Ảnh minh họa. |
Nhằm đón đầu xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ trung gian thanh toán, ví điện tử đã được đầu tư mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Trong đó, các ứng dụng thanh toán trên di động đang dành được nhiều sự quan tâm nhất, với một loạt những cái tên đáng chú ý như Momo, Samsung Pay, Viettel Pay, Zalo Pay, Payoo, Moca...
Momo đang là một trong những ví điện tử "nổi" nhất hiện nay với lợi thế được thành lập khá sớm và nhận được sự đầu tư mạnh mẽ của các quỹ đầu tư lớn. MoMo hiện đang cung cấp dịch vụ Ví điện tử trên di động, Dịch vụ chuyển tiền mặt tại điểm giao dịch (OTC) và nền tảng thanh toán (payment platform).
Không chỉ phát triển online, MoMo còn sở hữu mạng lưới hơn 5.000 điểm giao dịch tài chính trải rộng khắp 45 tỉnh thành trên cả nước, cho phép khách hàng tại các vùng sâu vùng xa, nơi dịch vụ ngân hàng và điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính.
CTCP Dịch vụ Di Động Trực tuyến (M_Service) - đơn vị chủ quản của MoMo - được thành lập từ năm 2007 nhưng đến tháng 6/2014 thì ứng dụng MoMo mới chính thức được phát hành trên nền tảng Android và iOS cho người dùng di động.
Được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng giống như ngành thương mại điện tử, hiện tại MoMo vẫn đang phải chạy đua "đốt tiền" để thu hút khách hàng mới cũng như đẩy mạnh khuyến mãi giảm giá cho các dịch vụ liên kết.
Chính vì vậy mà MoMo càng mở rộng phát triển thì mức lỗ của MoMo cũng ngày càng lớn: nếu năm 2014, công ty này mới lỗ 43 tỷ thì đến năm 2016 đã là 147 tỷ và năm 2017 lỗ tiếp 243 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017, MoMo đã lỗ lũy kế 566 tỷ đồng - tương đương mức lỗ của trang thương mại điện tử TiKi và gần bằng Shopee.
Năm 2017, MoMo đạt doanh thu 1.734 tỷ đồng từ việc bán các hàng hóa, dịch vụ nhưng lãi gộp chỉ vỏn vẹn 34 tỷ đồng, tức biên lãi gộp 2,1%. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý lên đến gần 300 tỷ đồng. Với doanh thu vẫn còn khá khiêm tốn cùng biên lãi gộp thấp như vậy thì việc MoMo có lãi sẽ không phải chuyện ngày một ngày hai.
Điểm yếu của MoMo so với nhiều đối thủ sinh sau đẻ muộn là không nằm trong một hệ sinh thái nào do đó phải rất vất vả trong việc xây dựng và duy trì tập khách hàng. Đơn cử như Zalo Pay thuộc hệ sinh thái của VNG như game online, Zalo, công ty liên kết TiKi; AirPay có tập khách hàng từ rất nhiều dịch vụ của Tập đoàn SEA (Garena) như game online, trang thương mại điện tử Shopee hay dịch vụ giao đồ ăn Now; Viettel Pay thuộc Viettel hay một doanh nghiệp được dự báo sớm gia nhập thị trường là VinID thuộc Vingroup.
Vì vậy mà khác với ngành thương mại điện tử các doanh nghiệp lớn cũng như bé đều lỗ thì vẫn có những ví điện tử có lãi, đơn cử như Payoo hay AirPay. Năm 2017, CTCP Phát triển Thể thao điện tử Việt Nam - đơn vị chủ quản của AirPay - đạt doanh thu gần 4.200 tỷ và lãi trước thuế 67 tỷ đồng.
Khoản đầu tư của Goldman Sachs và SCPE năm 2016 giúp MoMo có khoản tiền đồi dào
Dù mức lỗ có ngày càng lớn thì MoMo vẫn tiếp tục được các quỹ rót tiền. Năm 2013, MoMo bắt đầu nhận được khoản đầu tư 5,75 triệu USD của Goldman Sachs. Đến tháng 3/2016, Goldman Sachs cùng Stanrdard Chartered Private Equity (SCPE) đầu tư 28 triệu USD.
Từ đầu năm 2018 đến nay, mặc dù không công bố nhưng các lần thay đổi đăng ký kinh doanh của MoMo cho thấy ví điện tử này liên tục được bơm tiền mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó vốn điều lệ tăng từ 69 tỷ lên 112 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ nắm giữ 44% vốn điều lệ của MoMo thì đến ngày 12/11, tỷ lệ này đã tăng lên xấp xỉ 64%. Bên cạnh Goldman Sachs và SCPE, danh sách nhà đầu tư nước ngoài hiện đã có thêm một số cái tên mới như: Ganymede Holdings B.V, E-Mobile VN Investments I và Ganymede Holdings.
Phía cổ đông trong nước hiện mới xuất hiện 1 cái tên là Chứng khoán Thiên Việt (TVS), hiện nắm xấp xỉ 10% cổ phần của MoMo.
Theo Trí thức trẻ
Link: http://cafef.vn/manh-tay-chi-tien-gianh-thi-phan-vi-dien-tu-momo-da-sanh-ngang-shopee-tiki-voi-khoan-lo-luy-ke-gan-600-ty-20181114160125493.chn