Ngân hàng TMCP Quân đội – MB (HSX: MBB) mới đây đã công bố báo cáo tình hình quản trị ngân hàng năm 2015.
Đáng chú ý, quan sát nội dung báo cáo không thấy có thông tin nào liên quan đến tình hình giao dịch cổ phiếu MBB của hai cổ đông lớn có nguồn gốc ngân hàng là Maritime Bank (MSB) và Vietcombank (VCB).
Điều này đồng nghĩa với việc, khối lượng cổ phần nắm giữ của MSB và VCB tại MBB vẫn không có gì thay đổi trong niên độ tài chính 2015.
Theo dữ liệu cập nhật vào thượng tuần tháng 10/2015, thì sau khi Ngân hàng Quân đội thực hiện tăng vốn điều lệ lên 16 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của VCB và MSB tại MBB lần lượt là 7,16% và 8,96%.
Trong đó, khối lượng cổ phiếu MBB mà Vietcombank nắm giữ là 114.507.975 cổ phiếu; Còn khối lượng cổ phiếu MBB mà Maritime Bank nắm giữ là 143.408.818 cổ phiếu, chia ra làm 2 phần: 140.796.38 cổ phiếu (8,8%) thuộc sở hữu trực tiếp của MSB và 2.611.980 cổ phiếu (0,16%) do MSB gián tiếp sở hữu thông qua CTCP Quản lý quỹ Tín Phát.
Vẫn “vướng” sở hữu chéo
Liên quan đến phần vốn của Vietcombank tại ngân hàng Quân đội, từ ngày 05/01/2015, ngân hành này cũng đã cử ông Phùng Xuân Hải, Phó trưởng phòng Đầu tư thay bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng đầu tư, làm đại diện theo ủy quyền thực hiện các quyền cổ đông của VCB tại MB.
Theo phân tích của VietTimes, nhiều khả năng động thái này sẽ là “bước đệm” để Vietcombank rút bà Trần Thị Kim Thanh, người đang tham gia HĐQT MBB với tư cách đại diện vốn góp của VCB khỏi cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Quân đội.
Bởi lẽ, theo quy định tại Thông 36/2014/TT-NHNN mà Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02/2015, thì “NHTM không được cử người tham gia hội đồng quản trị mà NHTM đã mua, nắm giữ cổ phiếu, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của NHTM hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN”. Mà MBB ở đây, rõ ràng là không thuộc các trường hợp loại trừ.
Cũng theo Thông tư 36, văn bản được đánh giá là “toa thuốc đặc trị” căn bệnh sở hữu chéo ngân hàng, thì tất cả các NHTM trong hệ thống sẽ chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 02 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD là công ty con của NHTM đó. Đồng thời, cũng theo Thông tư 36, một NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một TCTD khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó.
Như vậy, tính đến cuối năm 2015, hơn 13 tháng sau ngày Thông tư 36 chính thức được ban hành, xét riêng mối quan hệ với MB, Vietcombank vẫn “vướng” hàng loạt quy định sở hữu chéo như: vượt trần sở hữu 5%, cử người tham gia HĐQT.
Và không chỉ MB, Vietcombank còn nắm 8,19% cổ phần Eximbank (HSX: EIB) và có tới 2 đại diện tham gia hội đồng quản trị EIB, dù không điều hành, là các ông Cao Xuân Ninh và Trần Lê Quyết.
Chưa rõ cơ quan quản lý mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ xử lý, hoặc chỉ đạo xử lý ra sao để “gỡ” Vietcombank (một ngân hàng thuộc sở hữu của NHNN) khỏi mạng lưới sở hữu chéo tại MB và Eximbank. Nhất là khi 2015 cũng là năm mà toàn ngành ngân hàng tổng kết 4 năm thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, theo Đề án 254 của Thủ tướng Chính phủ.
Cái tên lạ lẫm…
Còn với cổ đông ngân hàng còn lại tại MB là Maritime Bank, được biết, trước khi Ngân hàng Quân đội thực hiện tăng vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu của MSB thậm chí còn là 12,01%, lớn thứ hai sau đại cổ đông Viettel (15%).
Sự xuất hiện của Maritime Bank trong cơ cấu cổ đông lớn tại Ngân hàng Quân đội, cũng là câu chuyện mang lại không ít dấu hỏi, không chỉ bởi khối lượng cổ phiếu MBB quá lớn mà MSB đang nắm giữ.
Bởi lẽ, với đặc thù là một đơn vị kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng, chắc chắn bên cạnh nhiệm vụ hoạt động kinh doanh thông thường như các TCTD khác, MB còn phải thực các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác của quân đội và nhà nước, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế.
Chính vì vậy, dù đã được thực hiện cổ phần hóa khá toàn diện, xong quan sát cơ cấu sở hữu MBB, những cổ đông lớn nhất vẫn là các đơn vị quân đội (Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Tổng công ty 28, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn), hay một tổ chức tín dụng nhà nước hàng đầu, có kinh nghiệm và trình độ để hỗ trợ MBB phát triển trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng (Vietcombank).
Do đó, sự góp mặt của Maritime Bank – một ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ và từng có nhiều tì vết quá khứ - tại danh sách các cổ đông hàng đầu của MB là một điều tương đối lạ lẫm.
Căn cứ vào hệ thống Báo cáo thường niên của Ngân hàng Quân đội, cái tên Maritime Bank mới chỉ chính thức góp mặt trong danh sách cổ đông lớn MBB kể từ Báo cáo thường niên năm 2011.
Đáng chú ý, dù đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng và liên tục là một trong ba cổ đông lớn nhất tại Ngân hàng Quân đội, nhưng chưa bao giờ thấy Maritime Bank có đại diện vốn tham gia Hội đồng quản trị MB.
Các "VIP" MB sở hữu bao nhiêu?
Báo cáo tình hình quản trị ngân hàng năm 2015 của MB cũng hé lộ một số thông tin về sở hữu cá nhân MBB của một số lãnh đạo ngân hàng này.
Theo đó, tính đến cuối năm 2015, Chủ tịch HĐQT ông Lê Hữu Đức nắm giữ 99,7 nghìn cổ phiếu MB, tương đương sở hữu 0,0062% vốn. Người nhà ông Đức không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của ngân hàng.
Vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT sở hữu 252 nghìn cổ phiếu, tương ứng 0,0158% vốn.
Phó Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái sở hữu gần 314 nghìn cổ phiếu bằng 0,0196% vốn.
Gia đình ông Lê Công - Tổng giám đốc ngân hàng nắm giữ tổng cộng hơn 2,5 triệu cổ phiếu MBB, tương đương 0,1578% vốn. Trong đó, ông Lê Công nắm giữ 1,424 triệu cổ phiếu - bằng 0,089% vốn ngân hàng.
Ninh Giang – Quốc Dũng