Khi Mark Zuckerberg quyết định chi ra 2 tỷ USD để mua lại Oculus, vị CEO này nhận được một bức thư từ phía CEO Oculus, Brendan Irbe. Lá thư nói rằng Google cũng đang để mắt tới startup thực tế ảo này.
Tương tự như vậy, trong 2 tuần đàm phán để mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ USD năm 2014, một gã khổng lồ khác được cho là Google cũng đã đề nghị mua lại WhatsApp nhằm nẫng tay trên của Facebook.
Facebook cuối cùng đã thành công trong cả hai thương vụ với Oculus và WhatsApp chỉ trong vòng vài tuần, đánh bại Google tới 2 lần.
Thứ 3 vừa rồi (18/1), khi làm chứng trong phiên tòa tại Dallas, Zuckerberg đã chia sẻ những nhận định của anh trước khi quyết định mua một công ty nào đó. Anh tới phiên tòa để làm chứng trong vụ kiện chống lại Oculus của nhà sản xuất game Zenimax.
Dưới đây là bốn chiến lược Zuckerberg sử dụng trong các thương vụ mua bán lớn mà trang Business Insider có được khi đọc bản tường thuật của phiên tòa.
1. Xây dựng mối quan hệ trước
CEO Instagram (bên trái) và CEO Facebook (bên phải) |
Mặc dù chỉ mất một tuần để Facebook hoàn tất toàn bộ quá trình thẩm định pháp lý đối với Oculus, thế nhưng Zuckerberg đã giải thích rằng đối với những thương vụ mua lại lớn, anh thường xây dựng mối quan hệ trước với các nhà sáng lập của công ty mà mình muốn thâu tóm.
“Trên thực tế, cả Instagram và WhatsApp và Oculus đều là những công ty mà tôi đã nghĩ đến từ rất lâu”, anh giải thích.
“Tôi đã xây dựng mối quan hệ với các nhà sáng lập và những người liên quan đến công ty, cụ thể là Instagram và WhatsApp, trong vòng vài năm, thế nên khi đến thời điểm đó, chúng tôi cho rằng đã đến lúc để bước tiếp, chúng tôi cảm thấy chúng tôi đã có được hoàn cảnh thuận lợi, một mối quan hệ tốt để có thể nhanh chóng tiến lên, và điều đó là rất quan trọng. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao rất nhiều cuộc sáp nhập đến với chúng tôi chứ không đến với đối thủ của chúng tôi và kết thúc rất tốt đẹp, khiến nhiều đối thủ phải thèm khát”.
2. Có chung tầm nhìn
Mark Zuckerberg dùng thử Oculus Rift |
Zuckerberg cho biết lý do chính anh có thể mua lại Oculus với giá chưa tới 4 tỷ USD, thấp hơn mức giá mong muốn ban đầu của Oculus là do anh đã nhấn mạnh được sự tương đồng trong tầm nhìn giữa hai công ty.
“Điều quan trọng nhất là liên minh và cùng hào hứng với một tầm nhìn chung và hào hứng với việc làm thế nào để chúng ta có thể cộng tác cùng nhau. Hay nếu họ tạo ra phần cứng thì chúng tôi tạo ra trải nghiệm, và điều đó sẽ tốt hơn một bên nào đó làm việc độc lập”, anh nói.
“Nếu thương vụ này có thể diễn ra, nó sẽ không diễn ra bởi chúng tôi trả rất nhiều tiền, mặc dù chúng tôi sẽ trả một cái giá công bằng cho công ty, nhiều hơn mức giá mà họ cảm thấy là họ có thể tự kiếm được. Thế nhưng họ cũng cần cảm thấy điều này thực sự hỗ trợ sứ mệnh của họ, phải vậy không?”.
Zuckerberg cũng giải thích việc chia sẻ tầm nhìn xuất phát từ cả đôi bên: “Có rất nhiều lo ngại về những thương vụ này, đúng vậy không? Ý tôi là nếu bạn có ý định trả 19 tỷ USD cho một công ty hay 2 tỷ USD cho một công ty, bạn rõ ràng là phải tin tưởng vào điều đó”.
3. Đôi khi phải dùng những chiến thuật kỳ lạ
CEO Snapchat, Evan Spiegel |
Mặc dù thích mua bán một công ty dựa trên sự tương đồng về tầm nhìn, Zuckerberg cũng thừa nhận đôi khi anh phải hù dọa các startup nhỏ bằng cách làm cho họ cảm thấy sẽ khó khăn thế nào nếu một mình vận hành công việc kinh doanh.
“Đó không phải là cách tôi làm thường xuyên, nhưng tôi nghĩ rằng nếu bạn cố gắng thuyết phục người nào đó rằng họ nên gia nhập với bạn, giúp họ hiểu được tất cả những đau đớn mà họ sẽ có thể phải trải qua để xây dựng một công ty độc lập là như thế nào, thì cũng là một chiến thuật đáng giá”.
Không rõ anh có dùng chiến thuật này với CEO Snapchat, Evan Spiegel không, nhưng có vẻ dù đã dùng chiến thuật nào thì Facebook cũng thất bại trong vụ mua lại Snapchat. Cách đây vài năm, Evan Spiegel đã từ chối khoản tiền 3 tỷ USD mà Facebook chào mời.
4. Hành động nhanh chóng
Đồng sáng lập WhatsApp,Jan Koum |
Khi người hỗ trợ đắc lực của Zuckerberg trong các thương vụ mua bán, Amin Zoufonou, cảnh báo anh rằng việc thẩm định pháp lý với Oculus chỉ trong một tuần sẽ kèm theo một số rủi ro, Zuckerberg đã nói với ông rằng hãy cứ “tiếp tục cho đến khi chúng ta có gì đó để có thể ký ngay lập tức”.
“Khi bạn tham gia một thương vụ và trong một hoàn cảnh cạnh tranh, bạn thường không có nhiều thời gian”, anh nói. Điều này tương đồng với một câu châm ngôn của công ty “tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ”. Đó cũng là chiến lược chủ chốt của Facebook để giúp những công ty khác không thể đánh bại mình.
“Một số thương vụ sáp nhập lớn hơn mà chúng tôi đã tiến hành, như Instagram và WhatsApp, có giá hơn 1 tỷ USD, chúng tôi phải tiến hành nhanh bởi các công ty khác, dù là Google hay Twitter, hay Apple, hay bất cứ công ty nào, cũng đều cố gắng nói chuyện với những công ty này và mua họ”, Zuckerberg giải thích.
“Và thông thường, nếu một công ty biết rằng chúng tôi trả cho những công ty kia cái gì đó, họ sẽ trả nhiều hơn”, anh tiếp tục. “Thế nên tiến hành một cách nhanh chóng không chỉ làm tăng cơ hội tiến đến việc hoàn tất thương vụ nếu muốn, mà còn giúp chúng tôi không phải trả quá nhiều bởi quy trình kéo dài”.
“Tôi nghĩ rằng một số công ty có thể cần đến vài tuần thậm chí vài tháng để đánh giá một số vấn đề, và tôi cho rằng một trong những điều chúng tôi luôn tự hào về bản thân mình và một trong những điều chúng tôi luôn làm tốt cho Facebook đó là chúng tôi có thể linh hoạt và tiến hành nhanh chóng những điều quan trọng. Và điều đó giúp chúng tôi rất nhiều”.
Theo ICTNews