Malaysia muốn tăng gấp đôi quy mô ngành công nghiệp bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo CNBC, Malaysia đang muốn tăng gấp đôi quy mô ngành công nghiệp bán dẫn trong nước để nắm bắt cơ hội tăng trưởng của thị trường xe điện.

Lắp ráp linh kiện bán dẫn tại một cơ sở ở Malaysia
Lắp ráp linh kiện bán dẫn tại một cơ sở ở Malaysia

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với đài CNBC hôm thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Zafrul Aziz đã chỉ ra rằng các nhà sản xuất xe điện đã bỏ hàng tỉ USD để mua linh kiện từ Malaysia.

“Các nhà sản xuất xe điện muốn sắp xếp lại chuỗi cung ứng để đảm bảo an toàn sản xuất, cũng như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Vì vậy họ đang tiến gần hơn đến Malaysia và chúng tôi đang mời nhiều nhà sản xuất xe điện đến", Bộ trưởng Zafrul nói.

Ông Zafrul cũng chia sẻ rằng mục tiêu của chính phủ là để các nhà sản xuất xe điện mở rộng sự hiện diện của họ tại quốc gia này và đồng thời chỉ ra rằng Tesla đã là một trong những nhà cung cấp trạm sạc lớn của Malaysia. Một số công ty lớn nhất của Malaysia cũng là nhà cung cấp của Tesla.

Vào tháng 8 năm ngoái, Tesla đã thành lập trụ sở khu vực tại Malaysia và Thủ tướng Anwar Ibrahim đã nói với đài CNBC vào thời điểm đó rằng “Xe điện là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.

Bộ trưởng Zafrul nói với giới truyền thông Malaysia vào tháng 12 rằng ông tin rằng xe điện sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành sản xuất chip Malaysia và Malaysia vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ô tô điện.

Ông chỉ ra rằng chip bán dẫn là một phần không thể thiếu trong sản xuất ô tô, nhưng thậm chí còn quan trọng hơn thế nữa trong xe điện. Ông cho biết một chiếc ô tô bình thường chứa khoảng 5.000 con chip, nhưng một chiếc xe điện có thể cần tới 15.000 con chip.

Ông nói thêm: “Vì vậy, Malaysia phải có mặt trong chuỗi cung ứng đó và chúng tôi muốn tận dụng lợi thế đó”.

Tiến lên chuỗi giá trị cao hơn

Bộ trưởng Zafrul cho biết Malaysia đặt mục tiêu tập trung vào chuỗi giá trị được gọi là “front-end” của ngành công nghiệp chip, thay vì chỉ là “back-end”.

“Front-end” là các quy trình liên quan đến chế tạo tấm bán dẫn và mạch khắc, trong khi “back-end” tập trung vào việc đóng gói và lắp ráp các mạch tích hợp - đòi hỏi ít kỹ năng hơn và đem lại ít giá trị kinh tế hơn.

Để đạt được mục tiêu đó, Malaysia đã thành lập một cơ quan đặc nhiệm bán dẫn quốc gia nhằm phát triển hệ sinh thái bán dẫn của đất nước và thu hút đầu tư chiến lược, truyền thông Malaysia đưa tin.

chip-ban-dan-0-9690.jpg

Trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Zafrul cho biết chip bán dẫn rất quan trọng đối với lĩnh vực điện và điện tử của quốc gia cũng như các ngành công nghiệp dựa trên công nghệ khác như xe điện.

Ông Zafrul nhấn mạnh vào tầm quan trọng của ngành bán dẫn - chiếm 7% tổng sản phẩm quốc nội và một nửa kim ngạch xuất khẩu của Malaysia.

Cơ quan đặc nhiệm chất bán dẫn sẽ không chỉ xem xét việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Malaysia mà còn tìm cách đảm bảo có “chuỗi cung ứng nhân tài” ở nước này. Malaysia cần 50.000 kỹ sư điện và điện tử mỗi năm mà Bộ trưởng Zafrul chia sẻ: "chúng tôi đang thiếu”.

Tuy nhiên, Malaysia vẫn đang ở vị thế tốt để đạt được mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình, ông nói.

“Điều tốt ở Malaysia là ngành công nghiệp này bắt đầu từ đầu những năm 70. Nó đã tồn tại được 50 năm rồi và là nền tảng vững chắc để chúng tôi tiến lên chuỗi giá trị cao hơn”./.