh giữa Malaysia và Việt Nam với nhà máy đầu tiên đặt tại Đồng Nai. Tổng công suất sản xuất của Anco năm 2014 là 750.000 tấn.

Masan Nutri-Science sẽ có một trong những mạng lưới phân phối lớn với 2,000 đại lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổng số lượng nhà máy sản xuất dự kiến là 13 nhà máy vào cuối năm 2015.

Theo Trí thức trẻ