|
CEO Facebook khẳng định "sẽ không đi đâu cả" (ảnh: CNN) |
“Tôi chịu trách nhiệm về những chuyện đang xảy ra ở đây”, ông Mark Zuckerberg nói. Ông khẳng định với CNN rằng mình chưa có ý định rời bỏ chiếc ghế lãnh đạo Facebook khi mạng xã hội này đang gặp phải hàng loạt scandal.
“Tôi chưa có kế hoạch rời đi. Tất nhiên tôi sẽ không điều hành Facebook mãi mãi. Việc tôi từ nhiệm sẽ không đem lại ý nghĩa gì vào thời điểm này”, Mark nói.
Câu hỏi về vai trò lãnh đạo của Mark Zuckerberg tại công ty mà ông sáng lập 14 năm trước dấy lên khi tờ The New York Times đưa tin rằng cả ông Mark và bà Sheryl Sandberg (Giám đốc Thực thi của Facebook) đều bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo về vụ bê bối Cambridge Analytica. Vụ việc này đã ảnh hưởng đến quyền riêng tư của hàng chục triệu người dùng Facebook. Ngoài ra, những người lãnh đạo Facebook cũng biết các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trên nền tảng của họ, nhưng không có động thái gì để ngăn chặn.
Tờ Times cho biết Facebook đã âm thầm thuê một công ty có tên là Definers Public Affairs để thực hiện các hành vi trả đũa và gieo rắc thông tin xấu về những người hoặc tổ chức đã từng chỉ trích Facebook. Hôm thứ Sáu tuần trước, một nhóm nghị sỹ đảng Dân chủ đã gửi một bức thư yêu cầu Facebook làm rõ mối quan hệ với công ty Definers Public Affairs.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN, ông Mark Zuckerberg nói rằng ông đã biết được chuyện Definers hợp tác với Facebook từ khi… đọc tin trên tờ Times.
“Tôi điều hành công ty và tôi chịu trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra ở đây. Tôi không nghĩ vấn đề nằm ở một công ty PR nào đó, mà ở cách chúng tôi hành động”.
Elliot Schrage, Giám đốc bộ phận Chính sách công của Facebook là người đứng đằng sau vụ bắt tay của Facebook với hãng Definers. Đây là một nguồn tin bí mật nằm trong một bản ghi nhớ mà trang TechCrunch đã bỏ tiền ra mua lại. Trong bản ghi nhớ này, ông Elliot Schrage thừa nhận Definers đưa những câu chuyện tiêu cực về đối thủ, nhưng phủ nhận việc Facebook yêu cầu hoặc trả tiền để Definers đăng các thông tin giả mạo.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN, ông Mark Zuckerberg đã bảo vệ một quyết định gây tranh cãi của công ty khi không xóa bài viết của Tổng thống Trump hồi năm 2015. Trong bài viết này, ông Trump đã kêu gọi “xóa bỏ hoàn toàn” việc nhập cư của người Hồi giáo vào Mỹ.
“Tôi nghĩ mọi người cần có cơ hội để nghe những gì các nhà lãnh đạo chính trị đang nói. Trong trường hợp này, tôi không nghĩ nội dung đó vi phạm chính sách kiểm duyệt của Facebook”, ông Zuckerberg nói.
Facebook không phải là mạng xã hội duy nhất phải đối phó với những phát ngôn “không cần biết đến ai” của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã dùng Twitter để chỉ trích các công ty như Amazon và Google, cũng như lãnh đạo công đoàn Chuck Jones vào năm 2016. Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey đã bênh vực cho sự hiện diện của Tổng thống Trump trên Twitter. Ông này nói rằng Twitter đã tạo ra một "đường dây nóng” để kết nối người dân với các nhà lãnh đạo chính trị thông qua “cuộc trò chuyện mở”.
Về phía Mark Zuckerberg, ông thừa nhận “Facebook đã bỏ lỡ một thứ quan trọng”. Ông muốn ám chỉ đến sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016. “Đó không phải là thứ chúng tôi mong đợi”, Mark nói.
"Tôi ước rằng chúng tôi đã hiểu vấn đề sớm hơn. Tôi ước chúng tôi hiểu nó trước năm 2016, trước khi người Nga cố gắng thực hiện những hoạt động thông tin này từ đầu”.