|
Martin Shkreli bị bắt vì tội gian lận. Ảnh: nguồn Internet |
Martin Shkreli trở thành “người bị ghét nhất nước Mỹ” (từ dùng của nhiều tít báo Mỹ) khi vào tháng 9-2015 anh ta nâng giá một loại thuốc đến 5.500% (năm ngàn năm trăm phần trăm) để “tối đa hóa lợi nhuận”.
Bệnh nhiễm ký sinh trùng với người khỏe mạnh thì vô hại nhưng với người có hệ miễn dịch yếu thì có thể bị đau đầu, sốt, mệt mỏi hay co giật. Từ năm 1953 nhà khoa học đoạt giải Nobel Gertrude Elion đã chế ra loại thuốc tên là Daraprim để trị bệnh này cũng như bệnh sốt rét rất có hiệu quả. Và mãi cho đến gần đây Daraprim có giá không đắt lắm, ở Mỹ mỗi viên giá 13,50 đô-la vào năm 2014.
Thế rồi anh chàng Martin Shkreli dùng công ty dược phẩm Turing Pharmaceuticals của mình để mua lại quyền sản xuất và kinh doanh thuốc Daraprim. Quyết định đầu tiên anh chàng này làm ngay sau đó là nâng giá thuốc Daraprim lên 750 đô-la mỗi viên!
Châu Âu, Anh và nhiều nước khác có luật kiểm soát giá thuốc để tránh trường hợp nâng giá kiểu này nhưng Mỹ thì không. Thị trường bó tay và báo chí chỉ biết phê phán lòng tham của Martin Shkreli. Thật ra, nâng giá lên mức kinh khủng như thế thì nhiều công ty dược phẩm ở Mỹ từng làm, có vụ còn nâng với tỷ lệ cao hơn thế. Ví dụ hãng Questcor Pharmaceuticals nâng giá thuốc Acthar Gel từ 40 đô-la Mỹ lên 28.000 đô-la Mỹ mỗi lọ.
Nhưng cái làm mọi người căm ghét anh này là thái độ nhơn nhơn, trêu ngươi của anh ta khi bị phê phán. Khi bà Hillary Clinton lên án cách kinh doanh của Turing Pharmaceuticals, anh ta đáp trả trên mạng xã hội Twitter: “lol”, tức là chỉ cười haha một cách ngạo mạn. Đến tháng 11-2015, áp lực dư luận quá mức chịu đựng nên anh ta phải đứng ra tuyên bố giảm giá Daraprim 50% cho bệnh viện, còn 375 đô-la mỗi viên! Nhưng theo New York Times, anh ta lại dự tính áp dụng bài tăng giá cho một loại thuốc khác, từ 50 đô-la lên 100.000 đô-la cho thị trường châu Mỹ La tinh.
Anh này còn chọc tức mọi người khi bỏ tiền ra mua bản duy nhất album nhạc mới nhất của nhóm hát nhạc rap Wu-Tang gồm 31 bài hát bỏ trong một hộp gỗ chạm tay với giá 2 triệu đô-la Mỹ. Thật ra đây là cách phát hành nhạc độc đáo của nhóm này khi quyết định bán đấu giá bản duy nhất, người mua toàn quyền muốn làm gì thì làm, không ai khác được nghe. Martin Shkreli còn chọc tức mọi người khi úp úp mở mở rằng anh ta chưa mở hộp ra nghe nữa mà để dành cho một dịp nào đó đặc biệt.
Hôm qua anh ta bị bắt tạm giam. Có lẽ ở nước Mỹ hàng ngày có nhiều vụ bị tạm giam vì cáo buộc gian lận kiểu như thế nhưng tin Martin Shkreli tra tay vào còng được nhiều báo lớn đăng thành tin trang nhất, kể cả tờ New York Times. Nói một cách đơn giản hóa câu chuyện thì anh ta bị buộc tội “dùng mỡ nó rán nó” – một dạng gian lận chứng khoán – khi dùng 11 triệu đô-la Mỹ từ một công ty anh đứng ra thành lập để trả nợ cho một công ty cũ cũng do anh ta đứng tên.
Nhiều người bình luận, câu chuyện Martin Shkreli thì đầy rẫy ở Mỹ cũng như ở nhiều nước khác. Ai cũng muốn tạo ra vị thế độc quyền để nâng giá hưởng lợi, ai cũng tìm cách lợi dụng khe hỡ trong các quy định về tài chính và chứng khoán để làm giàu. Nhưng phần lớn làm trong im lặng nên chẳng ai chú ý. Trong cái thế giới ảo của Facebook hay Twitter, chính Martin Shkreli làm hại mình khi tự biến mình thành người bị ghét bỏ nhất.
Chẳng lạ gì, Twitter đầy những dòng “hả hê”, kiểu như tiền thế chân để Martin Shkreli được tại ngoại là 500.000 nhưng họ vừa nâng lên 27,5 triệu, chỉ riêng cho anh ta thôi!”.
Theo TBKTSG